Có thể nói, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp và gây không ít khó khăn cho quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước nói chung và tỉnh Kiên Giang nói riêng. Khu vực kinh tế tập thể (KTTT) ở Kiên Giang thời gian qua cũng đã thể hiện được thế mạnh trong hỗ trợ thành viên và người dân giải quyết nông sản tồn động, tạo cuộc sống ổn định, an tâm sản xuất. Tuy nhiên, vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém cần có nhiều giải pháp tích cực hơn nữa để tạo sức lan tỏa mạnh mẽ và làm thế nào để KTTT, HTX thật sự là chỗ vựa vững chắc cho thành viên, nhất là trong thời cuộc khó khăn như hiên nay.
Trong lúc đại dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp và khó khăn, nhiều HTX đã làm tốt vai trò cầu nối tiêu thụ nông sản cho thành viên, để thành viên an tâm sản xuất
Hiện toàn tỉnh có 501 HTX đang hoạt động, với 53.560 thành viên, vốn điều lệ 372,682 tỷ đồng, sản xuất trên 62.816 ha diện tích canh tác, tạo việc làm cho 9.225 lao động. Trong đó có 441 HTX nông nghiệp (gồm 353 HTX trồng trọt, 88 HTX thủy sản), 38 HTX phi nông nghiệp (gồm 07 HTX thương mại dịch vụ; 20 HTX giao thông vận tải; 03 HTX xây dựng; 08 HTX tiểu thủ công nghiệp) và 22 quỹ tín dụng nhân dân.
Với số lượng HTX tương đối nhiều, khu vực KTTT ở Kiên Giang trở nên đa dạng ngành nghề, lĩnh vực. Thu nhập bình quân của người lao động làm việc thường xuyên trong HTX là 50 triệu đồng/năm.
Bên cạnh đó, được sự quan tâm của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, trong thời gian qua nhiều chính sách về KTTT, HTX được được ban hành và triển khai có hiệu quả. Một số chính sách được quan tâm thực hiện tốt như: xúc tiến thương mại; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho HTX; công tác hỗ trợ; công tác tư vấn, tuyên truyền thành lập mới; chính sách về đầu tư, tín dụng, ứng dụng khoa học và công nghệ; chính sách về điện phục vụ bơm tát cho HTX nông nghiệp; chính sách về đầu tư kết cấu hạ tầng về giao thông nông thôn, thủy lợi, lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia. Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với các ngành liên quan và địa phương thực hiện tốt công tác hỗ trợ HTX xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; làm tốt công tác trung gian cầu nối giới thiệu HTX với doanh nghiệp và hỗ trợ xây dựng hợp đồng liên kết...
Mặc dù vậy, từ đầu năm 2021 đến nay do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thay vì làm tốt vai trò là trung gian liên kết với doanh nghiệp hỗ trợ đầu ra nông sản cho thành viên thì không ít HTX thụ động để thành viên “tự biên tự diễn”. Liên minh HTX tỉnh đã có nhiều cố gắng hỗ trợ làm cầu nối, song số HTX chưa thực hiện được chuỗi liên kết vẫn còn nhiều. Một số HTX chưa làm tốt công tác tuyên truyền cho thành viên về lợi ích khi tham gia các dịch vụ trong HTX, nhất là hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp; cán bộ HTX, nhất HTX nông nghiệp phần đông là lớn tuổi, trình độ năng lực điều hành hạn chế; một số HTX quy mô nhỏ nên hoạt động hiệu quả chưa cao.
Mặc dù vậy, không ít HTX thụ động để thành viên “tự biên tự diễn”
Với những hạn chế hiện tại, để KTTT Kiên Giang phát triển mạnh hơn nữa sau đại dịch Covid-19 cần tâp trung những giải pháp sau:
Phối hợp các sở, ban, ngành và địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch số 88/KH-UBND, ngày 27/4/2021 của UBND tỉnh Kiên Giang về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 340/2020/NQ-HĐND, ngày 22/7/2020 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ liên kết sán xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Kế hoạch số 93/KH-UBND, ngày 29/4/2021 của UBND tỉnh Kiên Giang về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 337/2020/NQ-HĐND, ngày 22/7/2020 của HĐND tỉnh về quy định chính sách phát triển HTX nông nghiệp giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Để KTTT phát triển mạnh hơn nữa sau đại dịch Covid-19 cần tâp trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Tiếp tục hướng dẫn các HTX xây dựng điều lệ, phương án sản xuất, kinh doanh, báo cáo tình hình hoạt động theo quy định của Luật HTX năm 2012, Nghị định 193 của Chính phủ, nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc củng cố, tổ chức lại hoạt động sản xuất, kinh doanh và thành lập mới HTX theo quy định. Hạn chế tối đa số HTX yếu kém và không hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Đối với các HTX hoạt động có hiệu quả, sẽ khuyến khích đầu tư mở rộng thêm nhiều loại hình dịch vụ, ngành nghề kinh doanh mới phù hợp với từng địa phương, đặc biệt là mối liên kết giữa HTX với các doanh nghiệp và chú trọng đến các dịch vụ nông nghiệp, tiêu thụ nông sản cho thành viên.
Tiếp tục phối hợp triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển KTTT; tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng chính sách về hỗ trợ vốn, trụ sở làm việc, chính sách hỗ trợ ban đầu về vốn mua sắm trang thiết bị phục vụ cho hoạt động của HTX. Huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế, xã hội nhất là đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn về giao thông, thủy lợi, điện phục vụ cho bơm tát, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế, xã hội với hỗ trợ cho KTTT.
Thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý HTX theo Luật HTX năm 2012; hướng dẫn nội dung báo cáo tình hình hoạt động của HTX; tiếp tục thực hiện đào tạo về chuyên môn kỹ thuật, kiến thức về KTTT cho cán bộ của tổ kinh tế kỹ thuật của xã, phường, thị trấn. Trong đào tạo cần chú ý nội dung giảng dạy phù hợp với trình độ của đối tượng được đào tạo, cập nhật hóa các kiến thức về KTTT cho phù hợp với từng đối tượng, từng loại hình HTX.
Thực hiện tốt các chương trình hỗ trợ hoạt động HTX từ các nguồn vốn trong nước và ngoài nước; hỗ trợ HTX vay vốn với lãi suất ưu đãi để củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả của HTX.
Thường xuyên quan tâm hỗ trợ cho HTX về hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, ứng dụng khoa hoạc kỹ thuật và công nghệ mới.