Liên minh hợp tác xã Kiên Giang

Điểm tin

Xem với cỡ chữAA

Chương trình Hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang

(22:32 | 18/02/2021)

Ngày 05/02/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang ban hành Quyết định số 330/QĐ-UBND về việc phê duyệt Chương trình Hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2025.

Ảnh minh họa

Mục tiêu của Chương trình hỗ trợ, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã cả chiều rộng và chiều sâu, trong đó đặc biệt chú trọng đến nâng cao chất lượng hoạt động, hỗ trợ thành viên thông qua việc nâng cao nhận thức của toàn dân về kinh tế tập thể, hợp tác xã; đồng thời, tăng cường năng lực của các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã nhằm phát huy hơn nữa vai trò liên kết, hợp tác, hỗ trợ thành viên và cộng đồng khu vực; tăng cường năng lực cạnh tranh của kinh tế hộ gia đình, đặc biệt là kinh tế hộ nông dân trong điều kiện cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Đến năm 2025 thành lập mới 665 tổ chức kinh tế tập thể

Chương trình xác định mục tiêu đến năm 2025 thành lập mới 665 tổ chức kinh tế tập thể (105 hợp tác xã và 560 tổ hợp tác) gắn với xây dựng cánh đồng lớn; thành lập 01 liên hiệp hợp tác xã; phấn đấu trên 90% hợp tác xã có lãi, trong đó 55% hợp tác xã khá giỏi, 40% hợp tác xã trung bình, hạn chế thấp nhất hợp tác xã yếu kém; tổng số lao động thường xuyên trong hợp tác xã là 9.129 thành viên; tổng số lao động trong tổ hợp tác là 14.106 người. 100% số hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tổ chức, hoạt động theo quy định của Luật Hợp tác xã. 20% cán bộ quản lý hợp tác xã tốt nghiệp đại học, cao đẳng trở lên trong tất cả các ngành, lĩnh vực. Xây dựng 90 mô hình tổ chức kinh tế tập thể ứng dụng công nghệ cao, có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị, phát triển bền vững. 50% tổng số tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã có liên kết với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tập thể khác.

Nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã

Theo nội dung Chương trình, các đối tượng như hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đang hoạt động theo Luật Hợp tác xã; hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thành lập từ việc hợp nhất, sáp nhập, chia, tách; Người dân có nhu cầu thành lập tổ chức kinh tế tập thể sẽ được hỗ trợ thành lập mới, củng cố tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã. Cụ thể là được cung cấp thông tin, tư vấn, tập huấn, phổ biến quy định pháp luật về kinh tế tập thể, hợp tác xã; Hỗ trợ, tư vấn xây dựng hoặc sửa đổi điều lệ; hướng dẫn và thực hiện các thủ tục sắp xếp, củng cố lại tổ chức, hoạt động của tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã cho phù hợp với các quy định hiện hành.

Đối với thành viên, người lao động đang làm công tác quản lý, chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ của các tổ chức kinh tế tập thể; Công chức làm nhiệm vụ quản lý Nhà nước về kinh tế tập thể tại các Sở, ngành và địa phương (bao gồm: công chức chuyên trách và công chức kiêm nhiệm); Công chức, viên chức của Liên minh Hợp tác xã các cấp, các Hiệp hội, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội; Giảng viên về kinh tế tập thể trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp sẽ được hỗ trợ nâng cao năng lực, nhận thức cho khu vực kinh tế tập thể. Nội dung hỗ trợ, bao gồm đào tạo và bồi dưỡng. Về phần đào tạo sẽ hỗ trợ học phí theo mức quy định của cơ sở đào tạo; kinh phí mua giáo trình của khóa học; chi phí ăn, ở; cấp học bổng đào tạo, nghiên cứu dài hạn trong nước và nước ngoài về hợp tác xã và các chuyên ngành hỗ trợ trực tiếp cho công tác quản lý Nhà nước về kinh tế tập thể. Học bổng bao gồm: toàn bộ kinh phí đi lại, tài liệu, giáo trình, học phí, bảo hiểm, chi phí ăn ở và sinh hoạt theo quy định. Đối với bồi dưỡng thành viên, người lao động của tổ chức kinh tế tập thể, gồm: chi phí đi lại từ trụ sở đến cơ sở bồi dưỡng (trừ vé máy bay); kinh phí mua tài liệu của chương trình khóa học; các khoản chi phí tổ chức, quản lý lớp học; thuê hội trường; thù lao giảng viên; tham quan, khảo sát; chi phí ăn, ở theo định mức được áp dụng tương tự như đối với công chức Nhà nước. Đối với công chức, viên chức của các cơ quan quản lý Nhà nước về kinh tế tập thể, Liên minh Hợp tác xã, các Hiệp hội, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, giảng viên, sẽ cấp học bổng bồi dưỡng ngắn hạn ở nước ngoài (chế độ theo quy định hiện hành) và tổ chức các khóa bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn trong nước.

Nội dung quan trọng của chương trình nhằm nâng chất, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể là chính sách hỗ trợ đưa lao động trẻ về làm việc tại tổ chức kinh tế tập thể. Người lao động có trình độ tốt nghiệp cao đẳng, đại học, sau đại học về làm việc tại các tổ chức kinh tế tập thể sẽ được hỗ trợ lương. Ngân sách địa phương hỗ trợ hàng tháng ít nhất bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng, tối đa 03 năm/người, tối đa 02 người/tổ chức kinh tế tập thể/năm.

Với đối tượng là các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã hoạt động trên tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân được hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường. Cụ thể: hỗ trợ kinh phí tham gia các hội chợ, triển lãm, diễn đàn trong và ngoài nước; chứng nhận chất lượng, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa, truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, chương trình còn hỗ trợ xây dựng một số trung tâm xúc tiến thương mại; hỗ trợ chi phí thuê địa điểm và vận hành một số điểm giới thiệu, bán sản phẩm cho các tổ chức kinh tế tập thể tại các địa phương; hỗ trợ xây dựng và triển khai sàn giao dịch thương mại điện tử cho các tổ chức kinh tế tập thể. Điều kiện để nhận được hỗ trợ là các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị, thực hành sản xuất xanh, OCOP (Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”).

Chương trình cũng hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm đối với các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp. Nội dung hỗ trợ bao gồm: Xây dựng nhà kho, xưởng phân loại và đóng gói sản phẩm, xưởng sơ chế, chế biến và mua sắm trang thiết bị phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm mang lại lợi ích cho cộng đồng thành viên. Xây dựng công trình thủy lợi, giao thông nội đồng trong lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp, diêm nghiệp; xây dựng công trình kết cấu hạ tầng vùng nuôi trồng thủy, hải sản bao gồm hệ thống cấp thoát nước đầu mối, đê bao, kè, đường giao thông, công trình xử lý nước thải chung đối với vùng nuôi trồng thủy sản… Điều kiện để nhận được hỗ trợ: Hợp tác xã căn cứ nhu cầu cần hỗ trợ đầu tư dự án xây dựng kết cấu hạ tầng hoặc chế biến sản phẩm có đơn đề nghị gửi ủy ban nhân dân cấp huyện nơi hợp tác xã tổ chức sản xuất, kinh doanh xem xét gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp chung. Căn cứ vào số lượng thành viên cụ thể, ưu tiên các hợp tác xã có số lượng thành viên lớn, sản xuất theo cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị; hợp tác xã hoạt động trên các địa bàn đặc biệt khó khăn.

Yến Ngọc

Tệp đính kèm
Tệp đính kèm ; 330_QD-UBND.signed.pdf