Liên minh hợp tác xã Kiên Giang

Thị trường

Xem với cỡ chữAA

Gạo Việt liệu có vượt mặt gạo Thái?

(08:56 | 25/05/2021)

Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn trong bối cảnh dịch COVID-19 nhưng xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn đạt được những kết quả tích cực, dự báo có thể xuất khẩu khoảng 6,5 triệu tấn trong 2021. Đây là thời điểm để gạo Việt Nam nâng cao thương hiệu và uy tín trên thị trường thế giới.

Về kế hoạch sản xuất lúa, Bộ NN&PTNT cho biết năm 2021 cả nước gieo trồng 7.257 triệu ha với năng suất bình quân khoảng 59,7 tạ/ha, tổng sản lượng khoảng 43,3-43,5 triệu tấn thóc (tương đương 26 triệu tấn gạo). Với sản lượng này, ngành lúa gạo có thể xuất khẩu (XK) khoảng 6,5 triệu tấn trong năm nay.

Nhiều thị trường lớn tăng nhập gạo

Phải đối mặt với nhiều khó khăn trong bối cảnh dịch COVID-19 nhưng XK gạo Việt Nam vẫn đạt được những kết quả tích cực. Trong 4 tháng đầu năm 2021, XK gạo ước đạt 1,9 triệu tấn, kim ngạch 1,01 tỷ USD, giảm 10,8% khối lượng nhưng tăng 1,2% về giá trị nhờ giá XK bình quân 534 USD/tấn, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước.

 

xuat-khau-gao-8535-1621830462.jpg

Nhiều thị trường lớn đang tăng nhập gạo từ Việt Nam. 

Đặc biệt, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), cho biết XK gạo sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu từ thị trường thế giới vẫn ở mức cao, nhất là từ các thị trường lớn như Philippines, Malaysia, Trung Quốc, Gana,... đều tăng mạnh; các thị trường XK chính đã tiếp tục ký hợp đồng mua gạo Việt Nam.

Hơn nữa, ông Toản nhìn nhận giá gạo giảm từ đầu tháng 4/2021 đến nay cũng làm tăng nhu cầu mua vào của khách hàng quốc tế. Việt Nam đang trong tầm kiểm soát dịch bệnh COVID-19 và có nguồn cung gạo dồi dào, ổn định, chủng loại phong phú, đáp ứng nhu cầu nhiều thị trường.

Mặt khác, một số nước XK lớn gặp khó khăn như Ấn Độ - nước XK gạo lớn nhất thế giới - đồng Rupee yếu đi và làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 2 với số ca nhiễm tăng mạnh đã tác động đến logistics, từ xay xát tới vận chuyển gạo ra cảng. Giá gạo đồ 5% tấm Ấn Độ liên tục giảm từ 386 - 390 USD/tấn xuống còn 374 - 379 USD/tấn, chạm mức thấp nhất trong 5 tháng gần đây.

Một đối thủ khác của Việt Nam là Thái Lan - thị trường này XK gạo gặp nhiều khó khăn và liên tục giảm mạnh trong những năm gần đây do giá cao, đồng Baht tăng giá, thiếu container. Kể cả Bangladesh là nước sản xuất gạo lớn thứ 3 thế giới, song đang nổi lên trở thành nước nhập khẩu gạo lớn sau khi những đợt mưa lũ lớn liên tiếp gây tổn thất mùa màng, đồng thời đang chịu làn sóng lây nhiễm mới, phải kéo dài thời gian phong tỏa.

Trong khi đó, Việt Nam đang có rất nhiều điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh XK gạo. Trong năm 2020, Việt Nam đã mở rộng, đa dạng hóa thị trường XK thông qua các Hiệp định như EVFTA, UKFTA... Bước sang năm 2021, với mức thuế ưu đãi trong các hiệp định trên, gạo Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh và cơ hội tăng trưởng tại thị trường EU, Anh, các nước thuộc Liên minh Á - Âu.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP.Cần Thơ), hồ hởi cho biết, vừa trúng được gói thầu XK gạo đi Hàn Quốc với khối lượng hơn 22 nghìn tấn. Hàn Quốc là thị trường cao cấp và rất khó tính. Gạo phải đảm bảo chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn mới vào được. Chính vì thế dù vào thị trường này khó nhưng đổi lại giá XK rất cao.

