Liên đoàn Hợp tác xã các nước cần phối hợp với các tổ chức quốc tế, các cơ quan chính phủ tổ chức đối thoại, tham vấn chính phủ xây dựng chính sách. Qua đó, tạo điều kiện cho các hợp tác xã xây dựng các mô hình điển hình và nhân rộng những mô hình đó phù hợp với xu hướng phát triển chung của quốc tế và từng quốc gia.
Đây là khuyến nghị được 72 đại biểu đến từ 14 nước đề xuất tại hội thảo: "Nâng cao năng lực và chia sẻ kinh nghiệm về xóa đói giảm nghèo thông qua hợp tác xã" do Liên đoàn Hợp tác xã (HTX) cung tiêu đoàn Trung Quốc (ACFSMC) phối hợp với Liên minh HTX Quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ICA-IP) tổ chức tại tỉnh Hải Nam, Trung Quốc từ ngày 10 đến 15/12/2018.
Đa dạng các mô hình HTX
Trong thời gian hội thảo, đại diện các nước đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm về nâng cao năng lực và kinh nghiệm thực tiễn về xóa đói giảm nghèo thông qua mô hình HTX. Nhìn chung, chính phủ các nước đều có những chiến lược chung và chi tiết trong thực hiện xóa đói giảm nghèo.
Các nước đã triển khai nhiều mô hình HTX nhằm tập hợp các thành viên trong triển khai phát triển kinh tế hộ thành viên nói riêng, HTX nói chung.
Các mô hình thường huy động nguồn lực từ nhiều phía (chính phủ, các nhà tài trợ, doanh nghiệp, HTX, các thành viên HTX có điều kiện, huy động nguồn lực từ trung ương và địa phương…).
Nội dung triển khai tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng, gắn với bảo vệ môi trường, kết hợp với phát triển kinh tế, đào tạo kỹ năng nghề, hỗ trợ vốn, dịch vụ tài chính, tạo việc làm bền vững, tích tụ ruộng đất, thuế đất dài hạn (30 - 50 năm), định hướng xóa đói giảm nghèo gắn với chuỗi giá trị sản phẩm.
|
Các nước cần hợp tác hơn nữa để tổ chức các diễn đàn, hội nghị, hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm, các mô hình thành công của các nước
|
HTX chú trọng hỗ trợ các mô hình về đầu vào sản xuất (giống, phân bón, thuốc trừ sâu, kỹ thuật sản xuất cho lực lượng lao động (chăm sóc cây trồng, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc gia cầm…).
Về đầu ra, kinh nghiệm của các HTX quốc tế là gắn với doanh nghiệp trong đầu tư thiết bị, chuyển giao công nghệ, tích tụ ruộng đất phục vụ sản xuất, chuyển đổi mô hình sản xuất phù hợp phát triển định hướng kinh tế, hợp tác thương mại tiêu thụ sản phẩm gắn mục tiêu thương mại, đặc biệt áp dụng kinh nghiệm tiếp cận thương mại điện tử (thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, xúc tiến thương mại, đào tạo ngắn hạn, dài hạn…).
Điển hình là mô hình HTX trong xóa đói giảm nghèo ở Trung Quốc, đây là bài học lớn cho các nước. Sự tham gia hỗ trợ giảm nghèo theo mô hình HTX đã giúp tỷ lệ nghèo của Trung Quốc giảm từ 20% (năm 2015) xuống 2% (năm 2018).
Một số nước (Ấn Độ, Philipines, Sri Lanka…) chia sẻ kinh nghiệm tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm trong quá trình triển khai mô hình giảm nghèo.
HTX gắn liền với giảm nghèo
Chia sẻ kinh nghiệm giảm nghèo thông qua mô hình HTX ở Việt Nam, bà Phạm Thị Tố Oanh - Giám đốc Trung tâm Các chương trình Kinh tế - Xã hội (Liên minh HTX Việt Nam) đã giới thiệu một số mô hình được thực hiện trong giai đoạn 2011 - 2015, 2016 - 2020, tập trung ở vùng miền núi, hỗ trợ các dân tộc thiểu số ở nhiều tỉnh thành của Việt Nam.
