Liên minh hợp tác xã Kiên Giang

Điểm tin

Xem với cỡ chữAA

Kiên Giang: Trên 46 nghìn thành viên tham gia hợp tác xã

(14:39 | 13/08/2018)

Theo UBND tỉnh Kiên Giang, hiện toàn tỉnh có 363 hợp tác xã, với 46.227 thành viên, tổng vốn điều lệ hơn 116 tỷ đồng, diện tích canh tác là 51.666 ha, trong đó có 317 hợp tác xã nông nghiệp và thủy sản, còn lại là hợp tác xã phi nông nghiệp.

 

 

Khách du lịch tham quan một mô hình sản xuất hoa,

cây cảnh ở Phú Quốc.(Ảnh: K.V)

 

 

Kể từ khi Luật Hợp tác xã năm 2012 có hiệu lực, các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã đóng một vai trò quan trọng vai trò đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hoạt động của các hợp tác xã từng bước được đổi mới, phát triển đa dạng trên các lĩnh vực. Cùng với những hợp tác xã ra đời từ nhiều năm trước đây, một số mô hình hợp tác xã mới ở Kiên Giang đã được hình thành như mô hình hợp tác xã tôm - lúa, tôm – dứa sinh thái, trồng rau an toàn, cây cảnh, du lịch sinh thái cộng đồng,…mặc dù mới đi vào hoạt động nhưng đã cho thấy hiệu quả kinh tế khá cao và đã thu hút số thành viên tham gia ngày một nhiều lên.

 

Cùng với đó, số hợp tác xã hoạt động hiệu quả, mang lại lợi ích cho thành viên và cộng đồng cũng ngày càng tăng. Nhiều hợp tác xã hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, hình thành được chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa các hợp tác xã với hợp tác xã, giữa hợp tác xã với doanh nghiệp dưới nhiều hình thức đa dạng.

 

Để kinh tế tập thể ngày càng phát triển mạnh mẽ, UBND tỉnh Kiên Giang đã yêu cầu các sở, ban, ngành có liên quan, liên minh hợp tác xã, và các địa phương của tỉnh tập trung triển khai thực hiện hiệu quả những nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh phát triển hợp tác xã; chương trình, kế hoạch, đề án của tỉnh về củng cố, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể giai đoạn từ nay đến năm 2020. Bố trí kinh phí hợp lý để triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi, phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã. Nâng cao công tác quản lý nhà nước đối với phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã gắn liền với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã.

 

 

Theo đó, tỉnh Kiên Giang hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác, hợp tác xã ở các cấp tỉnh, huyện và xã, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyên môn nghiệp vụ trong hợp tác xã. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp đang liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với hợp tác xã được vay vốn ưu đãi hoạt động. Đẩy mạnh hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp về lúa, rau màu, hoa quả, thủy sản, chăn nuôi. Duy trì, phát huy các hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả, hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa, trồng rau, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi,…

 

UBND tỉnh Kiên Giang giao Liên minh Hợp tác xã tỉnh làm nòng cốt trong phát triển hợp tác xã kiểu mới nâng lên chất lượng hoạt động, đồng thời tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, đảm bảo 100% cán bộ hợp tác xã được tập huấn nâng cao năng lực quản trị và chuyên môn nghiệp vụ. Phối hợp với các ngành hữu quan tăng cường công tác xúc tiến thương mại, làm cầu nối kết nối đầu vào, đầu ra cho sản phẩm của hợp tác xã với các doanh nghiệp…

 

Tỉnh Kiên Giang cũng đang phấn đấu có 90% hợp tác xã nông nghiệp tham gia thí điểm đạt loại khá trở lên, thành lập mới từ 1 đến 2 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp. Đến năm 2020, có 100% cán bộ quản lý hợp tác xã tham gia thí điểm được đào tạo, bồi dưỡng, bổ sung kiến thức về hợp tác xã và điều hành sản xuất kinh doanh có hiệu quả.

 

Cũng trong 3 năm từ 2018 đến 2020, tỉnh Kiên Giang sẽ tập trung củng cố và phát triển 14 hợp tác xã nông nghiệp chọn thực hiện đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 - 2020” theo Quyết định số 445/QĐ-TTg, ngày 21/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

 

Theo đó, trong năm 2018, Kiên Giang tập trung củng cố lại 14 hợp tác xã về phương án sản xuất kinh doanh của từng hợp tác xã; hỗ trợ doanh nghiệp gắn kết với hợp tác xã trong xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi giá trị; hoàn thiện mô hình thí điểm hợp tác xã nông nghiệp triển khai nhân rộng và phát triển quy mô hợp tác xã. Trong 2 năm tiếp theo, từ 2019 đến 2020, tỉnh này sẽ hoàn thiện mô hình thí điểm hợp tác xã nông nghiệp trong từng lĩnh vực, triển khai thực hiện nhân rộng và phát triển quy mô hợp tác xã phù hợp nhu cầu sản xuất.

 

Ông Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết, việc đầu tư phát triển hợp tác xã kiểu mới nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững, đúng bản chất hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Phát triển các hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc, giá trị hợp tác và những quy định của pháp luật nhằm nâng cao tỷ lệ hợp tác xã khá, giỏi. Đồng thời, giảm nghèo, tạo việc làm ổn định, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới, nâng cao tinh thần hợp tác của cộng đồng lớn, thành viên nông dân và dân cư địa phương.

 

 

Thành Trăm (Theo Đảng Cộng Sản Việt Nam)