Đất nước hội nhập đã đặt kinh tế hợp tác trước những thay đổi mạnh mẽ và phải tự làm mới mình nếu không muốn bị tụt hậu. Luật Hợp tác xã 2012 như một luồng gió mới vực dậy khu vực kinh tế hợp tác; trong đó nòng cốt là các hợp tác xã vươn lên mạnh mẽ hơn.
Tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương khoá 12 ngày 3/6/2017 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa một lần nữa khẳng định vai trò của kinh tế tập thể đó là: kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển một nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Thành viên Hợp tác xã chè Nhật Thức thu hái chè nguyên liệu
Khẳng định vị thế nhờ mô hình mới
Cách đây 79 năm, trong “Thư gửi điền chủ nông gia Việt Nam”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: Việt Nam là nước sống về nông nghiệp. Nền kinh tế lấy canh nông làm gốc… Nông dân giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh. Với cách đặt vấn đề như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi đến một kết luận quan trọng: Nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh phải có hợp tác xã.
Những năm qua, đã xuất hiện nhiều mô hình hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác giỏi hỗ trợ hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của thành viên, hộ thành viên. Không dừng lại ở đó, những đơn vị này còn vượt qua những khó khăn nội tại để vươn lên thành tổ chức kinh tế lớn mạnh nhằm khẳng định uy tín và vị thế trên thương trường.
Theo Ông Lê Binh Hùng - Trưởng Cơ quan thường trực miền Nam Liên minh Hợp tác xã Việt Nam chia sẻ: Nhằm thoát khỏi những ám ảnh của hợp tác xã cũ trước đây và chủ động hội nhập bền vững, tại phía Nam đã có 194 hợp tác xã đăng ký xây dựng mô hình kiểu mới, 85 hợp tác xã đăng ký xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, 157 hợp tác xã đăng ký xây dựng thương hiệu, 124 hợp tác xã đăng ký xây dựng VietGAP, Global GAP,...
Ông Nguyễn Đắc Thắng, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết, bên cạnh hoạt động của hợp tác xã phục vụ các nhu cầu kinh tế, đời sống của thành viên, hộ thành viên và phát triển cộng đồng, hợp tác xã còn đóng góp tới 6,83% vào GDP của đất nước.
Thông qua các hoạt động này, các tổ hợp tác, hợp tác xã không những khẳng định được vai trò quan trọng đối với sản xuất, kinh doanh, mà còn trở thành nhân tố không thể thay thế, góp phần thúc đẩy dân chủ hóa, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị tại cơ sở. Điển hình như Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigoncoop) đã nộp ngân sách hàng nghìn tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 10.000 lao động trong chuỗi siêu thị mang nhãn hiệu Co.opmart.
Khách hàng mua sắm tại Co.opMart.
Tuy nhiên, ngoài những chuyển biến tích cực vẫn còn nhiều hợp tác xã chưa thoát khỏi tình trạng yếu kém, khó khăn và bất cập lớn. Điều này bộc lộ việc thiếu đồng bộ giữa mục tiêu và nội dung hoạt động kinh tế bởi phần lớn các hợp tác xã không có mặt bằng để triển khai các hoạt động. Bên cạnh đó, trình độ nhận thức, năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý, người lao động trong các hợp tác xã vốn đang rất yếu, lại thiếu gắn bó nên không yên tâm làm việc lâu dài.
Mặt khác, trình độ tổ chức, năng lực quản lý trong các hợp tác xã nhìn chung còn yếu. Không những vậy, hoạt động của các hợp tác xã còn thiếu gắn bó, chưa có sự liên kết trong sản xuất, kinh doanh. Dù một số Liên hiệp hợp tác xã đã hình thành nhưng quy mô nhỏ, hiệu quả chưa cao, nhất là tác dụng hỗ trợ các hợp tác xã thành viên còn ít khiến việc phát triển hợp tác xã thiếu tính bền vững.
Mắt xích quan trọng
Trước những tồn tại của mô hình hợp tác xã kiểu cũ, Luật Hợp tác xã năm 2012 được ban hành xem như một luồng gió mới làm khơi dậy kinh tế hợp tác. Tuy số lượng hợp tác xã không tăng nhiều và có xu hướng chững lại nhưng hoạt động đã đi vào thực chất, số hợp tác xã thành lập mới hoạt động tương đối đúng luật và hiệu quả. Hơn nữa, doanh thu bình quân của một hợp tác xã đạt 3 tỷ đồng/năm, tăng gần 500 triệu đồng so với thời điểm năm 2012, có hợp tác xã ở vùng Đông Nam bộ doanh thu đạt hơn 9 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, thu nhập bình quân của một lao động thường xuyên trong hợp tác xã cũng tăng từ 10 triệu đồng lên mức 31 triệu đồng/người/năm.
