Liên minh hợp tác xã Kiên Giang

Điểm tin

Xem với cỡ chữAA

Giải pháp đẩy mạnh cho vay Hợp tác xã ở nước ta (st)

(08:40 | 01/06/2023)

Ngày 16/6/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Điều này cho thấy, phát triển kinh tế tập thể, trong đó nòng cốt là hợp tác xã (HTX) là một chủ trương lớn được Đảng và Nhà nước quan tâm, hỗ trợ. Bám sát chủ trương, Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về kinh tế tập thể, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã xác định khu vực kinh tế tập thể nói chung và HTX nói riêng là một trong những đối tượng ngành Ngân hàng ưu tiên đầu tư tín dụng, chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp khuyến khích, hỗ trợ.

Các cơ chế, chính sách cho vay của ngân hàng đối với HTX

Những năm qua, NHNN đã hoàn thiện cơ chế, chính sách về tiền tệ, tín dụng ngân hàng, triển khai các chương trình tín dụng nhằm tạo điều kiện mở rộng đầu tư tín dụng phục vụ phát triển kinh tế tập thể, HTX. Cụ thể, đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP với một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ như: (i) Quy định mức cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa 1 tỉ đồng đối với HTX; tối đa 2 tỉ đồng đối với HTX nuôi trồng thủy sản, liên hiệp HTX hoạt động trên địa bàn nông thôn hoặc hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; tối đa 3 tỉ đồng đối với liên hiệp HTX nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ, cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ; (ii) Chính sách xử lí nợ đặc thù trong trường hợp khách hàng gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, thiên tai, dịch bệnh trên phạm vi rộng (cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; khoanh nợ); (iii) Chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, chuỗi giá trị (mức cho vay không có tài sản bảo đảm lên đến 70% - 80% giá trị dự án, phương án; khách hàng được sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay của dự án, phương án sản xuất, kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp làm tài sản bảo đảm cho khoản vay; quy định về quản lí dòng tiền cho vay liên kết trong sản xuất nông nghiệp làm cơ sở để các tổ chức tín dụng (TCTD) đẩy mạnh cho vay; (iv) Chính sách giảm lãi suất cho vay với mức tối thiểu 0,2%/năm so với lãi suất của các khoản cho vay cùng loại và có thời hạn tương ứng khi người dân mua bảo hiểm trong nông nghiệp.

Cho vay hỗ trợ lãi suất nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ với hai hình thức hỗ trợ: (i) Được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn trong hai năm đầu và 50% lãi suất trong năm thứ ba khi vay vốn tại các ngân hàng thương mại (NHTM) để mua các máy móc thiết bị nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo danh mục Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố; mức cho vay tối đa 100% giá trị hàng hóa; (ii) Được hưởng chênh lệch giữa lãi suất thương mại và lãi suất tín dụng đầu tư của Nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư dây chuyền máy, thiết bị giảm tổn thất trong nông nghiệp bao gồm cả nhà xưởng và các dự án chế tạo máy, thiết bị sản xuất nông nghiệp; mức vay tối đa bằng 70% giá trị dự án.

Hệ thống NHTM đã tích cực triển khai các chính sách tín dụng hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội; Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 về chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong hai năm 2022 - 2023 từ ngân sách nhà nước thông qua hệ thống các NHTM đối với khoản vay của doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh nhằm hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh; Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, trong đó HTX được vay vốn lãi suất ưu đãi triển khai dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị (lãi suất cho vay bằng 50% lãi suất cho vay sản xuất, kinh doanh đối với hộ cận nghèo quy định trong từng thời kì) và dự án phát triển vùng trồng dược liệu quý (lãi suất cho vay 3,96%/năm).

Từ những chính sách nói trên, có thể khẳng định, Nhà nước đã áp dụng khá nhiều ưu đãi trong hoạt động cho vay đối với các HTX. Cũng từ những ưu đãi đó, các HTX đã được vay hàng nghìn tỉ đồng từ hệ thống ngân hàng để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, việc cho vay đối với các HTX cũng đã trở thành nghiệp vụ tín dụng chính thức được cung cấp ở hầu hết các ngân hàng trong nước, trong đó có những ngân hàng thường xuyên có dư nợ cho vay HTX tương đối lớn như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, NHTM cổ phần Công thương Việt Nam.

