Liên minh hợp tác xã Kiên Giang

Điểm tin

Xem với cỡ chữAA

Phát triển 15.000 HTX và liên hiệp HTX nông nghiệp: Cơ chế đã sẵn, chỉ việc triển khai

(08:37 | 20/08/2018)

Việc phát triển 15.000 HTX và liên hiệp HTX nông nghiệp không chỉ giải quyết đầu ra cho nông sản, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, mà qua đó còn kéo DN đầu tư trở lại lĩnh vực nông nghiệp.

 

Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NN-PTNT), ông Ma Quang Trung, cho biết khi trao đổi với NNVN.

Ông Ma Quang Trung

 

Cơ chế, chính sách đã cơ bản hoàn thiện

 

Chính phủ vừa phê duyệt đề án phát triển 15.000 HTX và liên hiệp HTX nông nghiệp. Ông có thể đánh giá khái quát mục tiêu, ý nghĩa của đề án này?

 

Thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội thông qua Luật HTX năm 2012 và tiếp đó, năm 2016, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 32, trong đó nói rõ vấn đề phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và nêu rõ chỉ tiêu đến năm 2020 sẽ có 15.000 HTX nông nghiệp và liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả. Như vậy, để triển khai, từ khi có luật, Chính phủ đã đánh giá rất nhiều và ban hành rất nhiều cơ chế chính sách để phát triển các HTX.

 

Nghị quyết của Quốc hội được đánh giá là đi vào rất sâu trong thực tiễn. Ban đầu, nhiều ý kiến cho rằng nghị quyết này đặt ra chỉ tiêu quá cao, tận 15.000 HTX. Bởi vì trước năm 2017, cả nước chỉ có hơn 4.000 HTX hiệu quả, có nghĩa là nếu phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, 3 năm còn lại, chúng ta phải đạt được khoảng 11.000 HTX nữa. Nếu so với tốc độ tăng bình quân của các năm trước đó, thì 3 năm phát triển 11.000 HTX là con số quá lớn, mỗi năm hơn 3.000 HTX, gần bằng số HTX hiện có.

 

Chính phủ chỉ đạo phải xây dựng đề án để thực hiện việc này và Bộ NN-PTNT bắt tay triển khai ngay. Đến 27/4, Thủ tướng phê duyệt đề án. Đề án có nội dung khái quát là đến 2020, Việt Nam có 15.000 HTX hoạt động hiệu quả, đồng thời củng cố hơn 4.000 HTX đang hiệu quả.

 

Thứ hai, nâng cấp số HTX chưa hiệu quả, khoảng hơn 6.000 HTX, đặc biệt là khu vực ĐBSH và các địa phương khác ở Bắc Trung bộ, trong đó HTX kiểu cũ, đông thành viên, chủ yếu làm dịch vụ, rất yếu.

 

Thứ ba, thành lập mới các HTX nhưng phải hoạt động thực sự hiệu quả. Theo Luật HTX, các HTX hoàn toàn do các thành viên đóng góp để làm. Họ góp tiền, góp công, nên họ bằng mọi cách phải giữ được tiền của của họ. Vì thế, vừa qua, đa số các HTX thành lập mới đều hoạt động hiệu quả.

 

Đây là cơ sở để chúng ta tính toán các giải pháp cho HTX trong thời gian tới.

 

Nội dung chủ yếu của đề án là gì, thưa ông?

 

Trong đề án đưa ra 2 nội dung để phát triển HTX có hiệu quả. Một là tập trung vào các sản phẩm chủ lực. Hiện nay đây là những mũi nhọn trong ngành nông nghiệp mà đang được quan tâm đầu tư, phát triển. Các HTX được hình thành và củng cố để xây dựng vùng nguyên liệu, ví dụ như chè, cà phê, cao su, mía đường, lúa gạo… cho các DN. Tại sao vậy? Bởi vì đơn cử như ngành mía đường, một DN muốn thu mua nguyên liệu phải ký hợp đồng với hàng nghìn, hàng vạn hộ nông dân. Như vậy không thể quản lý nổi về kế hoạch, về chất lượng. Do đó, DN và nông dân luôn bức xúc, mâu thuẫn với nhau về chữ đường, chất lượng mía… Vai trò của HTX ở đây là cầu nối, hoặc thay mặt nông dân để làm đối tác với DN. Từ đó, DN và nông dân có thể liên kết chặt chẽ hơn để tiêu thụ sản phẩm.

 

Đây có thể nói là cơ sở quan trọng để đảm bảo tiêu thụ nông sản cho nông dân, củng cố sức mạnh các HTX, nhưng quan trọng hơn, chính là cách để DN đầu tư vào nông nghiệp. Ngày xưa, DN không dám đầu tư vào lĩnh vực này bởi họ không biết bám vào ai, bám vào nông dân thì rất chấp chới và rủi ro. Do đó, việc các HTX nông nghiệp mạnh, hiệu quả thì DN sẽ nhìn thấy tiềm năng và đầu tư trở lại khu vực này.