Theo đại diện Vụ Hợp tác xã (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Luật Hợp tác xã năm 2012 đem lại sự bứt phá về tư duy, làm rõ mô hình hợp tác xã trong nền kinh tế thị trường, phù hợp với kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam. Mặt khác, nhận thức về vị trí, vai trò, bản chất và sự đóng góp của hợp tác xã kiểu mới vào phát triển kinh tế - xã hội ở các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương chưa đầy đủ, chưa thực sự tin tưởng vào tổ chức hợp tác xã, vào sự minh bạch trong sản xuất, kinh doanh và phân phối của hợp tác xã, vẫn còn bị ảnh hưởng của mô hình tổ chức kiểu cũ.
Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng mô hình hợp tác xã kiểu mới là khâu đột phá, giải quyết căn bản những tồn tại, yếu kém của khu vực này với nhiều hình thức đa dạng, mạnh về cả chất và lượng trên mọi ngành, lĩnh vực và vùng miền cả nước. Việc tập trung phát triển hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa quy mô lớn là ưu tiên số 1 nhằm góp phần hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ các mặt hàng chủ lực góp phần tích cực vào quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo và tái cơ cấu nền nông nghiệp, an sinh xã hội bền vững.
Tham gia chuỗi giá trị
Đánh giá từ giới phân tích cho thấy, chất lượng- sức sống của hợp tác xã đang là vấn đề nan giải cần nhận được sự hỗ trợ và điều kiện thỏa đáng từ các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương.
Ông Nguyễn Phú Hoàng, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Bình Thuận cho biết, nguyên nhân của những “điểm nghẽn” trong hoạt động hợp tác xã hiện nay là thiếu vốn, hạ tầng chưa bảo đảm yêu cầu nên việc liên kết, nhân rộng mô hình sản phẩm, hàng hóa chủ lực để hình thành quy mô lớn và tạo sức lan tỏa gặp khó khăn.
Ông Lê Đức Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, cho rằng có thể thấy với đặc thù của hợp tác xã kiểu mới, thành công không chỉ dựa khâu đầu vào mà phải giải quyết được khó khăn cho nông dân, đó là nhu cầu đầu ra, tiêu thụ sản phẩm. Vì thế, các hợp tác xã trong giai đoạn này muốn hoạt động thành công buộc phải tham gia vào chuỗi giá trị nhất định để sản xuất, cung ứng và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Theo Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, nguyên nhân là do một số chính sách hỗ trợ được ban hành phân tán, chưa đồng bộ, còn chồng chéo, thiếu nhất quán, khiến hợp tác xã khó tiếp cận và thụ hưởng. Đặc biệt, việc quan tâm, hỗ trợ đối với các hợp tác xã mới dừng lại ở chủ trương, chưa có chỉ đạo xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, không có cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích cụ thể cho các hợp tác xã trong quá trình thực hiện. Trong khi đó, một số chính quyền cấp cơ sở do thiếu cập nhật kiến thức, pháp luật về hợp tác xã gây trở ngại cho các sáng lập viên, cán bộ hợp tác xã khi giao dịch, đăng ký thành lập hoặc thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh.
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp chặt chẽ với Liên minh các tỉnh, thành phố xây dựng lộ trình cụ thể, lựa chọn các sản phẩm hàng hóa đáp ứng được thị trường, hợp tác xã có nhu cầu, có diện tích canh tác lớn và phải kết nối chặt chẽ với các doanh nghiệp hỗ trợ cung ứng sản phẩm. Ngoài ra, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam sẽ chủ trì, hỗ trợ nâng cao chất lượng quản trị, hỗ trợ trang thiết bị và xây dựng phương án, chắp nối doanh nghiệp cho hợp tác xã cũng như hỗ trợ huy động vốn từ các nguồn lực. Bởi mô hình phải hoạt động hiệu quả mới nâng cao được năng suất và đảm bảo lợi ích, tăng thu nhập cũng như ổn định đời sống cho các thành viên hợp tác xã. Trong thời gian tới, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam sẽ tổ chức liên kết với các Tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia chuỗi giá trị sản phẩm. Đây là cơ hội để nâng cao giá trị sản phẩm qua chế biến và xuất khẩu, tạo nguồn tiêu thụ ổn định và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của hợp tác xã theo từng vùng miền tạo chuỗi giá trị bền vững.