Theo đồng chí Nguyễn Văn Khương (ảnh, thứ hai, từ trái qua) - Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Giồng Riềng, chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ mới, có nhiều lợi ích, song được đánh giá là nhiệm vụ khó, đòi hỏi hệ thống chính trị, người dân cùng vào cuộc. Do vậy, các cấp, ngành, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới cho cấp ủy, chính quyền, cán bộ và cộng đồng dân cư. Đa dạng hóa hình thức truyền thông trên nền tảng công nghệ số, đẩy mạnh gắn kết và lồng ghép với hoạt động tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới. UBND huyện Giồng Riềng hoạch định 5 nội dung thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới gồm tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh xây dựng chính quyền số trong xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn, tập trung phát triển xã hội số trong xây dựng nông thôn mới, triển khai mô hình thí điểm chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới.
Giai đoạn 2021-2025, Huyện ủy, UBND huyện Giồng Riềng xác định chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Huyện triển khai đồng bộ giải pháp chuyển đổi số, hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số toàn diện. Cụ thể, huyện quan tâm nâng cao năng lực về chuyển đổi số cho các cơ quan quản lý nhà nước, cán bộ xây dựng nông thôn mới, UBND các xã, thị trấn và người dân, cộng đồng ở nông thôn. Tổ chức thực hiện hiệu quả chính sách, mức hỗ trợ theo quy định về chuyển đổi số để áp dụng trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh; chính sách khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ số về các lĩnh vực kinh tế, thương mại, y tế, giáo dục, văn hóa, du lịch. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, dữ liệu số trong xây dựng nông thôn mới; thực hiện giải pháp nhằm cung cấp cho mỗi hộ dân nông thôn có ít nhất một điện thoại thông minh theo hình thức xã hội hóa.
Huyện Giồng Riềng xây dựng phương án tổng thể hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu, chuẩn hóa dữ liệu, hệ thống định danh gắn đối tượng quản lý, giám sát chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tạo điều kiện, môi trường đầu tư thuận lợi thu hút doanh nghiệp công nghệ thông tin đầu tư về cơ sở hạ tầng số, kết nối mạng internet đến xã, ấp; huy động nguồn lực tham gia thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới. Huyện xây dựng thí điểm mô hình xã nông thôn mới thương mại điện tử quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của địa phương; các mô hình xã nông thôn mới thông minh gắn lĩnh vực nổi trội ở các xã như kinh tế, y tế, giáo dục, an ninh, trật tự, du lịch nông thôn…
Huyện Giồng Riềng đề ra mục tiêu cụ thể chuyển đổi số trên ba trụ cột gồm phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới năm 2023, huyện Giồng Riềng chú trọng đầu tư hoàn thiện dịch vụ viễn thông, internet, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính đạt chỉ tiêu của tiêu chí số 15 về hành chính công theo bộ tiêu chí về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025 đối với những xã chuẩn bị các điều kiện để xét đề nghị công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023./.
https://kiengiang.gov.vn/trang/TinTuc/286/33703/Chuyen-doi-so-huong-toi-xay-dung-nong-thon-moi.html