Liên minh hợp tác xã Kiên Giang

Điểm tin

Xem với cỡ chữAA

Giải pháp xây dựng thành công 15.000 hợp tác xã hoạt động có hiệu quả

(15:49 | 23/08/2018)

     Theo ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), để có 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020 (theo Quyết định 461/QĐ-TTg, ngày 27/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ) cần phải duy trì, phát triển các mô hình hợp tác xã chất lượng hiện nay để nhân rộng và xóa bỏ các hợp tác xã hoạt động kém hiệu quả.

     Để thành công, ông Ma Quang Trung cho rằng, thời gian tới phải đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của bộ máy quản lý Nhà nước và toàn xã hội, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ phát triển hợp tác xã nông nghiệp có hiệu quả. Đây được coi là giải pháp có vai trò hết sức quan trọng và phải xác định đây là giải pháp cốt lõi. 

     Luật Hợp tác xã năm 2012 thay đổi hoàn toàn về bản chất của hợp tác xã trước đây. Tuy nhiên, do đang ở trong giai đoạn hoàn thiện các hướng dẫn, cơ chế chính sách thực hiện luật do đó nhận thức của xã hội, trong đó có cả người sản xuất chưa có nhiều thay đổi. 
 

Cả nước có 33% hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả. 

(Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)

     Đối tượng thực hiện tuyên truyền trước hết là cán bộ quản lý trong hệ thống quản lý Nhà nước về hợp tác xã. Đây là lực lượng quyết định đến việc thi hành Luật Hợp tác xã có thành công hay không, vì với chức năng, nhiệm vụ của lực lượng cán bộ này sẽ tham mưu cho Chính phủ và chính quyền các cấp về các văn bản hướng dẫn, cơ chế chính sách, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện; nắm bắt tình hình, tiến hành thanh, kiểm tra... Đây là đơn vị sẽ quyết định đến việc giúp đỡ cho hợp tác xã hoạt động đúng luật và có hiệu quả. 
     Tiếp đến là tuyên truyền, nâng cao nhận thức về hợp tác xã tới các đoàn thể chính trị - xã hội, các hợp tác xã và lực lượng có khả năng là sáng lập viên hợp tác xã, người sản xuất. Riêng với người sản xuất, cần làm cho họ hiểu rõ được tính tất yếu phải tham gia hợp tác xã. Vì nếu sản xuất nhỏ lẻ, người sản xuất sẽ khó có thể tồn tại được trong tình hình sản xuất nông nghiệp hiện nay như: biến đổi khí hậu, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường và nhất là sự cạnh tranh tiêu thụ nông sản trong quá trình hội nhập. 
     Hiện nay, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 chưa được ban hành đầy đủ và đồng bộ, đặc biệt là việc bố trí nguồn lực để tổ chức thực hiện các chính sách đã được ban hành chậm và chưa đáp ứng được yêu cầu. Do đó, việc hỗ trợ các hợp tác xã hoạt động rất khó khăn. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến hợp tác xã chậm phát triển. 
    Để khắc phục tình trạng trên, ông Ma Quang Trung cho rằng, cần phải tiếp tục rà soát, sửa đổi các cơ chế, chính sách đã ban hành để đề xuất, bổ sung các cơ chế, chính sách mới phù hợp như: đơn giản hóa các thủ tục thành lập hợp tác xã; hướng dẫn chuyển đổi hợp tác xã sang các loại hình tổ chức khác (doanh nghiệp, tổ hợp tác), cơ chế tham gia bảo hiểm nông nghiệp, vay vốn tín dụng, liên kết hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm... 
     "HĐND và UBND các tỉnh tiếp tục rà soát, đánh giá việc thi hành Luật Hợp tác xã để điều chỉnh, bổ sung các nghị quyết, kế hoạch... cho phù hợp với tình hình hiện nay, đặc biệt là các cơ chế chính sách theo thẩm quyền của địa phương. Đây là việc quan trọng để cùng với hệ thống cơ chế chính sách Trung ương tạo nên sự đồng bộ trong quá trình tổ chức thực hiện", ông Ma Quang Trung cho biết. 

Nguyễn Thị Nang (theo Báo Tin tức)