Liên minh hợp tác xã Kiên Giang

Điểm tin

Xem với cỡ chữAA

GS.TS TRẦN ĐỨC VIÊN: SỬA ĐỔI LUẬT PHẢI KHUYẾN KHÍCH, TẠO ĐỘNG LỰC VÀ NGUỒN LỰC CHO NGƯỜI NÔNG DÂN THAM GIA HỢP TÁC XÃ (st)

(08:39 | 08/03/2023)

Góp ý vào dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi), GS.TS Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Học viện Nông nghiệp Việt Nam nêu quan điểm, để Hợp tác xã nông nghiệp phát triển theo đúng tiềm năng và lợi thế, đáp ứng mong mỏi và chờ đợi của hàng triệu hộ nông dân trên cả nước, cần cụ thể hóa các tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết số 20-NQ/TW. Trong đó, sửa đổi luật phải khuyến khích, tạo động lực và nguồn lực cho người nông dân tham gia Hợp tác xã.

LIÊN ĐOÀN HỢP TÁC XÃ: XÂY DỰNG THÍ ĐIỂM MÔ HÌNH HAY LUẬT HÓA TRONG DỰ THẢO LUẬT HỢP TÁC XÃ (SỬA ĐỔI)?

SỬA ĐỔI LUẬT CẦN TẠO RA HÀNH LANG PHÁP LÝ “ĐỦ THÔNG THOÁNG” ĐỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ, NÒNG CỐT LÀ CÁC HỢP TÁC XÃ

Vì sao nông dân Việt Nam vẫn chưa thực sự mặn mà với Hợp tác xã?

Trong thư gửi điền chủ, nông gia Việt Nam ngày 11/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh, thì cần phải có hợp tác xã” .

Theo Người, đưa nông dân vào làm ăn tập thể dưới hình thức hợp tác xã (hợp tác xã) nông nghiệp là con đường, là động lực, là phương thức đặc biệt quan trọng để phát triển nông nghiệp, nông thôn, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân, bởi lẽ "Nhóm lại thành giàu, chia nhau thành khó", "Một cây làm chẳng nên non, nhiều cây nhóm lại thành hòn núi cao" .

Nông dân Việt Nam vẫn chưa thực sự mặn mà tham gia HTX.

Nông dân Việt Nam vẫn chưa thực sự mặn mà tham gia HTX.

GS.TS Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, năm 1948, HTX Thủy tinh Dân Chủ và một số HTX nông nghiệp ở Đại Từ là các HTX đầu tiên được thành lập tại chiến khu Việt Bắc (Thái Nguyên) mở đầu cho sự ra đời và phát triển của phong trào HTX, trong đó có HTX nông nghiệp ở Việt Nam. Sau khi thống nhất đất nước, Hợp tác xã ở cả hai miền Nam Bắc đều phát triển èo uột, không lớn lên được hoặc là không muốn lớn.

Kể từ khi có Luật HTX 2003 và nhất là sau Luật HTX 2012, tình hình đã đổi khác, HTX phát triển mạnh mẽ ở cả hai miền; nhiều HTX đã thể hiện đúng vị trí, vai trò và chức năng của nó. Đặc biệt, sau khi có Luật HTX năm 2012, số lượng HTX nông nghiệp đăng ký thành lập mới tăng lên nhanh chóng. Theo Báo cáo của Liên minh HTX Việt Nam, tính đến năm 2021 cả nước có 17.507 HTX nông nghiệp (chiếm 65,27% tổng số HTX), tăng 63,91% so với năm 2013... Như vậy, đến cuối năm 2021 có 78 liên hiệp HTX nông nghiệp và 17.507 HTX nông nghiệp.

Tuy nhiên, tỷ lệ HTX nông nghiệp được đánh giá xếp loại khá, tốt chỉ đạt gần 60% và số HTX nông nghiệp hoạt động thực sự có hiệu quả kinh tế không nhiều (hơn 43%). Hiện nay, tỷ lệ tiêu thụ nông sản cho các thành viên của HTX nông nghiệp chưa đến 25% lượng nông sản cần phải được tiêu thụ, và chưa đến 10% HTX nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao. Đóng góp của khu vực kinh tế tập thể nói chung và HTX nông nghiệp nói riêng vào GDP của nền kinh tế có xu hướng giảm xuống sau 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể. Cụ thể, năm 1995 tỷ trọng đóng góp của khu vực HTX vào GDP cả nước đạt 10%, đến năm 2020 con số này chỉ còn lại 3,62%.

