Liên minh hợp tác xã Kiên Giang

Điểm tin

Xem với cỡ chữAA

Xây dựng nông thôn mới gắn phát triển sản phẩm OCOP (st)

(13:31 | 04/03/2024)

Huyện U Minh Thượng tập trung xây dựng các mô hình, hợp tác xã và xây dựng sản phẩm có giá trị thương mại cao. Huyện tích cực hưởng ứng chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm địa phương, thúc đẩy liên kết chuỗi sản xuất gắn tiêu thụ, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân.

Anh Trịnh Quốc Thái (bên phải) – Giám đốc Hợp tác xã An Hưng, xã An Minh Bắc thu hoạch bưởi bán cho thương lái.

 

Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị quan trọng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội phải chung tay thực hiện, từ đó các cấp, ngành nỗ lực triển khai thực hiện. Ủy ban nhân dân huyện U Minh Thượng chỉ đạo các ngành chuyên môn xây dựng chương trình, kế hoạch trong chỉ đạo xây dựng nông thôn mới hàng năm và giai đoạn; lồng ghép các nguồn vốn trong xây dựng kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội; đẩy mạnh chỉ đạo phát triển sản xuất gắn phong trào phát triển kinh tế tập thể, chương trình OCOP. Huyện có 4 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới; đạt 3/9 tiêu chí huyện nông thôn mới, các tiêu chí còn lại đạt từ 20% trở lên.

 

Chương trình OCOP được huyện U Minh Thượng triển khai hiệu quả, thu hút nhiều chủ thể tham gia. Năm 2023, huyện U Minh Thượng có 4 sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao và được công nhận 2 sản phẩm nghề truyền thống. Năm 2024, huyện phấn đấu có thêm ít nhất 7 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao trở lên. Chương trình OCOP tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực, góp phần đưa sản phẩm đặc trưng, truyền thống của địa phương đến các thị trường tiềm năng; khai thác hiệu quả thế mạnh của địa phương thông qua những sản phẩm đúng quy chuẩn, từ đó làm tăng khả năng cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu thị trường.

 

“Huyện U Minh Thượng với đặc trưng rừng tràm nên nguồn mật ong tự nhiên khá nhiều nên gia đình tôi xây dựng cơ sở sản xuất mật ong. Sản phẩm mật ong của gia đình được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2021. Cơ sở không ngừng cải thiện mẫu mã, đưa ra thị trường các dòng sản phẩm đa dạng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng”, chị Lê Hắc Em - chủ cơ sở sản xuất mật ong Phúc Khang, xã An Minh Bắc chia sẻ.

 

Công tác xây dựng, phát triển kinh tế tập thể được các cấp, ngành của huyện quan tâm chỉ đạo thường xuyên, đồng bộ; hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn chuyển biến tích cực. Đến nay toàn huyện U Minh Thượng có 11 hợp tác xã, 1 quỹ tín dụng nhân dân và 43 tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp. Công tác đào tạo nghề được huyện quan tâm thực hiện thường xuyên. Huyện mở 13 lớp nghề cho người lao động nông thôn với 378 học viên, góp phần nâng tỷ lệ người lao động qua đào tạo toàn huyện đạt 76,79%; trong đó tỷ lệ người lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 44,38%.

 

Theo đồng chí Dương Quốc Khởi - Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện U Minh Thượng, thời gian tới huyện tiếp tục tập trung chỉ đạo củng cố tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các loại hình kinh tế tập thể theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với hợp tác xã và doanh nghiệp để sản xuất sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đạt tiêu chuẩn GAP, hữu cơ, có khả năng cạnh tranh trên thị trường; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá đối với các sản phẩm OCOP; ứng dụng công nghệ thông tin vào giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn nâng cao chất lượng sản phẩm. Huyện phấn đấu tăng từ 2 tiêu chí huyện nông thôn mới trở lên; trong đó có tiêu chí số 8 về chất lượng môi trường sống và tiêu chí số 9 về hệ thống chính trị - an ninh, trật tự - hành chính công; giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí xã đã đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện phấn đấu đạt thêm ít nhất 7 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao trở lên, có ít nhất 1 sản phẩm OCOP là sản phẩm thuộc nghề truyền thống, góp phần bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống của địa phương.../.

https://kiengiang.gov.vn/trang/TinTuc/43/35273/Xay-dung-nong-thon-moi-gan-phat-trien-san-pham-OCOP.html

Thùy Trang (theo kiengiang.gov.vn)