Tham gia thảo luận vào dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), đồng chí Ma Thị Thúy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhất trí cao với báo cáo tiếp thu giải trình của Ủy ban Thường vụ quốc hội về dự án luật, đồng thời đề nghị Ủy ban Thường vụ quốc hội xem xét 2 nội dung như sau:
Thứ nhất, tại khoản 1, Điều 78 về chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã: Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cân nhắc việc cho phép chuyển nhượng vốn giữa các thành viên trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, vì nếu việc cho phép chuyển nhượng vốn góp sẽ làm mất đi bản chất của hợp tác xã, làm cho các tổ chức kinh tế hoạt động như loại hình công ty cổ phần.
Đồng chí Ma Thị Thúy phát biểu thảo luận
Thứ hai, khoản 1, Điều 110 quy định: “Tổ chức đại diện của tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong đó hệ thống liên minh hợp tác xã là nòng cốt, được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật về hội và pháp luật có liên quan”.
Đại biểu cho rằng quy định này chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong bối cảnh tình hình hiện nay. Bởi vì, kinh tế tập thể, hợp tác xã được Đảng và Nhà nước khẳng định là thành phần kinh tế quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế tập thể cùng với kinh tế Nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân, nhưng trên thực tế khu vực này còn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc xác lập tư cách của mỗi hình thức đối tượng thành viên, người lao động trong hợp tác xã, liên minh hợp tác xã chưa rõ, chưa tạo ra động lực để phát triển, nhận thức về mô hình hợp tác xã kiểu mới còn rất hạn chế nên rất cần có sự hỗ trợ và tạo điều kiện để tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phát triển, trong đó liên minh hợp tác xã là tổ chức đại diện các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, giữ vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, làm cầu nối giữa Đảng và Nhà nước với thành phần kinh tế tập thể…
Đồng chí kiến nghị Ban soạn thảo cần phải làm rõ về vai trò, vị trí pháp lý của liên minh hợp tác xã không phải là tổ chức hội quần chúng và cũng không phải là tổ chức hội đặc thù mà là tổ chức đại diện các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tạo sự thống nhất về quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 20, Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
Đồng chí đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bỏ quy định về “liên minh hợp tác xã được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật về hội”. Đồng thời, bổ sung thêm 2 nội dung vào dự thảo luật, gồm: Liên minh hợp tác xã là tổ chức đại diện các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã do Đảng và Nhà nước thành lập và giao nhiệm vụ, được Nhà nước giao biên chế, cơ sở vật chất, phương tiện đi lại, làm việc và kinh phí để liên minh hợp tác xã hoạt động và thực hiện nhiệm vụ được giao; liên minh hợp tác xã hoạt động theo Luật Hợp tác xã và các quy định của pháp luật về liên minh hợp tác xã.
Chính phủ cần quy định chi tiết về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của hệ thống liên minh hợp tác xã và các đại diện cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cũng báo cáo trao đổi, làm rõ thêm những vấn đề mà các vị đại biểu Quốc hội quan tâm.
https://vca.org.vn/can-nhac-viec-cho-phep-chuyen-nhuong-von-giua-cac-thanh-vien-trong-hop-tac-xa-lien-hiep-hop-tac-xa-a29132.html