Ngày 7/9, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang ký quyết định tiếp tục áp dụng các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 theo các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Theo đó việc giãn cách xã hội trên toàn tỉnh theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ thêm 7 ngày, bắt đầu từ 00 giờ 00 ngày 7/9 đối với 7 huyện, thành phố và 8 huyện, thành phố sẽ thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 từ 00 giờ 00 phút ngày 7/9. Như vậy Kiên Giang đã và đang thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 liên tục 52 ngày, chia thành 5 đợt, từ ngày 19/7 đến 13/9; thời gian giãn cách xã hội dài đã có những tác động nhất định đến quá trình sản xuất lúa hè thu tại địa phương.

Vụ hè thu hay gặp bất lợi về thời tiết nếu không thu hoạch kịp tiến độ sẽ gây thất thoát, giảm năng suất lúa
Vụ lúa Hè tỉnh Kiên Giang đã thu hoạch là 115.000 ha với sản lượng đạt hơn 650.000 tấn, sản lượng còn lại ước đạt gần 1,4 triệu tấn dự kiến đến hết tháng 9/2021 sẽ thu hoạch dứt điểm. Tuy nhiên, một trong những khó khăn hiện nay chính là nhiều nơi lúa đã chín đầy đồng nhưng không có dịch vụ thu hoạch và thương lái đến thu mua lúa của nông dân. Trong khi đây là thời điểm thường xảy ra mưa to, gió lớn, nếu không tập trung thu hoạch nhanh lúa dễ bị đổ ngã gây thiệt hại và làm giảm năng suất.
Các huyện Hòn Đất, Gò Quao đang trong giao đoạn thu hoạch hè thu muộn, việc thu hoạch của nông dân hết sức khó khăn, nguyên nhân lớn nhất từ việc đứt gãy chuỗi vận chuyển. Trên địa bàn tỉnh Kiên Giang việc thu mua lúa chủ yếu bằng ghe từ các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An qua, nhưng do tình hình chung các tỉnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các ghe di chuyển vào các huyện gặp khó khăn ở khâu thủ tục và xét nghiệm (thời gian trả kết quả chậm mất 1-2 ngày), nên một số ghe ngoài tỉnh từ chối không vào vận chuyển lúa như đã đăng ký. Số lượng ghe di chuyển đến Kiên Giang lấy lúa từ nông dân rất ít, thời điểm ghe không vô được địa bàn, thương lái sẽ bỏ cọc, người dân không bán được; việc phơi lúa trữ lại cũng gặp khó khăn do không có nhân công khuân vác.

Người dân gặp khó trong việc tìm máy thu hoạch và thương lái thu mua
Thời điểm lúa trong vùng bắt đầu thu hoạch sẽ có lượng lớn máy gặt đập liên hợp từ địa phương khác về thu hoạch, nhưng năm nay chỉ những máy trên địa bàn hoạt động nên không đảm bảo thu hoạch đạt 100%, tình trạng ùn ứ lúa chưa thu hoạch trên đồng, trễ hẹn với người thu mua cũng xãy ra nhiều.
Vụ lúa Hè Thu cho năng suất đạt khoảng 6,5-7 tấn/ha nhưng lại gặp khó trong khâu tiêu thụ, rất ít thương lái tìm mua, thậm chí dừng thu mua. Do thời gian chờ đợi các thủ tục, kết quả xét nghiệm quá dài cũng làm giảm chất lượng lúa nên thương lái đành dừng việc thu mua. Giá lúa hiện giờ giảm sâu so với trước khi giản cách xã hội, giảm từ 600 – 1.200 đồng/kg. Giá lúa tươi dao động trên đồng từ 4.300-5.200 đồng/kg tùy vào chủng loại giống. Một số thương lái cho biết, hệ thống sau thu hoạch gồm sấy lúa, chà gạo, thu mua bị đóng băng do không thể hoạt động vì thiếu nhân công, không đảm bảo "3 tại chỗ", chi phí tăng cao, vì vậy các thương lái không mặn mòi thu mua sản phẩm.
Việc khuân vác lúa phụ thuộc rất nhiều vào đội bốc vác (công đoàn), nhưng do một số vùng dịch diễn biến phức tạp, quy định chặt trong đi lại, phí xét nghiệm cao nên nhiều người không đi làm, thương lái đã bỏ cọc lúa.
Vì vậy, để đảm bảo mục tiêu kép là vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, tỉnh Kiên Giang đề nghị các tỉnh cần thống nhất một số nội dung như: tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện đường bộ, đường thủy vận chuyển lưu thông hàng hóa, vận chuyển các thiết bị, công cụ thu hoạch sản phẩm, sản phẩm nông sản của các công ty, doanh nghiệp, thương lái… được phép lưu thông hàng hóa nông sản trong khung giờ từ 18h ngày hôm trước đến 5h sáng ngày hôm sau nhưng phải đảm bảo các quy định về phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết: “Sở Nông nghiệp đã thành lập tổ chỉ đạo, trong tổ này cơ cấu ngành công thương, các sở ngành liên quan và huyện thị. Hiện nay đang làm việc với các huyện thị để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ và vận chuyển. đề nghị các tỉnh tới đây các tổ này nên liên kết giữa 4 tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ trong vấn đề tháo gỡ khó khăn đặc biệt là vấn đề vận chuyển”./.