Chính phủ, các bô,̣ ngành và chính quyền địa phương đang nỗ lực triển khai thực hiện các biện pháp cấp bách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng dịch Covid-19, trong đó doanh nghiệp, người dân được quan tâm nhiều nhất. Tuy nhiên, vẫn còn một thành phần khác là khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) dường như chưa được quan tâm đúng mức.
Khu vực kinh tế tập thể đối mặt với khó khăn
Những ngày này, giá hải sản xuống thấp, lại khó trong khâu tiêu thụ, người nuôi hải sản ở các HTX tại huyện An Biên, An Minh, Kiên Lương, Kiên Hải và Hà Tiên khó khăn chồng chất khó khăn, lấy lại nguồn vốn đã đầu tư là một chuyện không hề dễ dàng. Giá một số mặt hàng như sò huyết, cua, tôm xuống ở mức thấp chỉ khoảng 40% cùng kỳ năm trước. Người dân nơi đây, một mặt phải đối phó với dịch bệnh, mặt khác cũng đang chật vật giải bài toán kinh tế cho những thiệt hại mà nuôi thủy sản - nguồn thu nhập chính của gia đình họ đang phải đối diện.
Người nuôi thủy hải sản đối mặt với nhiều khó khăn (Ảnh: nguồn internet)
Cũng chịu tác động của dịch Covid-19, các thành viên HTX giao thông vận tải Rạch Giá (Thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) đang đau đầu xoay sở. Giám đốc HTX Nguyễn Mạnh Cường cho biết, HTX thành lập tháng 1988, ban đầu có hơn 136 thành viên đăng ký tham gia với 300 đầu xe. Đến nay, HTX đã thu hút gần 2.000 thành viên tham gia với gần 4.000 đầu xe; thu nhập khá ổn định, từ 20 - 25 triệu đồng/xe/tháng. Nhưng kể từ khi dịch bệnh xảy ra, cũng như nhiều ngành nghề khác, hoạt động kinh doanh vận tải ô-tô gặp vô vàn khó khăn. Doanh thu vận tải của thành viên (chủ xe) HTX ước giảm 60%. Khó khăn là vậy, nhưng thực tế đến nay HTX vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ nào.
Theo số liệu mới nhất, trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh ghi nhận thành lập mới 5 HTX, giảm 10 HTX thành lập mới so cùng kỳ; giải thể 02 HTX. Tính chung trong 6 tháng đầu năm, tỉnh có 450 HTX đang hoạt động, tăng 03 HTX so với cuối năm 2019; với 58.943,1 ha canh tác và tổng vốn điều lệ 239.585.440.000 đồng; có 52.621 thành viên; tạo việc làm cho 8.872 lao động. Trong đó có 398 HTX nông nghiệp (327 HTX trồng trọt, 71 HTX thủy sản) và 52 HTX phi nông nghiệp (05 HTX thương mại dịch vụ; 14 HTX giao thông vận tải; 03 HTX xây dựng; 08 HTX tiểu thủ công nghiệp và 22 quỹ tín dụng nhân dân); trừ một bộ phận các HTX, THT sản xuất lúa gạo, lợn, rau xanh tiếp tục duy trì được sản xuất do nhu cầu thị trường trong nước tăng, giá bán có lãi, còn lại phần lớn HTX, THT trong các ngành khác đều suy giảm mạnh cả về sản xuất, tiêu thụ và doanh thu, khiến thu nhập và đời sống của người lao động, thành viên HTX, THT gặp nhiều khó khăn.
Cần giải pháp hỗ trợ kịp thời
Do tác động tiêu cực của dịch Covid-19, số lượng HTX, THT thành lập mới và thu hút thành viên mới đến nay chỉ đạt khoảng 20-33,3% kế hoạch. Khó khăn chồng chất khó khăn dường như là tình trạng chung của hầu hết HTX, THT trong thời điểm hiện nay. Cụ thể, đối với HTX nông nghiệp thuộc lĩnh vực thủy sản, hầu hết thành viên không xuất được hàng sang Trung Quốc, thương lái không thu mua, giảm 45% giá bán vẫn không tiêu thụ được hết hàng, thêm đó là nắng hạn kéo dài, gây hao hụt sản lượng thu hoạch; một trong những mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh là khoai lang cũng rơi vào cảnh đến thời điểm thu hoạch vẫn không bán được, có bán cũng với diện tích nhỏ lẽ chỉ đạt 1/5 giá so với cùng kỳ, người trồng khoai thua lỗ là điều không tránh khỏi. Đối với HTX phi nông nghiệp, vận tải hành khách du lịch chỉ có 20% khách thuê; HTX vận chuyển hành khách xe buýt và tuyến cố định sụt giảm khoảng 40% lượng khách. Phần lớn HTX thương mại, dịch vụ, du lịch giảm khoảng 40% doanh thu; các HTX tiểu thủ công nghiệp, thủ công mỹ nghệ hoạt động cầm chừng do thiếu nguyên liệu, lao động và khó khăn về tiêu thụ. Riêng với Quỹ tín dụng nhân dân, doanh số cho vay cũng bị sụt giảm đáng kể do các thành viên không tiêu thụ được sản phẩm, sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, giảm nhu cầu vay vốn.
