Vượt qua sự cố môi trường biển
25 năm trước lần đầu tiên xã biển Thạch Kim, huyện Lộc Hà mọc lên một kho đông lạnh bảo quản thủy hải sản tươi sống. Cơ sở này mang tên Phước Long do bà Phạm Thị Nhơn (SN 1957) đứng chủ. Đến năm 2010, Hà Tĩnh phát động phong trào xây dựng NTM, đồng thời khuyến khích các địa phương thành lập mô hình HTX. Cơ sở Phước Long sau khi cân nhắc các điều kiện đã mạnh dạn vận động 7 thành viên cắm bìa đỏ, vay vốn thành lập HTX Thiên Phú với tổng số vốn điều lệ 2,5 tỷ đồng.
Bà Phạm Thị Nhơn cho rằng, dù điều hành theo cơ chế cũ hay mới thì người đứng đầu phải có máu “liều” thì HTX mới hoạt động hiệu quả
Bà Phạm Thị Nhơn, Giám đốc HTX cho hay, lúc bấy giờ ngoài yếu tố chính trị, sản xuất thu lợi nhuận cho gia đình, việc bà thành lập HTX còn nhằm mục đích giúp ngư dân giải phóng hàng hóa sau mỗi chuyến cập cảng Cửa Sót; hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường do tồn đọng sản lượng lớn cá nhỏ. Đồng thời, giải quyết việc làm ổn định cho 15 lao động thường xuyên và 70 lao động thời vụ với mức lương bình quân từ 4 – 8 triệu đồng/người/tháng. Hiện tại tổng số vốn đầu tư vào HTX đã lên đến 25 tỷ đồng. Toàn bộ nhà xưởng của 4 cơ sở đều được xây dựng khang trang theo mô hình HTX thân thiện môi trường, có hệ thống cây xanh; trang thiết bị máy móc hiện đại; công nhân làm việc 24/24h.
Theo bà Nhơn, từ năm 2010 – 2015 HTX hoạt động ổn định, bình quân mỗi năm tiêu thụ khoảng 2.000 tấn cá phục vụ chế biến tinh bột, cung cấp cho các doanh nghiệp sản xuất TĂCN. Đến năm 2016 sự cố môi trường biển ập xuống, HTX lâm vào cảnh “sống dở chết dở”, thậm chí có thời điểm tưởng như phá sản. Hơn 600 tấn cá và 70 tấn bột, tương đương khoảng 15 tỷ đồng nằm “đóng băng” trong kho. Nguồn vốn lưu động ngày càng eo hẹp. HTX phải liều vay thêm vốn để duy trì sản xuất, thu mua cá cho ngư dân. Nói không ngoa, giai đoạn ngư dân bế tắc về đầu ra nhất chính HTX Thiên Phú đã “giải cứu” thành công, góp phần giúp bà con vượt qua khó khăn, vươn khơi bám biển.
HTX Thiên Phú là một trong những HTX đi đầu mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị
“Năm 2016 – 2017 chúng tôi đã thu mua trên dưới 1.000 tấn cá cho ngư dân. Toàn bộ đều được chế biến thành bột. Sau khi hàng hóa ổn định trở lại, một số chúng tôi bán được giá nhưng cũng rất nhiều sản lượng vừa bán vừa cho, thua lỗ không ít vốn”, bà Nhơn chia sẻ.
Nhận cổ tức hơn 50 triệu đồng/tháng
9h sáng ngày 14/9, PV lướt qua 2 cơ sở sản xuất của HTX Thiên Phú. Mỗi cơ sở có khoảng 20 lao động đang làm việc liền tay. Hàng nghìn “két” (khay nhựa – PV) cá được vận chuyển từ trên xe xuống kho đông lạnh, chuẩn bị đóng bao đưa sang dây chuyền chế biến tinh bột. Vợ chồng anh Trần Đình Hường, chị Nguyễn Thị Tình ngưng tay khi thấy PV chụp ảnh. Họ bảo đã gắn bó với HTX Thiên Phú được 21 năm, tính cả thời gian HTX đang là cơ sở Phước Long. Hơn 2 thập kỷ qua nhờ đồng lương công nhân HTX, vợ chồng anh Hường - chị Tình đã xây dựng được nhà 3 tầng, có tiền cho con đi du học nước ngoài. Hiện tổng thu nhập của 2 vợ chồng bình quân đạt 20 triệu đồng/tháng.
Khi được hỏi về hiệu quả của HTX, Giám đốc Phạm Thị Nhơn khiêm tốn cho biết, bình quân mỗi năm, sau khi trừ cổ tức HTX còn để ra khoảng 500 triệu đồng. Việc trả lương và chia cổ tức căn cứ vào tỷ lệ góp vốn của từng người. Thành viên thấp nhất nhận 5 triệu đồng/tháng, người cao nhất hơn 50 triệu đồng/tháng. “Để duy trì hoạt động của HTX ổn định, bền vững, mỗi năm HTX dành lại một phần lợi nhuận để trả nợ cho ngân hàng. Nhờ thực hiện theo giải pháp này mà trong 3 năm dư nợ của HTX đã giảm từ 8 tỷ (năm 2015) xuống còn 3 tỷ đồng (năm 2018)”, bà Nhơn nói.
Bà Nhơn cho rằng, trước đây đang điều hành cơ sở Phước Long, việc huy động vốn dễ dàng hơn khi thành lập HTX bởi ngân hàng cho rằng lấy danh nghĩa tập thể rủi ro sẽ cao hơn danh nghĩa cá nhân. Vì thế, mỗi lần HTX cần vốn, hầu hết bà phải lấy danh nghĩa cá nhân mình để đi vay. Vay ngân hàng này không được bà vay ngân hàng khác, thậm chí huy động cả anh em, bạn bè. Chính nhờ sự tận tụy, tâm huyết và máu “liều” của người đứng đầu HTX cộng với sự quan tâm, hỗ trợ, bồi thường kịp thời của Chính phủ và chính quyền địa phương nên HTX Thiên Phú mới sớm vượt qua giai đoạn khó khăn do sự cố môi trường biển gây ra cách đây gần 3 năm.
Hơn 80 lao động được HTX Thiên Phú tạo công ăn việc làm ổn định với
mức lương khá cao
“Một tổ chức kinh tế tập thể hoạt động có hiệu quả, bền vững hay không yếu tố con người là quan trọng nhất. Trong bối cảnh môi trường kinh doanh cạnh tranh ngày càng khốc liệt HTX Thiên Phú đặt chữ “Tín” lên hàng đầu. Ngoài giữ uy tín với bạn hàng đầu ra còn phải giữ uy tín với bạn hàng đầu vào. Có như vậy lúc khan hàng hay tồn hàng HTX mới không rơi vào hoàn cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Hơn nữa, ngay từ khi thành lập HTX, Ban giám đốc đã xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh theo chuỗi khép kín (từ thu mua, chế biến đến bao tiêu đầu ra) nên toàn bộ hệ thống cứ thế vận hành ổn định”, bà Phạm Thị Nhơn cho biết thêm.
Được biết, 8 năm nay HTX Thiên Phú là đối tác chính cung ứng tinh bột cá thường xuyên cho 3 doanh nghiệp chế biến TĂCN ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Quảng Trị.