Liên minh hợp tác xã Kiên Giang

Điểm tin

Xem với cỡ chữAA

Liên kết sản xuất trong hợp tác xã nông nghiệp cần thêm nhiều giải pháp hỗ trợ

(13:28 | 05/07/2023)

Kiên Giang có số lượng lớn các hợp tác xã (HTX) đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp. Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chính sách thúc đẩy việc phán triển liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong HTX, tuy nhiên để việc phát triển bền vững, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm là bài toán lâu dài mà các HTX cần được hỗ trợ để đẩy mạnh thực hiện.

Thu hoạch lúa Đông - Xuân 2023 tại Hợp tác xã nông nghiệp Tân Thạnh – Tân Khánh Hòa, Giang Thành

Số lượng nhiều nhưng việc liên kết chưa đạt kết quả cao cả về số lượng lẫn chất lượng:

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang số lượng HTX trong lĩnh vực nông lâm - thuỷ sản là 468 HTX, chiếm 87,80% so với tổng số HTX, có tổng  vốn điều lệ 199.147.637.000 đồng; với 36.195 thành viên và 66.807,55 ha canh tác, tạo việc làm cho 4.570 lao động theo thời vụ. Thời gian qua, các mô hình kinh tế tập thể đang nỗ lực để liên kết, sản xuất theo chuỗi.

Trog lĩnh vực kinh tế tập thể có 3 hình thức liên kết được thực hiện, chủ yếu là liên kết tiêu thụ sản phẩm qua hợp đồng mua bán giữa doanh nghiệp với HTX và hộ nông dân; liên kết có hỗ trợ đầu tư và tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với HTX và liên kết theo chuỗi giá trị khép kín. Trong chuỗi giá trị khép kín DN đầu tư cho nông dân thông qua HTX, thu mua chế biến sản phẩm và tiêu thụ.

Đối với lĩnh vực lúa gạo; Hiện nay có 219 HTX nông nghiệp trồng lúa hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, với tổng diện tích 37.273 ha; liên kết theo mô hình cánh đồng lớn được 2.349 cánh đồng với diện tích 330.808,74 ha;

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 45 trang trại chăn nuôi có liên kết tiêu thụ với các Công ty, trong đó có 11 trang trại gà vịt với 329.800 con và 34 trang trại heo với 255.571 con. Trang trại tập trung chủ yếu tại các huyện Tân Hiệp, Châu Thành, Giồng Riềng, Giang Thành, Gò Quao. Các hộ chăn nuôi liên kết với các công ty như: Tập đoàn CJ; Công ty Greefed; Công ty Mawin; Công ty CP, nuôi gia công và tiêu thụ sản phẩm. Các sản phẩm của trang trại có chứng nhận quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP).

Toàn tỉnh có khoảng 293.625 ha nuôi trồng thủy sản, với sản lượng hàng năm khoảng 320.477 tấn/năm (Riêng tôm nuôi nước lợ diện tích khoảng 143.352 ha, với sản lượng khoảng 111.600 tấn/năm); có 9 Công ty nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn (với tổng diện tích thả nuôi khoảng 425 ha, sản lượng thu hoạch khoảng 8.693 tấn/năm). Hiện nay, có khoảng 20.000 ha/111.600 ha nuôi tôm nuôi nước lợ được liên kết tiêu thụ hàng năm. Trong đó Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đang triển khai liên kết tiêu thụ tôm với diện tích dự kiến 10.000 ha ở các huyện vùng U Minh Thượng.

Mức độ phổ biến liên kết ở các lĩnh vực sản xuất có sự khác nhau. Trong lĩnh vực chăn nuôi liên kết được thực hiện tương đối phổ biến, có nhiều chuỗi liên kết chặt chẽ, khép kín với quy mô lớn; Trong lĩnh vực trồng trọt nhất là ngành lúa gạo, việc liên kết đang gặp rất nhiều khó khăn. Sự liên kết thiếu chặt chẽ, do chưa hài hòa lợi ích giữa các bên dẫn đến hợp đồng liên kết bị phá vỡ.

Một số chính sách hỗ trợ để thúc đẩy liên kết tiêu thụ sản phẩm cũng được triển khai thực hiện bước đầu đã mang lại hiệu quả cao trong việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong HTX như: Chính sách tiếp cận vốn, chính sách xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường, chính sách đào tạo và bồi dường nguồn nhân lực, chính sách thành lập mới hợp tác xã; chính sách hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng chế biến sản phẩm....

Nhiều chương trình, dự án hỗ trợ liên kết tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã được triển khai như: Đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016-2020”; dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT); Đề án phát triển vùng nguyên liệu lúa gạo các huyện vùng Tứ giác Long Xuyên phục vụ chế biến và xuất khẩu giai đoạn 2021-2025 tỉnh Kiên Giang; Dự án “các Trung tâm đổi mới sáng tạo xanh” (Dự án GIC).