Như vậy có thể thấy, trong các loại hình HTX (nông nghiệp, tín dụng, công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, thương mại và dịch vụ), HTX trong lĩnh vực nông nghiệp đang chiếm tỷ lệ lớn. Tuy nhiên, HTX nông nghiệp lại chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế, vai trò và đóng góp còn rất thấp so với mong đợi.

GS.TS Trần Đức Viên đặt câu hỏi, về mặt lý luận và theo các bài học kinh nghiệm của phong trào HTX trên thế giới, HTX mang lại lợi ích vô cùng thiết thực và to lớn cho người nông dân, tại sao “một bộ phận không nhỏ” nông dân Việt Nam vẫn chưa mặn mà với HTX, vẫn thờ ơ với HTX? Hay là tại cái tổ chức đang được gọi là “HTX” này chưa thực sự là của nông dân, vì nông dân, từ nông dân? Chưa là điểm tựa, là điểm hội tụ, để từ đó tạo lập nên sức mạnh cộng hưởng từ hàng triệu hộ nông dân, làm nên niềm tin và là niềm tự hào của nông dân, làm nên nền nông nghiệp sinh thái, làm nên nông thôn Việt Nam hùng cường và giai cấp nông dân giàu có?

GS.TS Trần Đức Viên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, sửa đổi luật phải khuyến khích, tạo động lực và nguồn lực cho người nông dân tham gia Hợp tác xã.

Mặc dù vậy, chính các hộ nông dân đã làm nên các kỳ tích của nền nông nghiệp Việt Nam trong giai đoạn vừa qua. Gọi là kỳ tích, bởi hầu như sản lượng của nền nông nghiệp đều dựa đến 90% vào sự nỗ lực của kinh tế hộ gia đình. Điều gì sẽ xảy ra nếu trên 9 triệu hộ nông dân này được tổ chức lại thành các HTX mạnh mẽ và cường tráng như ở Hà Lan, Nhật bản hay Hàn Quốc...

Vì vậy, Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới đã nêu bật mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể đến năm 2030 và 2045 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

Để HTX có thể phát triển theo đúng tiềm năng và lợi thế của nó, đáp ứng mong mỏi và chờ đợi của hàng triệu hộ nông dân trên khắp các vùng miền của Tổ Quốc, GS.TS Trần Đức Viên mong muốn có một hệ thống chính sách cụ thể hóa các tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết số 20-NQ/TW, để mọi người, từ các cấp các ngành và từng người nông dân đều có thể hiểu đúng và làm đúng theo các mục tiêu, quan niệm, cách tiếp cận và các khái niệm của đảng về HTX, và khi ấy, HTX trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.

GS.TS Trần Đức Viên đã nêu lên 4 tồn tại, yếu kém chính làm cản trở sự phát triển HTX nông nghiệp từ sau khi ban hành Luật HTX năm 2012: (1) Số lượng thành viên trung bình của một HTX có xu hướng giảm dần: Ngược với xu hướng tăng số lượng HTX, số thành viên HTX năm 2021 giảm gần 1,87 triệu thành viên so với năm 2013 . Điều này đang cho thấy HTX chưa thu hút được nông dân và nó đang đi ngược với xu thế phát triển HTX trên thế giới; (2) Quy mô về vốn, tài sản của HTX rất thấp và quá trình tích lũy vốn, tài sản của HTX rất chậm; (3) Năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý điều hành HTX, nhìn chung, còn nhiều hạn chế: Các HTX cũng gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút cán bộ trẻ, có năng lực để họ tham gia thành lập và điều hành HTX do HTX không đủ nguồn lực để trả lương xứng đáng cho cán bộ quản lý; (4) Sự tham gia vào chuỗi giá trị còn hạn chế: Đến cuối năm 2020, chưa đến 22% HTX có tham gia liên kết chuỗi giá trị.

Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, môi trường thể chế, quản lý nhà nước đối với phát triển HTX nông nghiệp.