Kết quả cho vay đối với HTX

Theo số liệu báo cáo của Liên minh HTX Việt Nam, đến năm 2022, cả nước có 29.021 HTX, trong đó có 19.384 HTX nông nghiệp, chiếm 68,8%; 8.456 HTX phi nông nghiệp, chiếm 29,1%; 1.181 quỹ tín dụng nhân dân, chiếm 4,1%. Các HTX thu hút khoảng 6,4 triệu thành viên với 2,6 triệu lao động.

Tổng vốn điều lệ của các HTX khoảng 54,15 nghìn tỉ đồng, bình quân 1,86 tỉ đồng/HTX. Tổng giá trị tài sản của các HTX khoảng 187,75 nghìn tỉ đồng, bình quân 6,5 tỉ đồng. Mục tiêu đặt ra tại Chiến lược và Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, HTX do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, số lượng HTX đến năm 2025 và năm 2030 sẽ tăng lên lần lượt là 35.000 và 45.000.

Trong bối cảnh đó, phát triển hoạt động cho vay của hệ thống ngân hàng đối với các HTX là một phần rất quan trọng trong các giải pháp thúc đẩy tài chính toàn diện ở nước ta hiện nay. Việc làm này không chỉ có ý nghĩa mở rộng khả năng tiếp cận tín dụng, mà còn góp phần phổ cập các dịch vụ tài chính khác được đề cập trong Chiến lược tài chính toàn diện như thanh toán, chuyển tiền, tiết kiệm… cho các HTX.

Đến cuối năm 2022, dư nợ cho vay của các TCTD đối với HTX, Liên hiệp HTX đạt 6.316 tỉ đồng, với gần 1.200 HTX, Liên hiệp HTX còn dư nợ; dư nợ tín dụng đối với cá nhân, hộ gia đình, trong đó có các cá nhân thành viên HTX, đạt 5.884.058 tỉ đồng, chiếm gần 50% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế; trong đó, dư nợ cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh trong khu vực nông nghiệp, nông thôn là 2.030.167 tỉ đồng.

 


Giới thiệu sản phẩm OCOP của HTX trong chương trình Kết nối giao thương bán hàng qua kênh thương mại điện tử ở An Giang

 
Kết quả khảo sát tại báo cáo tài chính của các ngân hàng cho thấy, ngoại trừ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, NHTM cổ phần Công thương Việt Nam có dư nợ tín dụng HTX lên đến hơn 1.000 tỉ đồng (đặc biệt là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam có dư nợ cho vay HTX cao nhất là 1.638 tỉ đồng) còn lại các ngân hàng khác có quy mô cho vay HTX nhỏ hơn thì dư nợ tín dụng HTX cũng chỉ dao động ở mức vài chục đến vài trăm tỉ đồng, thậm chí một số ngân hàng có dư nợ tín dụng HTX chỉ ở mức vài tỉ đồng.

Hoạt động hỗ trợ vốn những năm qua đã góp phần quan trọng tháo gỡ điểm nghẽn cho phát triển HTX, từng bước khơi thông nguồn vốn tín dụng, đáp ứng nguyện vọng, lợi ích và nhu cầu cầp thiết về vốn của các HTX trong bối cảnh hầu hết các HTX quy mô nhỏ, vốn tự có và giá trị tài sản thấp, khó tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; giúp nhiều HTX có điều kiện đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào phát triển sản xuất, kinh doanh; mở rộng quy mô sản xuất và tiêu thụ, liên kết với doanh nghiệp gắn với chuỗi giá trị thị trường trong nước và xuất khẩu; tạo thêm nhiều việc làm mới, tăng thu nhập cho HTX, thành viên và người lao động. Các HTX sau khi được vay vốn, bình quân doanh thu tăng 70,5%, lợi nhuận tăng 63,8%, số thành viên tăng 28%, thu nhập thành viên tăng 31,8%, thu nhập người lao động tăng 28,9%, đóng góp ngân sách tăng 84,0%.

