Liên minh hợp tác xã Kiên Giang

Điểm tin

Xem với cỡ chữAA

Phát triển sản phẩm nông nghiệp có sức cạnh tranh (st)

(07:27 | 30/08/2023)

Thời gian qua, chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh đã mang lại hiệu quả tích cực, chất lượng nông thủy sản, giá trị gia tăng của ngành tăng cao. Giúp phát triển toàn diện ngành nông nghiệp của tỉnh theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Thu hoạch vụ lúa Đông Xuân 2022 - 2023 ở xã Mỹ Lâm (Hòn Đất).

 

CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU NÔNG NGHIỆP HIỆU QUẢ

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, giá trị sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2023 tăng 1,2%/năm. Tỉnh triển khai thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản xuất theo chuỗi giá trị. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Hữu Toàn cho biết, tỉnh đẩy mạnh chuyển dịch từ trồng lúa 1 vụ năng suất thấp sang nuôi trồng thủy sản, phát triển mạnh mô hình lúa - tôm, chuyển từ đất chuyên trồng lúa sang tôm - lúa 10.290 ha và trồng cây ăn trái 940 ha, chuyển diện tích lúa vụ Mùa sang chuyên nuôi thủy sản 15.524 ha. Tỉnh xây dựng hơn 2.190 cánh đồng lớn, tổng diện tích 266.885 ha, trong đó, 1.736 cánh đồng, diện tích 190.845 ha sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, chú trọng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.

Theo đó, các hình thức liên kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất trong tiêu thụ sản phẩm ngày càng nhiều và mang lại hiệu quả. Đến nay, tỉnh có 21 doanh nghiệp, hộ kinh doanh liên kết sản xuất kinh doanh, hỗ trợ giúp cho nông dân ổn định đầu vào sản xuất và đầu ra sản phẩm, đảm bảo có lợi nhuận, tập trung phần lớn trên vùng sản xuất trọng điểm Tứ giác Long Xuyên, Tây sông Hậu. Sản lượng lúa thu hoạch bình quân 4,4 triệu tấn/năm, trong đó, lúa chất lượng cao chiếm hơn 97%. Nhiều mô hình luân canh, sản xuất kinh doanh tổng hợp trong nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cụ thể như mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp, mô hình nuôi tôm sú hai giai đoạn luân canh với trồng lúa, mô hình nuôi cá biển bằng vật liệu mới HDFE…

Điểm sáng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh Kiên Giang là hình thành một số vùng nuôi tôm quảng canh, thâm canh - bán thâm canh, công nghiệp - bán công nghiệp, tôm - lúa, tôm - lúa - xen nuôi cua, nuôi cá ven các đảo, nuôi các loài nhuyễn thể… đạt hiệu quả kinh tế cao. Tỉnh tăng diện tích nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp ở vùng Tứ giác Long Xuyên và tăng năng suất lúa - tôm ở vùng U Minh Thượng. Ứng dụng các quy trình thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế trong nuôi tôm như: GAP, GlobalGAP, ASC… Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản thu hoạch từ năm 2021 đến tháng 6/2023 hơn 741.580 tấn các loại, trong đó, tôm khoảng 275.744 tấn.

Cùng với đó, tỉnh phát triển trồng rau màu và cây ăn trái các loại duy trì ổn định qua các năm, riêng diện tích chuyên canh cây ăn trái có xu hướng tăng do mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Cây xoài, sầu riêng, cây có múi…

Tiếp đến, chăn nuôi gia súc, gia cầm tiếp tục phát triển, đến tháng 6/2023, đàn trâu của tỉnh hơn 4.400 con, đàn bò hơn 11.400 con, đàn heo khoảng 350.000 con và đàn gia cầm trên 1,6 triệu con… bước đầu hình thành các trang trại chăn nuôi.

Việc chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh thời gian qua bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực, chất lượng nông thủy sản, giá trị gia tăng của ngành tăng cao, trong đó, đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản để phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững. Kinh tế nông nghiệp không những góp phần cùng tỉnh vượt qua dịch bệnh và những khó khăn, thách thức khác, nâng lên đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân mà còn tạo đà, hỗ trợ cho nhiều lĩnh vực ngành nghề khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh.

PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP TOÀN DIỆN

Những năm tiếp theo, tỉnh tiếp tục thực hiện tái cơ cấu phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Tỉnh đặt mục tiêu giá trị sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2024 - 2025 tăng từ 2,5% trở lên.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Hữu Toàn cho hay, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án, kế hoạch phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới như: Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh; kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đề án sản xuất giống nông - lâm - thủy sản, đề án phát triển vùng sản xuất cây ăn quả tập trung đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2030… Tỉnh tập trung tái cơ cấu quy mô sản xuất, xây dựng các vùng chuyên canh, các vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp hàng hóa và lộ trình thực hiện theo các ngành hàng chủ lực của tỉnh, trọng tâm là lúa và thủy sản, đặc biệt là phát triển mô hình lúa hữu cơ - tôm. Tỉnh điều chỉnh quy hoạch sản xuất nông nghiệp phù hợp ở các vùng với tác động của hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé để nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi và giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm nông sản hàng hóa.

Tỉnh duy trì ổn định sản xuất lúa với sản lượng thu hoạch trên dưới 4,5 triệu tấn/năm, tăng cường sản xuất lúa chất lượng cao, phát triển cánh đồng lớn hiệu quả theo hướng chuỗi giá trị, an toàn, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tỉnh tiếp tục chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình trồng hoa màu, cây ăn trái với một số cây chủ lực phù hợp với các địa phương như: Khóm (dứa) cây ăn trái các loại… Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với thị trường tiêu thụ một cách hiệu quả, bền vững, áp dụng đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất, nhất là trong gieo trồng, thu hoạch. Tỉnh khuyến khích, hỗ trợ đầu tư đổi mới công nghệ, triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất, hình thức liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản hiệu quả, tiên tiến. Gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; xây dựng thương hiệu với nâng cao giá trị nông sản.

Mặt khác, tỉnh khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại, chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Triển khai thực hiện hiệu quả chuyển dịch cơ cấu chăn nuôi theo hướng tăng tỷ trọng các loài vật nuôi có giá trị, thị trường tiêu thụ gắn với “Đề án phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 tỉnh Kiên Giang”.

Cùng với đó, tỉnh tập trung đầu tư phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản, với các sản phẩm chủ lực theo nhu cầu của thị trường, phù hợp với điều kiện môi trường của từng vùng sinh thái. Tỉnh tiếp tục hình thành các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung có quy mô, diện tích lớn phù hợp với nhu cầu của thị trường, tạo sản phẩm hàng hóa lớn phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả “Đề án Phát triển nuôi biển theo định hướng bền vững trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2030”.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, tỉnh phát triển nuôi tôm nước lợ tập trung ở vùng Tứ giác Long Xuyên, U Minh Thượng và Gò Quao. Cụ thể là nuôi tôm thâm canh - bán thâm canh tại các huyện vùng Tứ giác Long Xuyên và một phần các huyện vùng U Minh Thượng. Xây dựng vùng nuôi tôm tập trung ứng dụng công nghệ cao, đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng thủy lợi đáp ứng nguồn nước phục vụ sản xuất và an toàn dịch bệnh. Nuôi tôm - lúa ở các huyện vùng U Minh Thượng và Gò Quao, tiếp tục chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang sản xuất tôm - lúa. Nuôi tôm quảng canh cải tiến ở các huyện, thành phố ven biển. Nuôi cua biển ở các huyện An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận, Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành và thành phố Hà Tiên với mô hình chuyên canh và nuôi kết hợp cua - tôm - lúa, cua - tôm. Nuôi nhuyễn thể ở vùng bãi triều, dưới tác rừng tại các huyện Kiên Lương, Hòn Đất, An Biên, An Minh. Nuôi thủy sản nước ngọt ở các huyện Tân Hiệp, Giồng Riềng, Gò Quao và một phần các huyện vùng U Minh Thượng với các đối tượng có giá trị kinh tế cao như: Lươn, cá thát lát cườm, cá lóc, cá rô đồng.../.

https://kiengiang.gov.vn/trang/TinTuc/18/34220/Phat-trien-san-pham-nong-nghiep-co-suc-canh-tranh.html

Thùy Trang (theo kiengiang.gov.vn)