Để khai thác tính sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp, tinh thần doanh nhân, tinh thần tập thể của các thành phần trong phát triển HTX nông nghiệp, khắc phục các yếu kém của HTX nông nghiệp hiện nay, GS.TS Trần Đức Viên đề xuất một số giải pháp chủ yếu để phát triển HTX cũng như việc sửa đổi Luật HTX. Theo đó, cần thống nhất, nâng cao nhận thức về bản chất, vai trò của phát triển HTX nông nghiệp trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bảo vệ môi trường nông thôn nói chung, trong sản xuất nông nghiệp nói riêng, phải là một chỉ tiêu pháp lệnh. Tăng cường sự lãnh đạo của đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội ngành nghề đối với HTX nông nghiệp.

GS.TS Trần Đức Viên cũng nhấn mạnh đến việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, môi trường thể chế, quản lý nhà nước đối với phát triển HTX nông nghiệp. Việc sửa đổi Luật HTX năm 2012 cần thống nhất các quan điểm sau:

Đảm bảo sự nhất quán, đồng bộ, rõ ràng trong hệ thống văn bản pháp luật về HTX, để ai cũng có thể hiểu đúng và làm đúng. Theo đó, thống nhất quan điểm HTX là một tổ chức kinh tế tập thể như định nghĩa của Liên minh HTX quốc tế.

HTX là một mô hình tổ chức sản xuất kinh doanh giúp cho người sản xuất nông nghiệp, nhất là nông hộ quy mô nhỏ, nâng cao khả năng cạnh tranh nông sản của họ, là phương thức để giúp người sản xuất nông nghiệp tham gia thị trường và khởi nghiệp.

Luật sửa đổi phải khuyến khích, tạo động lực và nguồn lực cho người nông dân tham gia HTX, thông qua việc họ được hưởng lợi ích kinh tế xứng đáng với sự đóng góp của họ vào sự phát triển của HTX. Luật cũng phải ngăn chặn các hành vi cơ hội, lợi dụng chính sách ưu đãi, hỗ trợ HTX.

Luật sửa đổi phải đảm bảo các nguyên tắc cơ bản của HTX được tôn trọng và khuyến khích phát triển đa dạng mô hình tổ chức, hoạt động của HTX phù hợp với điều kiện biến đổi của môi trường kinh doanh và nhu cầu của thành viên. Theo đó, các nguyên tắc cơ bản của HTX được đảm bảo đó là thành viên sử dụng dịch vụ HTX là người sở hữu, quản lý HTX và thụ hưởng lợi ích của HTX. Một số nguyên tắc khác của HTX nên được nới lỏng để thuận lợi cho HTX phát triển.

Đảm bảo HTX bình đẳng với các thành phần kinh tế khác trong việc tiếp cận nguồn lực và trách nhiệm xã hội. Phát triển HTX là vì lợi ích kinh tế của thành viên và lợi ích cộng đồng. Lợi ích kinh tế của thành viên là yếu tố quyết định sự phát triển của HTX. Nhà nước hỗ trợ HTX để thực hiện các trách nhiệm xã hội của nó. Thụ hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước phụ thuộc vào mức độ và kết quả HTX phục vụ thành viên và cộng đồng.

HTX nông nghiệp có tính đặc thù và chiếm phần lớn trong tổng số HTX (hơn 67%), do đó cần có các văn bản dưới luật để hướng dẫn thực hiện riêng; nếu có thể, nên xây dựng Luật HTX Nông nghiệp riêng như tại Nhật Bản đã thực hiện.

Cần có chế độ kế toán, kiểm toán riêng, tránh tối đa việc quy định “HTX phát triển ở trình độ cao có thể áp dụng chế độ kế toán doanh nghiệp” hay “đối với các HTX có quy mô lớn, có nhiều giao dịch mà Thông tư này không có quy định thì được lựa chọn áp dụng chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa”...

Đảm bảo công khai, minh bạch hoạt động và tình hình tài chính của HTX thông qua hoạt động kiểm soát nội bộ, kiểm toán độc lập và kiểm tra thuế. Đồng thời, Nhà nước cần dừng việc làm hộ hay quyết định thay HTX, trả HTX về cho thành viên HTX, theo đúng tinh thần của Nghị quyết 20 “Nhà nước không can thiệp trực tiếp, mà chỉ quản lý hoạt động của tổ chức kinh tế tập thể thông qua pháp luật và chính sách”, GS.TS Trần Đức Viên nêu quan điểm.

https://vca.org.vn/gsts-tran-duc-vien-sua-doi-luat-phai-khuyen-khich-tao-dong-luc-va-nguon-luc-cho-nguoi-nong-dan-tham-gia-hop-tac-xa-a28851.html

Thùy Trang (theo vca.org.vn)