Về cơ bản, theo định hướng từ Chính phủ trong chiến lược giảm nghèo quốc gia, Việt Nam được quốc tế đánh giá cao khi giảm được tỷ lệ nghèo đói từ 22% vào năm 2005 xuống 3,45% vào năm 2016.
Việt Nam tập trung cải thiện các tiêu chuẩn, mức sống đối với người nghèo thông qua tiếp cận giáo dục, chăm sóc sức khỏe, các dịch vụ cộng đồng, an ninh xã hội. Giai đoạn đến 2020, Chính phủ cần quan tâm, định hướng phát triển kinh tế tập thể, nâng cao vai trò của HTX trong xóa đói giảm nghèo, gắn với mục tiêu, quy mô, phạm vi và các chính sách cụ thể.
|
Hội thảo: "Nâng cao năng lực và chia sẻ kinh nghiệm về xóa đói giảm nghèo thông qua hợp tác xã"
|
Các HTX gắn với vùng nghèo trợ giúp vốn, đào tạo kỹ thuật, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ tư vấn cải thiện mức sống, chuyển đổi sản xuất và đặc biệt giúp người dân thay đổi nhận thức.
Bà Tố Oanh cho biết người dân được học tập, thực hành triển khai các mô hình thử nghiệm bước đầu, rút kinh nghiệm của những chu trình sản xuất khác nhau theo nhiều lĩnh vực đặc thù vùng miền. Đặc biệt, các mô hình thúc đẩy kỹ năng của thành viên trong các hoạt động sản xuất, kỹ năng sản xuất, tính toán hiệu quả kinh tế, định hướng phát triển.
Đánh giá chung về tình hình xóa đói giảm nghèo thông qua mô hình HTX, ông Bruno Roelants - Tổng Giám đốc Liên minh HTX Quốc tế (ICA), cho rằng Liên đoàn HTX các, quốc gia cần phải phối hợp với các tổ chức quốc tế, các cơ quan chính phủ tổ chức đối thoại tham mưu cho chính phủ xây dựng chính sách, tạo điều kiện cho các HTX thực hiện các hoạt động, mô hình điển hình tiên tiến và nhân rộng phù hợp với xu hướng phát triển chung của quốc tế và từng quốc gia; tư vấn cho chính phủ xây dựng, thiết lập khuôn khổ pháp lý, luật pháp, văn bản hướng dẫn.
Ông Bruno Roelants cũng khuyến nghị các nước cần hợp tác hơn nữa để tổ chức các diễn đàn, hội nghị, hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm, các mô hình thành công của các nước, xây dựng các chiến lược tổng thể và chi tiết (theo ngành, lĩnh vực), nâng cao năng lực trong quản lý, điều hành, triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh trong khu vực HTX.
Ngoài ra, chính phủ các nước nên đầu tư hỗ trợ cơ sở vật chất, hỗ trợ dịch vụ tài chính. Mô hình HTX cần quan tâm đến phát triển cộng đồng thông qua các hoạt động tình nguyện, từ thiện, phát triển mô hình thanh niên, giúp đỡ phụ nữ, tạo nền tảng cho các thế hệ trẻ, các thế hệ tương lai trong thực hiện triển khai HTX phục vụ mục tiêu giảm nghèo.
Kinh nghiệm của Hội thảo từ các nước giúp Việt Nam xác định đúng đắn hơn các mô hình HTX trong giảm nghèo đang triển khai trên nhiều tỉnh thành cả nước, tiếp cận chuyên sâu trong các vấn đề chuẩn bị nội lực, phối kết hợp thực hiện tư vấn, hỗ trợ HTX thành công với mục tiêu giảm nghèo, phát huy sức mạnh các thành viên hợp tác, thay đổi nhận thức, kỹ năng, định hướng phục vụ phát triển bền vững theo chuỗi giá trị sản phẩm.