Liên minh hợp tác xã Kiên Giang

Nuôi trồng thủy sản

Xem với cỡ chữAA

Đừng để thủy sản Việt khó trong, khó ngoài

(08:54 | 15/10/2020)

Khi sức tăng trưởng thấp do tác động kéo dài của dịch Covid-19, những vấn đề ở trong nước mà các doanh nghiệp ngành ngành thủy sản đang phải đối mặt như vướng mắc trong việc sử dụng mã số mã vạch với hàng xuất khẩu, siêu thị đòi tăng chiết khấu, áp lực kinh phí công đoàn... càng khiến cho họ thêm bí bách.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) mới đây đã có công văn gửi Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng và Bộ KH&CN, kiến nghị sửa đổi quy định về mã số mã vạch (MSMV) nước ngoài trên hàng xuất khẩu (XK) tại Nghị định 74/2018/NĐ-CP.

Vướng thủ tục, lo chiết khấu

Trước đó, liên quan đến vướng mắc về quy định đăng ký sử dụng MSMV nước ngoài trên bao bì hàng XK, nhiều doanh nghiệp (DN) thủy sản bày tỏ mong muốn cơ quan hải quan không xử phạt DN XK không có giấy ủy quyền hoặc giấy xác nhận sử dụng MSMV nước ngoài, và tự chịu trách nhiệm về việc này. 

 

HINH-4807-1602669183.jpg

DN thủy sản đang gặp nhiều áp lực, trong đó có việc một số siêu thị đòi tăng chiết khấu.

Mặt khác, một số ý kiến chỉ đạo đã được đưa ra là trong năm 2020 cần nghiên cứu, rà soát sửa đổi quy định MSMV nước ngoài trong Nghị định 74/2018/NĐ-CP.

Theo đó, đến tháng 6/2020, Tổng cục Hải quan đã có công văn về việc sử dụng MSMV nước ngoài đối với hàng XK, yêu cầu các cơ quan hải quan không kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến MSMV nước ngoài trên hàng XK. 

Biện pháp trước mắt này thực sự có ý nghĩa giúp DN thủy sản nói riêng và cộng đồng các DN XK nói chung tháo gỡ được những bất cập lớn khi không bị xử phạt vì quy định kể trên.

Tuy nhiên, theo Vasep, tại Mục IV Phụ lục II của Quyết định 1258/QĐ-TTg ngày 17/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Quyết định số 1254/QĐ-TTg ngày 26/9/2018 đã giao cho Bộ KH&CN sửa đổi Nghị định 74/2018/NĐ-CP trong quý III/2020, nhưng trong yêu cầu sửa đổi không có nội dung về MSMV nước ngoài cho hàng XK.

Chính vì vậy, trong công văn lần này, Vasep mong muốn Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính và Bộ KH&CN chỉ đạo giải quyết vướng mắc thông qua việc bổ sung yêu cầu bãi bỏ quy định về MSMV nước ngoài cho hàng XK tại Nghị định 74/2018 theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho hàng hóa XK của Việt Nam như thông lệ quốc tế đang thực thi.

“Điều này nhằm không tạo thêm các gánh nặng về thủ tục hành chính hay tạo ra các vướng mắc, ách tắc cho cộng đồng DN, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN XK của Việt Nam trên thị trường thế giới”, Vasep nhấn mạnh.

Đáng chú ý, thông tin mới đây cho thấy, trong tháng 10/2020, Vasep đã nhận được phản ánh của nhiều DN cung cấp hàng nội địa về việc một số siêu thị lớn đòi tăng tỷ lệ chiết khấu lên 16%-18%, thậm chí là 20% kèm thêm nhiều khuyến mãi hay giảm giá, hỗ trợ.

Khi nào hết khó?

Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, lãnh đạo một DN thủy sản bức xúc, việc siêu thị đòi tăng chiết khấu và tăng thêm các chương trình khuyến mãi là họ muốn tăng lợi nhuận về phần mình và muốn ép các DN thủy sản "vào đường cùng", phải chịu lỗ trong khi đang đối mặt nhiều khó khăn từ dịch Covid-19. 

Cần nhắc lại, vài năm trước, một hệ thống siêu thị ngoại lớn ở TP.HCM đã đòi tăng chiết khấu thêm 4,25%-5,5% lên mức 17%-25%, khiến cho nhiều DN thủy sản trong nước buộc phải ngưng hợp đồng.

Một số ý kiến cho rằng, trong bối cảnh sản xuất kinh doanh của DN thủy sản khó khăn như hiện nay, việc nâng tổng mức chiết khấu lên 16%-18% là quá sức chịu đựng của các DN. Các siêu thị đòi mức chiết khấu cao khiến DN thủy sản càng thêm khốn đốn, nếu chấp nhận thì sẽ thua lỗ.

Ngoài 2 vấn đề nêu trên, mới đây Vasep cùng 7 hiệp hội DN đã gửi công văn đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các bộ ngành có liên quan đóng góp và kiến nghị về Luật Công đoàn sửa đổi.

Theo đó, các hiệp hội này kiến nghị giảm kinh phí công đoàn xuống còn tối đa 1% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội và dùng toàn bộ kinh phí công đoàn chăm lo tốt hơn nữa cho người lao động. Đây là vấn đề gây mệt mỏi và đã kéo dài dai dẳng đối với các DN thuỷ sản trong nhiều năm qua.

Một khảo sát cho thấy mức tăng trưởng của ngành thủy sản Việt Nam trong quý III/2020 chỉ tăng 2,47%, thế nhưng vẫn cao hơn quý I và quý II. Do tác động của dịch Covid-19, XK thủy sản của Việt Nam trong quý I giảm 10% và tiếp tục giảm 7% trong quý II. Sang quý III, XK thủy sản mới tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 2,4 tỷ USD.

Theo nhận định, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, bùng phát đợt 3 tại một số thị trường, XK thủy sản của Việt Nam trong 3 tháng cuối năm chưa thể khởi sắc do nhu cầu giảm, sản xuất bị ảnh hưởng khiến nguyên liệu chế biến thiếu.

Dự báo XK thủy sản của Việt Nam 3 tháng cuối năm sẽ đạt khoảng 2,3 tỷ USD, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, XK tôm tăng 9%, đạt 1,1 tỷ USD; cá tra giảm 31%, đạt 365 triệu USD; các mặt hàng hải sản đạt khoảng 854 triệu USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Vì vậy, trước sức tăng trưởng thấp của ngành thuỷ sản do đối mặt nhiều khó khăn, ở khâu chính sách hay đầu ra trên "sân nhà" từ các chuỗi siêu thị, đừng để các DN thủy sản vừa “khó ngoài” cho đến “khó trong”.

Thùy Trang ( theo thoibaokinhdoanh.vn)