Một số HTX dịch vụ nông nghiệp đã phát huy nội lực, tranh thủ các điều kiện để phát triển, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất kinh doanh, mạnh dạn đầu tư mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động cung cấp dịch vụ cho kinh tế hộ thành viên. Từ đó góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của thành viên và lao động nông thôn.

Tuy nhiên, quy mô hoạt động của HTX nông nghiệp còn nhỏ, thiếu vốn, thiếu cơ sở vật chất, hoạt động còn đơn điệu, chưa mở thêm dịch vụ phục vụ đời sống hộ thành viên. HTX chưa thể hiện được vai trò kết nối giữa các thành viên với thị trường, sự gắn kết giữa lợi ích HTX với thành viên còn chưa rõ nét.

Là một trong những HTX tiêu biểu trong thực hiện liên kết trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh, ông Nguyễn Văn Đen, Giám đốc HTX nông nghiệp Tân Thạnh (xã Tân Khánh Hòa, huyện Giang Thành) cho hay so với các loại hình kinh tế khác, HTX thiếu thốn rất nhiều, nhất là HTX trên lĩnh vực nông nghiệp vì đa phần thành viên là nông dân, sự nhanh nhạy trong sản xuất, kinh doanh chưa cao. HTX muốn vay vốn để đầu tư cũng không dễ dàng bởi thiếu tài sản thế chấp. Vay vốn với tư cách cá nhân thì lãi suất cao, hồ sơ, thủ tục cũng phức tạp. Mở rộng quy mô sản xuất, liên kết với công ty, DN để cung ứng hàng hóa lớn luôn là khao khát của sản xuất nông nghiệp.

 Cần thêm nhiều giải pháp để hỗ trợ chủ thể tham gia liên kết

Thời gian qua, tỉnh Kiên Giang cũng đã thúc đẩy, hỗ trợ các DN, HTX trong việc xây dựng chuỗi liên kết sản phẩm. Với việc lồng ghép qua các chương trình hỗ trợ từ ngành Nông nghiệp, ngành Công thương, nhất là trong vấn đề tìm đầu ra cho sản phẩm cũng đã phần nào khẳng định được hiệu quả của các mô hình.

Xu hướng liên kết giữa các nông dân với nhau, HTX cùng ngành nghề, HTX với DN ngày càng nhiều. Sự hợp tác này đã khắc phục được một số mặt hạn chế của kinh tế hộ đơn lẻ như: thiếu vốn, kinh nghiệm sản xuất, đầu ra bền vững; DN thiếu nguyên liệu sản xuất. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế, việc phát triển các chuỗi liên kết sản xuất vẫn còn có nhiều vấn đề phải bàn. nhiều ý kiến của HTX, nông dân tập trung vào các vấn đề như giá vật tư đầu vào tăng cao, đầu ra nông sản, sản phẩm chăn nuôi bấp bênh trên thị trường, lợi ích chưa hài hòa nên hợp đồng dễ bị phá vỡ.

Để phát triển bền vững mô hình HTX nói chung và HTX lĩnh vực nông nghiệp nói riêng thì liên kết sản xuất gắn với chế biến nông sản tỉnh Kiên Giang là bước đi tất yếu. Đây là trách nhiệm của tất cả các chủ thể tham gia trực tiếp trong chuỗi giá trị, bên cạnh vai trò định hướng của Nhà nước. Muốn làm được điều đó, các địa phương cần khuyến khích thúc đẩy, hỗ trợ nâng cao năng lực, xây dựng các HTX nông nghiệp mạnh, đủ sức làm trung gian liên kết giữa nông dân với DN.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quốc Anh để thực hiện tốt chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong thời gian tới các sở, ngành, doanh nghiệp, HTX có liên quan và địa phương cần tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ cụ thể sau: Chọn sản phẩm chủ lực là lúa, thủy sản, cây ăn trái, rau củ quả,... để hỗ trợ phát triển liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản, bảo đảm thành lập mới và huy động trên 50% các HTX nông nghiệp để tham gia có hiệu quả các chuỗi giá trị nông sản. Mục tiêu là khoảng 70% các sản phẩm OCOP tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử để phân phối hàng hóa, phát triển thị trường; hỗ trợ các HTX tham gia chuỗi liên kết được chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ gắn với cấp mã vùng trồng. Phấn đấu số hợp tác xã nông nghiệp có liên kết với doanh nghiệp được đánh giá hoạt động khá, tốt đạt tỷ lệ từ 90% trở lên. Thực hiện có hiệu quả các chưong trình, đề án, dự án trọng điểm của ngành nông nghiệp gắn với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” và các chương trình, đề án của tỉnh để góp phần thúc đẩy phát triển các HTX nông nghiệp, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản.

Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quốc Anh đề nghị cần nâng cao năng lực cho HTX và doanh nghiệp để thực hiện liên kết có hiệu quả. Thực hiện tốt các chính sách ưu đãi, hỗ trợ thúc đẩy phát triển liên kết giữa doanh nghiệp và HTX./.

Thùy Trang