Những bất cập, khó khăn trong tiếp cận vốn các TCTD của khu vực kinh tế tập thể, HTX

Mặc dù Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách về tín dụng khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, HTX, nhưng việc triển khai trong thực tiễn còn nhiều bất cập, khó khăn. Nhu cầu vốn cho phát triển sản xuất, kinh doanh của khu vực kinh tế hợp tác, HTX là rất lớn và cấp thiết. Đến nay, ngoài Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX ở Trung ương (trực thuộc Liên minh HTX Việt Nam) với số vốn điều lệ được cấp là 1.000 tỉ đồng, đã có 51 tỉnh, thành phố thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX với số vốn hoạt động là 2.395 tỉ đồng, tăng 9,3% so với cuối năm 2021 (tổng vốn hoạt động đến hết năm 2021 là 2.192 tỉ đồng). Về doanh số cho vay, đến hết năm 2022, các Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX địa phương đã cho vay với tổng doanh số đạt 2.358 tỉ đồng, cho 1.038 lượt HTX, 51.141 lượt tổ hợp tác, thành viên HTX vay vốn, trong đó: Doanh số cho vay HTX nông nghiệp là 502 tỉ đồng, chiếm 21,3% tổng doanh số cho vay. Dư nợ cho vay đến ngày 31/12/2022 đạt 1.964 tỉ đồng, tăng 12,3% so với cuối năm 2021 (dư nợ cho vay năm 2021 là 1.749 tỉ đồng).

Tuy nhiên, việc tiếp cận vốn tại các TCTD vẫn còn một số tồn tại, bất cập như sau:

Một là, Nghị định số 55/2015/NĐ-CP và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP nhằm hỗ trợ cho khu vực nông nghiệp, nông thôn tiếp cận nguồn vốn tín dụng, tuy nhiên hầu hết các HTX đa số không có tài sản thế chấp để đáp ứng điều kiện vay vốn của NHTM.

Hai là, thực trạng tiếp cận vốn tín dụng của các HTX và thành viên, Liên hiệp HTX, tổ hợp tác những năm qua còn gặp nhiều khó khăn. Theo khảo sát của hệ thống liên minh chỉ khoảng 10% số HTX được vay vốn của các Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX  Trung ương và địa phương; 0,5% số HTX tiếp cận được vốn vay của các TCTD, do các NHTM và các TCTD yêu cầu về điều kiện vay chặt chẽ, e ngại cho vay HTX vì chi phí cho vay cao, còn lại trên 80% số HTX phải vay trên thị trường phi chính thức và tín dụng “đen” với lãi suất cao, thời hạn ngắn; số HTX hoạt động có hiệu quả chỉ chiếm 45%, nên khả năng đáp ứng các điều kiện của ngân hàng còn hạn chế.

Theo báo cáo của Liên minh HTX Việt Nam năm 2022, trong tổng số các HTX đang hoạt động, chỉ 1,5% có thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, riêng các HTX nông nghiệp, tỉ lệ này còn thấp. Tình hình này đến nay gần như không thay đổi khi số liệu trên báo cáo tài chính năm 2022 của các ngân hàng cho thấy có đến hơn 2/3 các ngân hàng có dư nợ cho vay HTX chiếm tỉ lệ dưới 0,2%, chỉ có 5 ngân hàng (Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, NHTM cổ phần Sài Gòn Thương Tín, NHTM cổ phần Công thương Việt Nam, NHTM cổ phần Xuất Nhập khẩu Việt Nam, NHTM cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh) có tỉ lệ dư nợ cho vay HTX đạt trên 0,2%.

Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế

Kết quả dư nợ tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể chưa cao, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ nội tại hoạt động của HTX. Có nhiều nguyên nhân giải thích cho sự hạn chế về quy mô cho vay của hệ thống ngân hàng đối với các HTX, nhưng chủ yếu là các nguyên nhân sau đây:

Thứ nhất, HTX chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện vay vốn mà nguồn gốc xuất phát từ quy mô vốn tự có nhỏ, tài sản thuộc sở hữu của HTX để đảm bảo còn thấp so với nhu cầu vay; phương án sản xuất, kinh doanh chưa mang tính khả thi; một số HTX hoạt động kém hiệu quả, năng lực quản lí điều hành có mặt còn yếu…

Thứ hai, năng lực tài chính, phương tiện sản xuất, cơ sở vật chất… của HTX còn yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất, kinh doanh hiện nay. Nguồn vốn đầu tư mua sắm phương tiện sản xuất chủ yếu để đáp ứng nguồn vốn lưu động của HTX là chính, trong khi để triển khai một dự án mới khi vay vốn đòi hỏi bản thân HTX phải có nguồn vốn tự có đối ứng từ 20% - 30% vốn đầu tư của dự án, đây là một yêu cầu bắt buộc khi vay vốn ngân hàng mà rất nhiều HTX hiện nay khó đáp ứng được.

