Nhìn chung kinh tế tập thể tỉnh tiếp tục có bước phát triển, các hợp tác xã, tổ hợp tác trong tỉnh duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ ổn định, xuất hiện một số mô hình điển hình, tiên tiến, kết quả sản xuất kinh doanh đạt trên cùng một đơn vị diện tích có mức thu nhập cao hơn so với hộ nông dân trên địa bàn; giải quyết được việc làm, thu nhập, lợi nhuận của người lao động ngày càng tăng lên so với trước và là lực lượng nòng cốt trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hình thành các liên kết giữa hợp tác xã với doanh nghiệp, giữa hợp tác xã với nông dân, thành viên trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số khó khăn như: phần lớn các hợp tác xã, tổ hợp tác có quy mô hoạt động nhỏ lẻ, thiếu vốn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, dịch vụ, việc tiếp cận nguồn vốn vay gặp nhiều khó khăn về thủ tục nên chưa mạnh dạn trong việc đầu tư đẩy mạnh phát triển sản xuất; các chính sách hỗ trợ đối với hợp tác xã triển khai thực hiện chưa kịp thời. Trình độ cán bộ quản lý của hợp tác xã vẫn còn hạn chế, năng lực hoạt động sản xuất, dịch vụ kinh doanh của hợp tác xã chưa đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường.
Do đó, trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn Luật Hợp tác xã 2012 và nâng cao nguồn nhân lực hợp tác xã. Tổ chức triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển hợp tác xã theo Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015-2020 đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014 và Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 21/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016-2020". Đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến sản phẩm. Từng bước mở rộng quy mô hoạt động của các hợp tác xã hoạt động có hiệu quả gắn với phát triển các hình thức liên kết giữa doanh nghiệp với hợp tác xã. Quan tâm chỉ đạo kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện liên kết giữa các hợp tác xã với doanh nghiệp, giữa hợp tác xã với hợp tác xã hoặc các hộ cá thể nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hợp tác xã, cải thiện đời sống thành viên và cộng đồng. Tăng cường năng lực cạnh tranh, tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm, qua đó nâng cao hiệu quả đóng góp của khu vực kinh tế tập thể vào tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh, góp phần thực hiện có hiệu quả xóa đói giảm nghèo bền vững. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cán bộ quản lý nhằm nâng cao năng lực tổ chức, điều hành, hoạt động kinh doanh cho hợp tác xã./.