Nếu coi các hợp tác xã (HTX) như “bà đỡ” để giúp phát triển kinh tế tập thể, hỗ trợ nông dân thì các quỹ hỗ trợ phát triển HTX như những “dòng máu” giúp các HTX hoạt động và phát triển hiệu quả. Quỹ phát triển HTX không chỉ cần nguồn vốn “mồi” mà còn rất cần những cơ chế, chính sách để hoạt động hiệu quả...
Vẫn chủ yếu sống nhờ ngân sách
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam: Tính đến nay, cả nước có 48 quỹ hỗ trợ phát triển HTX do Liên minh HTX Việt Nam và liên minh HTX tỉnh, thành phố quản lý được thành lập và đi vào hoạt động, với số vốn điều lệ hơn 800 tỷ đồng, số vốn lưu động hơn 1.600 tỷ đồng. Từ nguồn vốn của các quỹ hỗ trợ phát triển HTX góp phần tạo kênh tín dụng quan trọng, giúp các cơ sở kinh tế hợp tác, HTX tháo gỡ một phần khó khăn về vốn đầu tư mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh, đóng góp cho ngân sách Nhà nước (NSNN), tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên và người lao động. Các quỹ tập trung chú trọng cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, miền núi; chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực có quy mô lớn và sức lan tỏa. Cụ thể, cho vay lĩnh vực nông nghiệp chiếm 36,58%; phát triển chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực chiếm tỷ trọng 21,9%; khu vực miền núi và Tây Nguyên chiếm tỷ trọng 43,9%; các HTX làm hạt nhân thành lập liên hiệp HTX chiếm tỷ trọng 17%.
Chăm sóc rau má ở HTX nông nghiệp Quảng Thọ 2, xã Quảng Thọ (Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế)
Quỹ hỗ trợ phát triển HTX ở các địa phương chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách của các tỉnh, thành phố còn khó khăn, nguồn vốn đóng góp và các quỹ địa phương còn hạn chế. Hầu hết các quỹ đều có vốn mỏng, quy mô hoạt động nhỏ, với gần 50% số quỹ có mức vốn dưới 10 tỷ đồng, thậm chí có quỹ vốn điều lệ chỉ từ 1 đến 2 tỷ đồng. Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của các quỹ hỗ trợ phát triển HTX còn gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn và đa dạng về vốn phát triển sản xuất kinh doanh của các HTX, thành viên, người lao động. Hiện nay, còn khoảng 25% tỉnh, thành phố chưa thành lập quỹ hỗ trợ phát triển HTX; các quỹ đa phần quy mô còn nhỏ, phần lớn nguồn vốn của các quỹ chủ yếu là từ NSNN cấp, chưa huy động được các nguồn lực bên ngoài. Nguồn vốn ban đầu được NSNN cấp cho Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX ở Trung ương khá khiêm tốn (chỉ có 100 tỷ đồng), trong khi nhu cầu vay vốn hằng năm của các HTX lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Quan trọng là cũng chưa có hành lang pháp lý thống nhất cho tổ chức hoạt động quỹ, dẫn tới cơ chế hoạt động mỗi nơi một kiểu, chưa có sự hợp tác, liên kết dọc trong hệ thống.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam thẳng thắn nhìn nhận: "Quỹ chỉ cho vay đầu tư, thủ tục vay vốn theo quy định còn chặt chẽ, phức tạp. Cơ chế cho vay, phạm vi, phương thức và giới hạn cho vay còn nhiều bất cập và không thống nhất... Chưa có sự liên kết, hỗ trợ từ quỹ Trung ương đến quỹ các địa phương để hỗ trợ, điều hòa lượng vốn. Do chưa có hành lang pháp lý thống nhất cho tổ chức và hoạt động, khiến việc hoạt động của quỹ vô cùng khó khăn và chưa phát huy được hiệu quả.
Đa dạng hóa các nguồn vốn cho quỹ
Liên minh HTX Việt Nam đang phối hợp với Bộ Tài chính tham gia xây dựng cơ chế chính sách nhằm đổi mới hoạt động của quỹ hỗ trợ và phát triển HTX; đồng thời, xây dựng đề án kiểm toán cũng như các đề án khác để tạo điều kiện nâng cao công tác quản trị của các HTX. Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo: Vấn đề chính ở đây là phải nâng cao được khả năng quản trị của HTX, tăng vốn tự có của các HTX, tạo điều kiện để HTX thu hút vốn. Liên minh HTX Việt Nam đang hợp tác với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) và tới đây sẽ thêm một số ngân hàng nữa để tạo kết nối cung cầu về vốn cho các HTX.
Ông Phan Nhật Nam, Chủ tịch Liên minh HTX kiêm Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ hỗ trợ kinh tế tập thể tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho rằng: "Các tỉnh đều phải có quỹ hỗ trợ phát triển HTX. Thời gian qua, quỹ cũng chủ động hỗ trợ cho HTX vay bằng hình thức tín chấp lên đến 700-800 triệu đồng".
Về cơ chế hoạt động của các quỹ hỗ trợ phát triển HTX, ông Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng: "Nếu quỹ do ngân sách cấp vốn thì tổ chức theo hình thức khác, còn quỹ của xã viên thì phải tổ chức kiểu khác. Không nên tổ chức một hình thức quỹ cứng nhắc áp dụng cho mọi nguồn vốn. Cùng với đó cần hướng tới sự đa dạng hóa nguồn vốn của quỹ nhằm góp phần nâng cao năng lực cho các quỹ này".