Thứ ba, hiện nay, một số HTX chưa mở đầy đủ hệ thống sổ sách theo quy định, chưa thể hiện đủ minh bạch mọi hoạt động của HTX. Ngoài ra, thiếu hệ thống báo cáo chuẩn về tình hình tài chính; sổ sách kế toán chưa đáp ứng yêu cầu của TCTD nên các ngân hàng khó đánh giá hiệu quả hoạt động của HTX trong những năm liền kề để thẩm định và quyết định việc cho vay, trong trường hợp đã cho vay rồi thì khó kiểm tra được tình hình sử dụng vốn vay, hiệu quả của việc sử dụng vốn vay của HTX.

Thứ tư, các HTX thường không có tài sản bảo đảm khi vay vốn, một số ít được thành viên dùng tài sản thế chấp để đảm bảo cho khoản vay, tuy nhiên giá trị không nhiều. Ngoài ra, các thành viên góp vốn vào HTX bằng tài sản, nhưng vẫn mang tên cá nhân của người chủ sở hữu chưa chuyển tên cho HTX, gây khó khăn cho HTX trong việc sử dụng tài sản để thế chấp vay vốn.

Thứ năm, hiện nay, Chính phủ và ngành Ngân hàng có nhiều cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ vay vốn, tuy nhiên, các TCTD cho vay tự chịu trách nhiệm khi rủi ro xảy ra, trong khi nhu cầu vay từ các HTX chủ yếu với hình thức không có tài sản bảo đảm nên một số các ngân hàng vẫn còn e dè khi cho vay vốn đối với HTX, chủ yếu cho vay trực tiếp các thành viên của HTX. Thêm vào đó, đối tượng vay là HTX chứa đựng rất nhiều rủi ro làm cho các TCTD e ngại trong việc cấp tín dụng.

Thứ sáu, liên kết trong sản xuất của các HTX còn hạn chế, chủ yếu quy mô nhỏ, chưa hình thành các chuỗi liên kết sản xuất gắn từ đầu vào - sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nên còn nhiều rủi ro về thị trường, giá cả dẫn đến phương án sản xuất, kinh doanh khi vay vốn còn kém khả thi, hiệu quả.

Thứ bảy, trình độ chuyên môn và năng lực quản lí, điều hành của hội đồng quản trị, cán bộ quản lí HTX còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được so với cơ chế quản lí mới, chủ yếu hoạt động theo kinh nghiệm, hầu hết mới được tập huấn ngắn hạn, chưa được đào tạo cơ bản và ít được cập nhật những kiến thức mới. Đội ngũ cán bộ quản lí trong HTX hạn chế về chuyên môn, chủ yếu làm theo hình thức gia đình… khi xây dựng phương án vay vốn chưa khả thi, chưa khai thác hết thông tin thị trường để đánh giá hiệu quả dự án, nên khi các ngân hàng tiến hành thẩm định chi tiết khó thuyết phục để các ngân hàng chấp nhận phương án vay vốn để đầu tư.

Thứ tám, thời gian qua, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, HTX phải đối mặt với nhiều khó khăn do xung đột địa chính trị diễn ra tại nhiều khu vực trên toàn cầu; xu hướng tăng lãi suất, thu hẹp chính sách tiền tệ, tài khóa ở nhiều quốc gia; lạm phát tăng cao tại các khu vực kinh tế lớn của thế giới, giá xăng dầu, nhiên, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao; sự phục hồi chậm và khó khăn của các đối tác thương mại lớn; tác động của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động đầu tư, kết quả kinh doanh của các HTX, khả năng tiếp cận vốn vay mới, vì vậy, kết quả tăng trưởng tín dụng của HTX giảm so với cuối năm 2021.

