Liên minh hợp tác xã Kiên Giang

Điểm tin

Xem với cỡ chữAA

Cảnh giác với thông tin mạo danh các trang chính thống trên mạng xã hội (st)

(15:58 | 18/06/2024)

Thời gian gần đây, tình trạng lừa đảo qua mạng xã hội ngày càng gia tăng, trong đó có việc một số đối tượng giả mạo trang Facebook của công an, luật sư… để chiếm đoạt tài sản. Dùng tính năng quảng cáo có trên mạng xã hội để phát tán thông tin giả mạo, nhắm vào những người đã từng bị lừa trước đó nhằm tiếp tục lừa đảo.

Một số trang mạng xã hội mạo danh, lừa đảo.

 

Các đối tượng tạo ra rất nhiều trang Facebook giả mạo có tên, giao diện và thông tin giống với các trang chính thống của cơ quan chức năng hoặc những tên gọi thu hút nạn nhân như “Xử lý hồ sơ thu hồi vốn treo”, “Phòng an ninh mạng và PCTP sử dụng CNC”… nội dung, hình ảnh lấy từ các trang chính thức của các cá nhân, tổ chức đăng lại, sau đó đưa tin vào chạy quảng cáo cho bài viết có nội dung lừa đảo “giúp lấy lại tiền”, “thu hồi tiền chuyển nhầm”, “tiền kẹt trong app”, “hỗ trợ lấy lại tài sản đã mất”, “cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý miễn phí” hoặc “giúp đỡ điều tra các vụ lừa đảo” nhắm đến các nạn nhân đã từng bị lừa đảo.

 

Các đối tượng lừa đảo dùng nhiều tài khoản khác tự bình luận vào bài đăng như “cảm ơn đã lấy được tiền”, “tôi đã nhận được tiền”… nhằm tạo tâm lý an tâm, niềm tin cho nạn nhân dẫn đến sập bẫy đối tượng lừa đảo, khi bị hại tin tưởng liên hệ với bọn chúng thì sẽ quan tâm, hỏi han, đặt nhiều câu hỏi thăm dò, lấy thông tin để đánh vào tâm lý nạn nhân, dàn dựng kịch bản, chia sẻ hình ảnh chuyển khoản, tin nhắn bị hại khác đã lấy được tiền do bọn chúng giúp đỡ, từng bước yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân và chuyển khoản một khoản tiền để “xử lý hồ sơ” hoặc cung cấp lịch sử giao dịch, số tài khoản, mật khẩu ngân hàng, mã OTP hoặc cài app các đối tượng cung cấp, sau đó chiếm quyền điều khiển điện thoại, rút sạch tiền trong tài khoản nạn nhân.

 

Để tránh trở thành nạn nhân của các chiêu trò này, người dùng mạng xã hội cần lưu ý kiểm tra kỹ nguồn gốc thông tin. Không nên tin tưởng vào những trang mạng xã hội mới được tạo lập, có ít hoạt động, thường các bài đăng có thời gian gần sát nhau, đăng cùng ngày, ngoài ra bọn chúng sẽ mua một số tài khoản có lượt theo dõi lớn, cả trăm ngàn lượt theo dõi để tạo tin tưởng với các nạn nhân. Hãy xác minh thông tin qua các nguồn chính thức và đáng tin cậy.

 

Cảnh giác với quảng cáo: Các quảng cáo quá hấp dẫn hoặc cung cấp dịch vụ miễn phí thường là mồi câu. Hãy luôn thận trọng và tìm hiểu kỹ trước khi cung cấp thông tin cá nhân hoặc chuyển khoản tiền. Tất cả bài đăng trên mang xã hội Facebook “được tài trợ” là do đối tượng trả tiền thuê Facebook quảng cáo không nghe hoặc làm theo.

 

Liên hệ trực tiếp với cơ quan chức năng: Nếu cần hỗ trợ pháp lý hoặc muốn tố giác tội phạm, hãy liên hệ trực tiếp với các cơ quan chức năng qua các kênh chính thức thay vì thông qua mạng xã hội.

 

Cập nhật kiến thức về lừa đảo trực tuyến: Thường xuyên cập nhật thông tin về các chiêu trò lừa đảo mới để nhận diện và phòng tránh kịp thời.

 

Báo cáo các trang giả mạo: Nếu phát hiện các trang Facebook giả mạo hoặc có dấu hiệu lừa đảo, hãy báo cáo ngay cho Facebook và cơ quan chức năng để họ có thể xử lý kịp thời.

 

Cảnh giác và thận trọng là chìa khóa để bảo vệ bản thân và tài sản trước các chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi trên mạng xã hội./.

https://kiengiang.gov.vn/trang/TinTuc/18/21102/Canh-giac-voi-thong-tin-mao-danh-cac-trang-chinh-thong-tren-mang-xa-hoi.html

Thùy Trang (theo kiengiang.gov.vn)