
Đất sản xuất nông nghiệp ở xã Kiên Bình (Kiên Lương).
Về thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định điều kiện, tiêu chí, trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Đồng thời, quy định cụ thể hơn về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để sau khi thu hồi đất thì người dân có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; thực hiện có hiệu quả việc đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống cho người có đất bị thu hồi. Để bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư, đề nghị cho ý kiến về những nội dung sau:
Thứ nhất, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Điều 78 dự thảo luật quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước thu hồi đất gồm (1) Dự án công trình đầu tư công hoặc dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư; dự án do Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư; dự án công trình công cộng không nhằm mục đích kinh doanh; dự án do Nhà nước đầu tư để tạo quỹ đất; dự án xây dựng trụ sở làm việc của tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao; (2) Dự án công trình để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, trong đó có trường hợp thu hồi đất để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại. Đồng thời, đã quy định về điều kiện, tiêu chí thu hồi đất (chỉ thu hồi đất để tạo quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất; dự án khai thác khoáng sản đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép; dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, khu dân cư bị ô nhiễm môi trường, có nguy cơ sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi thiên tai có nguy cơ đe dọa đến tính mạng của người dân hoặc để di dời các công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc trường hợp phải di dời do ô nhiễm môi trường theo quy định hoặc để bố trí tái định cư; khu dân cư bị xuống cấp nghiêm trọng về hạ tầng và không phù hợp với quy hoạch).
Thứ hai, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất được quy định tại Điều 85, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Cụ thể, lấy ý kiến nhân dân về (1) Hình thức lấy ý kiến (họp trực tiếp với người dân trong khu vực có đất bị thu hồi, niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại trụ sở ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất bị thu hồi); (2) Trách nhiệm lấy ý kiến và tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến của tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng; (3) Thời gian, đối tượng, nội dung lấy ý kiến.
Thứ ba, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Khoản 2, Điều 89, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi phải đảm bảo cho người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ thông qua quy định trước khi thu hồi đất phải xây dựng khu tái định cư, đồng thời quy định về các điều kiện để xây dựng các khu tái định cư (hạ tầng kỹ thuật; hạ tầng xã hội; phù hợp với phong tục, tập quán của từng vùng, miền) và thứ tự ưu tiên lựa chọn địa điểm tái định cư (tại địa bàn cấp xã nơi có đất bị thu hồi; đến địa bàn cấp huyện thuộc tỉnh, thành phố nơi có đất thu hồi, rồi mới đến địa bàn khác có điều kiện tương đương). Các điều kiện nêu trên thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đến đời sống của người dân khi Nhà nước thu hồi đất.
Về giá đất, định giá phải đảm bảo các nguyên tắc (1) Theo mục đích sử dụng đất định giá; (2) Theo thời hạn sử dụng đất và các yếu tố khác ảnh hưởng đến giá đất; (3) Phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường, quyền sử dụng đất trong điều kiện bình thường; (4) Tuân thủ đúng phương pháp, trình tự, thủ tục định giá đất theo quy định của pháp luật; (5) Bảo đảm tính độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ, trung thực, khách quan của kết quả định giá đất giữa cơ quan định giá, cơ quan thẩm định và cơ quan quyết định. Đồng thời quy định giá đất phổ biến trên thị trường trong điều kiện bình thường được xác định bằng giá bình quân của các mức giá giao dịch thực tế của loại đất có cùng mục đích sử dụng đã chuyển nhượng trên thị trường xuất hiện với tần suất nhiều nhất thông qua thống kê tại một khu vực và trong một khoảng thời gian nhất định, không chịu tác động của các yếu tố gây tăng hoặc giảm giá đột biến, giao dịch có quan hệ huyết thống hoặc có những ưu tiên khác.
Bảng giá đất được xây dựng định kỳ hàng năm (công bố công khai và áp dụng từ ngày 1-1 của năm) để bảo đảm giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị ban hành bảng giá đất định kỳ 5 năm, 3 năm hoặc 2 năm một lần và quy định thêm việc điều chỉnh bảng giá đất khi có biến động từ 20% trở lên.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cho ý kiến lần thứ 2 tại Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV (tháng 5-2023), thông qua tại Kỳ họp thứ sáu (tháng 10-2023)./.
https://kiengiang.gov.vn/trang/TinTuc/83/33689/Nhung-noi-dung-nhan-dan-quan-tam-nhat-trong-Luat-Dat-dai--sua-doi-.html