Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế-xã hội, kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đặc biệt là triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp công tác giữa Ủy ban Dân tộc và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Ngày 11/3/2021, Ban Dân tộc và Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kiên Giang đã tổ chức cuộc họp thống nhất các nội dung Kế hoạch phối hợp công tác giữa hai cơ quan.

02 đơn vị họp thống nhất các nội dung phối hợp trong thời gian tới
Nhiều nội dung quan trọng được bàn bạc, thống nhất thực hiện trong đó chú trọng 5 nội dung cơ bản gồm:
Một là, Phối hợp trong công tác tham mưu triển khai các Nghị quyết, Kết luận, Chỉ thị của Đảng và văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế xã hội, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Hai là, Phối hợp trong công tác thông tin tuyên truyền, vận động bà con ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; Phổ biến kiên thức về kinh tế tập thể, hợp tác xã, nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số về công tác dân tộc, về phát triển kinh tế xã hội, phát triển kinh tế tập thể, HTX.
Ba là, hối hợp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng. Đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai kế hoạch ở các vùng dân tộc thiểu số về phát triển kinh tế xã hội, phát triển kinh tế tập thể HTX. Triển khai thực hiện Đề án “Phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới theo Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Đào tạo nghề, giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là đối với thanh niên.
Bốn là, Phối hợp triển khai, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 thuộc nhiệm vụ của Ủy Ban Dân tộc. Về nội dung phối hợp triển này giữa hai cơ quan sẽ được chia thành 2 giai đoạn gồm (giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030).
Giai đoạn 2021-2025, sẽ triển khai thực hiện một số nội dung cụ thể như: Tư vấn, vận động thành lập mới ít nhất 01 HTX vùng DTTS và miền núi; Xây dựng 2-3 HTX ứng dụng công nghệ cao, sản xuất gắn với các chuỗi giá trị; Xây dựng các trung tâm thương mại và hỗ trợ HTX tại các vùng chuyên canh sản phẩm chủ lực quy mô lớn; Tổ chức các hội nghị, hội thảo, hoạt động giao lưu học tập kinh nghiệm về phát triển kinh tế tập thể, HTX; Xây dựng sàn giao dịch điện tử phục vụ tuyên truyền; Thực hiện chuyển đổi số đối với khu vực kinh tế tập thể, HTX vùng DTTS và miền núi; Đào tạo nghề cho đồng bào DTTS thiếu đất sản xuất; Chủ trì, phối hợp xây dựng, trình Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện Đề án “Phát triển kinh tế tập thể, HTX vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021- 2030"…
Giai đoạn 2026 - 2030, tham gia một số Dự án thành phần liên quan đến nội dung, nhiệm vụ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi thuộc Chương trình 120.
Năm là, Phối hợp trong công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết và thi đua khen thưởng. Theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, kiến nghị của công dân trong phát triển kinh tế - xã hội, phát triển kinh tế tập thể, họp tác xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định của pháp luật; tổ chức Sơ kết, tổng kết việc tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, phát triển kinh tế tập thể, họp tác xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Xây dựng tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phát triển hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi giá trị hàng hóa chủ lực; tổng kết, nhân rộng trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Khen thưởng theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng tập thể và cá nhân tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế - xã hội, kinh tế tập thể, họp tác xã.
Về tổ chức thực hiện, hằng năm, Ban Dân tộc và Liên minh HTX tỉnh Kiên Giang phối hợp xây dựng kế hoạch cụ thể về từng nội dung phù hợp với điều kiện thực tiễn và nguồn lực để triển khai thực hiện. Định kỳ hằng năm và kết thúc mỗi giai đoạn sẽ tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm kết quả thực hiện Chương trình phối hợp để làm cơ sở cho giai đoạn tiếp theo.