Mặc dù Chính phủ rất quyết liệt trong triển khai thực hiện các biện pháp cấp bách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, song thực tế trong các chính sách đợt này, các bộ, ngành chưa chú ý nhiều đến khu vực kinh tế tập thể, HTX. Vì vậy, đến thời điểm này rất ít HTX tiếp cận được các chính sách hỗ trợ, cụ thể ở đây là chính sách tín dụng, giãn, giảm thuế, phí hay các chính sách hỗ trợ của địa phương.
Liên minh HTX tỉnh Kiên Giang đã có báo cáo về hiện trạng khó khăn của các HTX trong dịch Covid-19 và hạn mặn năm 2020 trên địa bàn tỉnh gửi trung ương và địa phương. Liên minh HTX Việt Nam, đã có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tác động của dịch Covid-19 đối với khu vực kinh tế tập thể, HTX và đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quan tâm, triển khai một số giải pháp để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho khu vực kinh tế tập thể, HTX. Cụ thể, đề nghị các tổ chức tín dụng cho phép kéo dài thời hạn cho vay, giãn kỳ hạn trả nợ, giảm lãi suất tiền vay; giảm các loại phí liên quan đến khoản vay, thanh toán và các giao dịch khác. Giãn thời hạn nộp thuế VAT sáu tháng; giảm một năm thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức thấp hơn so với doanh nghiệp và áp dụng dài hạn; giảm tiền thuê đất, phí và lệ phí trong thời hạn ít nhất một năm; giãn thời hạn nộp bảo hiểm xã hội sáu tháng/lần. Ngoài ra, cần sớm ban hành nghị định về tổ chức và hoạt động của hệ thống Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX trung ương và địa phương để Liên minh HTX Việt Nam và các địa phương có khung khổ pháp lý tạo điều kiện cho các Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX mở rộng cho vay đối với HTX; cấp bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX trung ương đến năm 2020 đạt 1.000 tỷ đồng theo Quyết định số 23/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX địa phương để có nguồn vốn mở rộng tín dụng, hỗ trợ HTX.
UBND tỉnh kiên Giang vừa ban hành Công văn số 751/UBND-KTTH ngày 3/6/2020 Về giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với khu vực kinh tế tập thể, HTX do ảnh hưởng của dịch Covid-19; Trong đó, quy định cụ thể nhiệm vụ của Liên minh HTX tỉnh Kiên Giang là căn cứ vào chức năng nhiệm vụ, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể, HTX; tập trung thực hiện đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực; xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể, HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu; ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất lao động khi vực kinh tế tập thể, HTX. Phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị có liên quan và chính quyền các địa phương tổ chức rà soát hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX, THT bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 để xây dựng phương án cung ứng hàng hóa. Định hướng sản xuất các sản phẩm phù hợp trong tình hình dịch đang diễn biến phức tạp.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng về một số giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với khu vực kinh tế tập thể, HTX. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn lực của địa phương theo các cơ chế, chính sách đã ban hành, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan triển khai thực hiện các chính sách của Trung ương đã ban hành đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng. Chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, làm tốt công tác hướng dẫn, vận động cộng đồng doanh nghiệp và người dân về các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ, phối hợp với cơ quan liên quan xử lý những vướng mắc phát sinh. Tăng cường rà soát quy hoạch sản xuất trên địa bàn, chú trọng phát triển sản phẩm chủ lực địa phương, Chương trình mỗi xã một sản phẩm; phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, khuyến khích người dân phát triển công nghệ chế biến sau thu hoạch, sản xuất nông nghiệp trong điều kiện thích ứng biến đổi khí hậu…