Một số giải pháp trọng tâm

Bám sát chủ trương tại Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 02/02/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW về việc “tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng đối với các dự án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả”, trong thời gian tới, một số giải pháp trọng tâm cần triển khai đồng bộ được đề xuất sau:

Một là, các TCTD tiếp tục cân đối vốn, tập trung tín dụng cho các tổ chức kinh tế hợp tác, HTX hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, các mô hình HTX kiểu mới hiệu quả, HTX tham gia phát triển các sản phẩm có thế mạnh, sản xuất theo chuỗi giá trị ứng dụng công nghệ cao, có giá trị thương mại cao, HTX đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phù hợp với quy định của pháp luật; thường xuyên nghiên cứu phát triển đa dạng sản phẩm tín dụng ngân hàng; rà soát, cải tiến, đổi mới quy trình, thủ tục, điều kiện cấp tín dụng phù hợp với yêu cầu và thực tiễn hoạt động của HTX để từng bước mở rộng và tăng cường hỗ trợ vốn cũng như khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng cho các loại hình kinh tế tập thể.

Hai là, các HTX cần được nâng cao năng lực về mọi mặt, bao gồm cả khả năng hoạch định chiến lược, kế hoạch kinh doanh cũng như năng lực quản lí hoạt động sản xuất, kinh doanh, năng lực tổ chức điều hành và quản lí tài chính.

Ba là, các cơ quan nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng trong quá trình thực hiện các thủ tục phục vụ việc quyết định cho vay và giám sát tình hình sử dụng vốn vay để đảm bảo nguồn vốn được cho vay đúng khách hàng, tiềm ẩn ít rủi ro và được sử dụng có hiệu quả.

Bốn là, cần phát triển đa dạng các mô hình HTX nông nghiệp phù hợp với tính đặc thù, điều kiện của địa phương, trình độ phát triển và nhu cầu của hộ nông dân; không giới hạn quy mô, lĩnh vực và địa bàn; tập trung làm các dịch vụ đầu vào, nhưng quan trọng là phải thực hiện được dịch vụ đầu ra phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hộ thành viên. Ưu tiên phát triển các HTX quy mô lớn gắn với vùng nguyên liệu và liên kết chuỗi giá trị ngành hàng nông sản; sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm); ứng dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn sản phẩm nông nghiệp, công nghệ cao, công nghệ thông minh; đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Năm là, chú trọng đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; đầu tư mới trang thiết bị máy móc hiện đại, đồng bộ phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; tập trung đầu tư chiều sâu để sản phẩm đạt chất lượng cũng như giá trị thẩm mĩ cao; đi sâu vào việc quản lí chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn; chuyển từ sản xuất truyền thống sang áp dụng công nghệ, quản lí chất lượng theo tiêu chuẩn ISO; chủ động ứng dụng quản lí trên phần mềm từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm, các sản phẩm được đưa lên sàn giao dịch điện tử.

Sáu là, các HTX cần tham gia liên kết chuỗi giá trị nông sản, tham gia phát triển vùng nguyên liệu và hình thành liên kết chuỗi giá trị ngành hàng nông sản; xây dựng mã số vùng trồng gắn với phát triển vùng nguyên liệu và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Bảy là, các HTX cần chú trọng công tác kế toán công khai, minh bạch, rõ ràng. Đây là yếu tố quan trọng để xây dựng niềm tin trong nội bộ thành viên HTX và với các đối tác; đồng thời có đủ điều kiện để tiếp cận và thụ hưởng các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước nhằm phát huy được sức mạnh tập thể, thu hút mở rộng thành viên, HTX có điều kiện để đa dạng các hoạt động dịch vụ phục vụ thành viên, tăng quy mô hoạt động, sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX và tăng thu nhập cho thành viên.

Tóm lại, phát triển hoạt động cho vay đối với các HTX là một phần quan trọng trong giải pháp thúc đẩy tài chính toàn diện ở nước ta. Tuy nhiên, để làm được điều này, cần phải có sự nỗ lực của nhiều bên, bao gồm cả bên đi vay, bên cho vay và các cơ quan quản lí nhà nước. Chỉ có như vậy, việc mở rộng tiếp cận tín dụng của các HTX mới có thể đáp ứng được mục tiêu đặt ra của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia mà vẫn đáp ứng được kì vọng về khả năng sinh lời và bảo toàn vốn vay cho các ngân hàng.

https://vca.org.vn/giai-phap-day-manh-cho-vay-hop-tac-xa-o-nuoc-ta-a29622.html

Thùy Trang (theo vca.org.vn)