 

Thứ hai, hiện Chính phủ đã phê duyệt Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)”. Ngoài những sản phẩm chủ lực của các địa phương thì còn có rất nhiều sản phẩm đặc trưng của các tỉnh miền núi cần được tiêu thụ. Nếu không có các HTX, thì các đặc sản này rất khó tiêu thụ, sẽ lãng phí và thậm chí có thể mất những nguồn gen quý hiếm. Cho nên, cần tổ chức, thành lập các HTX để phát triển thế mạnh của địa phương. Có HTX thì mới liên kết được công nghệ, vốn, tiêu thụ.

 

Trong đề án, Chính phủ cũng nêu rõ một số kế hoạch ưu tiên. Thứ nhất, giao Bộ NN-PTNT xây dựng khoảng 1.500 HTX công nghệ cao đến năm 2020, ưu tiên tiêu thụ những sản phẩm chủ lực.

 

Thứ hai, kế hoạch liên kết cũng được ưu tiên thực hiện. Mục tiêu cuối cùng của đề án phát triển HTX, Chương trình OCOP… đều là tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, nâng cao thu nhập cho người dân, hướng đến nền nông nghiệp đạt giá trị gia tăng cao. Muốn thế phải liên kết với DN.

 

Thứ ba, Chính phủ giao Liên minh HTX Việt Nam củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động các HTX vùng ĐBSH và Bắc Trung bộ, nơi tập trung đông nhất số lượng HTX kém hiệu quả. Ngoài ra, giao cơ quan này xây dựng đề án để xác định các định chế tài chính của tổ chức liên minh phục vụ cho HTX, ví dụ như các quỹ hỗ trợ phát triển HTX, hoặc ngân hàng, quỹ tín dụng cho HTX.  

 

Cấp ủy, chính quyền phải vào cuộc quyết liệt

 

Để thực hiện các mục tiêu trên, các bộ, ngành, địa phương cần phải làm gì, thưa ông?

 

Đầu tiên là phải tuyên truyền để người dân hiểu về HTX kiểu mới. Dù số lượng rất lớn, rất khó nhưng vẫn phải quyết tâm làm bằng được, bởi nếu không củng cố được việc này thì khâu tổ chức SX của nông dân vẫn là nhỏ lẻ, manh mún, không bao giờ có thể hội nhập, cạnh tranh.

 

Nếu có các HTX mà các HTX không mạnh thì DN cũng không hào hứng để liên kết với nông dân trong tiêu thụ nông sản và đầu tư vào nông nghiệp.

 

Ảnh minh họa


Ngoài ra, cần xác định rõ nguồn vốn phục vụ cho HTX. Hiện chúng ta đang có nguồn vốn chương trình MTQG xây dựng NTM mà Trung ương phân bổ trực tiếp cho các địa phương. Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn đang quá chú trọng đến thực hiện tiêu chí hạ tầng mà chưa chú trọng đến các tiêu chí phát triển SX. Do đó, các địa phương nên dành nguồn lực này để phát triển SX, nâng cao đời sống trong đó có phát triển HTX.Việc phát triển HTX không phải nhiệm vụ riêng của ngành nông nghiệp mà là nhiệm vụ chung của toàn xã hội. Đặc biệt là chính quyền các cấp ở địa phương. Ở đây, cấp tỉnh là quan trọng nhất. Hiện nhiều tỉnh cho rằng Trung ương phân bổ chỉ tiêu phát triển HTX quá cao, trong khi đó HTX theo luật mới được xây dựng trên tinh thần tự nguyện. Nhưng chúng tôi cho rằng, tự nguyện ở đây là tự nguyện của nông dân vào HTX, nhưng làm thế nào để nông dân tự nguyện là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Ông phải vận động, tuyên truyền và có cơ chế khuyến khích. Nếu các địa phương không đạt được chỉ tiêu, thì đương nhiên Chính phủ không hoàn thành nhiệm vụ Quốc hội giao.

 

Hơn nữa, theo tôi, chính sách đã cơ bản hoàn thiện rồi, nhưng cần tiếp tục điều chỉnh, bổ sung các cơ chế để tạo điều kiện tốt nhất cho HTX phát triển.

 

Qua khảo sát của các đoàn công tác của Chính phủ, Bộ, ngành tại địa phương thì ông có đánh giá, nhận định gì về sự chuyển biến tại các tỉnh?

 

Do nhận thức của từng tỉnh. Nhiều địa phương kêu khó khăn, khó thực hiện, nhưng nhiều tỉnh làm rất tốt. Tôi lấy ví dụ như Sơn La là tỉnh miền núi, khó khăn như thế, nhưng giờ họ có rất nhiều HTX rau. Năm 2007, tỉnh này thành lập tới 115 HTX và các HTX hoạt động rất hiệu quả. Ngoài ra còn có Lâm Đồng, Hà Tĩnh. Tôi vẫn phải nhắc lại rằng, quan trọng nhất là nhận thức và cách chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các tỉnh.

Xin cảm ơn ông!

 

Mục tiêu cụ thể của đề án là duy trì, củng cố, nâng cao hiệu quả của khoảng 4.400 HTX đã được phân loại và đánh giá năm 2017, có trên 1.500 HTX ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX yếu kém để phấn đấu có trên 5.400 HTX hoạt động hiệu quả trong tổng số 6.400 HTX yếu kém hiện nay. Thành lập mới và tạo điều kiện cho 5.200 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả.

 

 

Thành Trăm (Theo Nông nghiệp )