Giồng Riềng là huyện thuần nông, có 18 xã, 1 thị trấn, với 128 ấp, khu phố, hộ sản xuất nông nghiệp chiếm 80% tổng số hộ toàn huyện. Để phát huy thế mạnh của vùng, nâng cao thu nhập cho người dân, huyện đã tích cực phát triển nông nghiệp theo hướng khoa học, hiện đại.
Dấu ấn của liên kết hợp tác
Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, huyện Giồng Riềng khuyến khích các hộ nông dân tham gia vào các chuỗi liên kết, điển hình là các HTX, tổ hợp tác.
Các mô hình nông nghiệp ở huyện Giồng Riềng phát triển quy mô lớn nhờ chú trọng liên kết (Ảnh TL)
Theo thống kê, toàn huyện hiện có 81 HTX, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, HTX Nông nghiệp Tân Thuận Phát nổi lên là một HTX điển hình, mang lại lợi ích kép về kinh tế, môi trường.
Với tổng diện tích sản xuất lúa trên 100 ha, thành viên HTX áp dụng chương trình "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm" trong sản xuất.
Theo đó, diện tích lúa của HTX được chăm sóc theo quy trình quản lý cộng đồng, cùng nhau chăm sóc cây trồng, phòng trừ dịch bệnh nên hiệu quả gia tăng, chi phí giảm.
Cụ thể, trong quá trình sản xuất, thành viên HTX được tập huấn những kiến thức về việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, cách thu gom và tiêu hủy rác thải bao bì thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định.
Khi bón phân, HTX ưu tiên chọn các loại phân bón hữu cơ, vi sinh, phân chuồng ủ hoai, đồng thời tính toán kỹ lưỡng về liều lượng để vừa đảm bảo tốt cho quá trình sinh trưởng của cây, vừa giảm thiểu tồn dư ảnh hưởng đến môi trường đất, nước...
Nhờ sản xuất khoa học, thân thiện môi trường, mô hình trồng lúa trên cánh đồng lớn của HTX đảm bảo năng suất 7 - 9 tấn/ha, lợi nhuận bình quân 30 - 35 triệu đồng/ha/vụ.
HTX nông dân làm vườn ấp Chín Ghì, xã Ngọc Hòa, cũng đang là một điểm sáng về sản xuất nông nghiệp hiệu quả trên địa bàn huyện Giồng Riềng, nhờ phương thức sản xuất VietGAP, thân thiện môi trường.
Đảm bảo tính bền vững
Ông Nguyễn Văn Tân - Giám đốc HTX nông dân làm vườn ấp Chín Ghì cho hay, việc ứng dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP vừa cho sản phẩm ngon sạch, lại an toàn với môi trường và người lao động. Đặc biệt là có thể truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, từ đó sản phẩm có sức tiêu thụ lớn hơn với giá cao hơn gấp 2 - 3 lần.
Sản xuất VietGAP là hướng đi tất yếu đảm bảo tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp (Ảnh TL).
Bên cạnh việc gia tăng về giá trị hàng hóa, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đã góp phần làm thay đổi tư duy, nhận thức của người nông dân.
Những kết quả từ thực tế chứng minh định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn sinh học, ứng dụng hiệu quả khoa học - kỹ thuật trên địa bàn huyện Giồng Riềng là hoàn toàn đúng đắn, cần tiếp tục phát huy.
Đại diện UBND huyện Giồng Riềng khẳng định, việc trồng trọt theo quy chuẩn an toàn sạch thay cho các loại phân bón hữu cơ thường sử dụng không những đã góp phần nâng cao hơn giá trị sản phẩm mà chi phí sản xuất cũng giảm thấp rất nhiều.
Điều quan trọng hơn là nông dân đã nhận thức được lợi ích của sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP, hướng đến thị trường xuất khẩu trong tương lai.
Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực của địa phương như hồ tiêu, cây ăn quả, rau sạch… nhằm khuyến khích người dân phát triển theo hướng hiện đại, thân thiện môi trường.
Huyện cũng sẽ khuyến khích thành lập mới, phát huy hiệu quả của các HTX, tổ hợp tác, đồng thời thu hút các doanh nghiệp tham gia vào các mô hình sản xuất nông nghiệp, từ đó hình thành các chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người nông dân.