Qua thực tiễn hoạt động của các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Kiên Giang cho thấy, chỉ HTX nào tổ chức được khâu dịch vụ có liên kết với doanh nghiệp hoặc các tổ chức thành phần kinh tế khác thì mới tạo ra được lợi nhuận, song song với việc HTX đó sẽ tồn tại và phát triển tốt.
HTX nào tổ chức được khâu dịch vụ có liên kết với doanh nghiệp thì HTX đó sẽ tồn tại và phát triển tốt
Có thể thấy, để tồn tại và phát triển trong nền kinh tế thị trường hiện nay, HTX phải đẩy mạnh tổ chức liên kết sản xuất, hình thành chuỗi liên kết hoàn chỉnh. Trong đó, chủ thể chính của “sân chơi” này bao gồm HTX, doanh nghiệp và chính quyền địa phương. Sự liên kết này sẽ giúp các HTX xây dựng quy trình sản xuất theo hướng an toàn; kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, liên kết theo chuỗi gắn với tiêu thụ; tổ chức nâng cao năng lực, trình độ, kỹ năng cho cán bộ quản lý HTX, kỹ năng đàm phán ký kết hợp đồng... từ đó giúp thành viên HTX hiểu được nhu cầu của người tiêu dùng, làm ra những sản phẩm theo yêu cầu với giá trị kinh tế cao hơn, thay vì sản xuất và tiêu thụ theo truyền thống.
Thực trạng hiện nay, mối liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp và nhà phân phối trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản còn lỏng lẻo; chưa gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên với nhau. Nội dung hợp đồng bao tiêu sản phẩm là hợp đồng có tính hướng dẫn, tính pháp lý không cao, không có ràng buộc hoặc đối ứng cho nên các bên dễ vi phạm hợp đồng. Chính vì thế, phát triển HTX gắn với chuỗi giá trị là phù hợp định hướng phát triển của nền nông nghiệp.
Để đạt được kết quả tốt, hiệu quả trong liên kết chuỗi, một trong những bài học cần lưu ý là phải có cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng tốt. Ngoài ra, việc quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa theo hợp đồng liên kết phải đạt mức độ đủ lớn để cung ứng theo yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường, với phương châm mua chung và bán chung sản phẩm.
Việc quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa theo hợp đồng liên kết phải đạt mức độ đủ lớn để cung ứng theo yêu cầu của doanh nghiệp
Hiện nay, có hơn 150/454 HTX trong lĩnh vực nông nghiệp có liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với doanh nghiệp và được địa phương bảo hộ. Từ việc liên kết của số HTX đó cho thấy, việc định hướng kết nối trong sản xuất, kinh doanh ngay từ ban đầu, giúp HTX ổn định doanh thu và an tâm sản xuất. Mặt khác, liên kết bền vững giữa doanh nghiệp với HTX sẽ giúp HTX cải tiến, đổi mới và nâng cao chất lượng cũng như đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ, tạo ra nhiều sản phẩm sáng tạo phục vụ nhu cầu xã hội. Tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho thành viên, đồng thời cũng tạo ra lợi nhuận cho chính HTX.
Việc hợp tác, liên kết sản xuất phải gắn với tiêu thụ sản phẩm là mục tiêu quan trọng hàng đầu của HTX. Bên cạnh đó, HTX phải luôn chủ động, tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về chủ trương dồn điền, đổi thửa, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, có thị trường đầu ra ổn định vào sản xuất.
Đẩy mạnh việc dồn điền, đổi thửa, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, có thị trường đầu ra ổn định vào sản xuất
HTX cũng phải tích cực tìm kiếm thông tin thị trường, thông qua các hội chợ, sàn thương mại điện tử, qua phần mềm kết nối cung, cầu của tỉnh, của Liên minh HTX Việt Nam để gặp gỡ, trao đổi; đồng thời, tìm kiếm những doanh nghiệp có truyền thống, đủ năng lực tiêu thụ khối lượng hàng hóa lớn để ký kết các hợp đồng liên kết, hợp tác sản xuất.