Còn ông Phan Văn Có, Giám đốc marketing công ty TNHH Vrice, chia sẻ gạo XK của chúng ta liên tục bán giá ổn định ở mức cao đi các thị trường như EU, Trung Đông. Nhờ chất lượng ổn định nên đơn hàng luôn không thiếu, thậm chí có thời điểm DN còn không dám nhận thêm hợp đồng vì sợ không giao kịp tiến độ cho khách hàng.

Khó khăn còn bủa vây

Mặc dù vậy, ông Toản cho rằng, ngành lúa gạo Việt Nam vẫn còn những hạn chế trong sản xuất, chế biến. Cụ thể, sản xuất lúa còn thiếu tính bền vững, chịu nhiều rủi ro do biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt. Quy mô sản xuất nông hộ nhỏ, cơ giới hóa khó khăn, mối liên kết giữa DN và nông dân nhiều nơi chưa bền vững. Số lượng DN tham gia vào các hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ít về số lượng, quy mô nhỏ, năng lực hạn chế do các hợp đồng liên kết hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng.

Cơ sở hạ tầng, công nghệ phục vụ bảo quản, chế biến nông sản thiếu, làm tăng tổn thất và giảm chất lượng trong quá trình bảo quản. Công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm từ gạo chưa phát triển đồng đều, nhất là các sản phẩm phụ chưa được chế biến để nâng cao giá trị gia tăng.

Vì vậy, XK gạo của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như tình hình diễn biến cung, cầu thế giới; sự thay đổi chính sách của thị trường nhập khẩu; sự cạnh tranh của các đối thủ như Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia, Pakistan... Đặc biệt, tác động của dịch COVID-19 đến XK gạo như quý I/2021, XK gạo giảm do ảnh hưởng của dịch COVID-19 dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu container rỗng và giá cước vận chuyển tăng phi mã.

XK gạo tăng cao là chuyện đáng mừng, đây cũng là cơ hội để ngành nâng cao vị thế hơn nữa ở thị trường quốc tế. Lâu nay, gạo Việt Nam vẫn chưa xây dựng được thương hiệu với người dùng thế giới.

Nhìn nhận việc gần đây, Philippines giảm thuế đối với gạo nhập khẩu là cơ hội cho Việt Nam, song Bộ Công Thương lưu ý trong bối cảnh gạo Việt Nam đang bị cạnh tranh gay gắt về giá, để nắm bắt được cơ hội này, các DN cần tăng cường hợp tác, liên kết với các HTX và hộ nông dân sản xuất lớn tại các vùng sản xuất lúa gạo trọng điểm, giảm tối đa các khâu trung gian ở cả đầu vào và đầu ra để hỗ trợ giảm giá thành, từ đó nâng cao sức cạnh tranh cho gạo XK.

Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng khuyến cáo doanh nghiệp nên có biện pháp tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng gạo XK để bảo đảm tuyệt đối uy tín cho gạo Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay. DN cần kịp thời phát hiện các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, các hành vi có thể gây mất uy tín cho gạo XK của Việt Nam để thông báo tới cơ quan chức năng xử lý theo thẩm quyền.

GS.TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ cảnh báo, cần phải đầu tư hơn nữa để nâng cao chất lượng của hạt gạo Việt Nam. Thực tế, thời gian qua, nhiều địa phương vẫn trồng lúa mọi lúc, mọi nơi, bất chấp lợi thế tự nhiên. Điều này không chỉ "giết chết" thế mạnh cây bản địa mà còn "tiếp tay" cho việc lạm dụng hóa chất, làm suy thoái môi trường nông nghiệp.

"Nếu được trồng thuận thiên, với vùng chuyên canh tập trung, nhà khoa học, nhà DN thuận tiện hơn trong việc hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng vùng nguyên liệu, chắc chắn gạo Việt sẽ ngon, an toàn hơn và dễ dàng chiếm lĩnh thị trường trong nước và quốc tế", ông Xuân kỳ vọng.

https://vnbusiness.vn/thi-truong/gao-viet-lieu-co-vuot-mat-gao-thai-1078620.html

Thùy Trang (theo thoibaokinhdoanh.vn)