Liên minh hợp tác xã Kiên Giang

Chi bộ

Xem với cỡ chữAA

NHỮNG SỰ KIỆN, DẤU ẤN NỔI BẬT TỈNH KIÊN GIANG NĂM 2023

(14:13 | 03/01/2024)

Căn cứ Công văn số 230-CV/BTGĐUK, ngày 27/12/2023 của Ban Tuyên giáo Đảng ủy khối các cơ quan – Doanh nghiệp tỉnh về những sự kiện, dấu ấn nổi bật tỉnh Kiên Giang năm 2023 và Công văn số 1359-CV/BTGTU, ngày 25-12-2023 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về công bố 10 sự kiện, dấu ấn nổi bật của tỉnh Kiên Giang năm 2023.

Ban Biên tập Cổng thông tin điện tử Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kiên Giang xin đăng toàn văn những sự kiện, dấu ấn nổi bật tỉnh Kiên Giang năm 2023 (Có file tài liệu đính kèm).

1. Tỉnh ủy Kiên Giang đánh giá giữa nhiệm kỳ Đại hội XI Đảng bộ tỉnh đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.

Thực hiện nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh Kiên Giang nhiệm kỳ 2020 - 2025 trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, nhiều yếu tố phát sinh chưa có tiền lệ ảnh hưởng lớn đến kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhưng Tỉnh ủy và hệ thống chính trị tỉnh đã đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm cao, đề ra nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và đạt được kết quả kháấn tượng. Đa số các nhiệm vụ trọng tâm đều đạt và vượt tiến độ đề ra. Trong 27 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội, có 6 chỉ tiêu vượt, 14 chỉ tiêu đạt từ 50% trở lên.

2. Tổ chức công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ngày 23/12/2023, Tỉnh Kiên Giang tổ chức công bố Quyết định số 1289/QĐ-TTg, ngày 03/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quyết định này mở ra cơ hội, không gian phát triển mới và định hình các giá trị mới cho tỉnh Kiên Giang.

Theo Quyết định này, mục tiêu đến năm 2030, Kiên Giang là tỉnh có chất lượng sống cao của vùng đồng bằng sông Cửu Long, là trung tâm kinh tế biển của quốc gia. Các thành phố Rạch Giá - Hà Tiên - Phú Quốc là tam giác phát triển chính của nền kinh tế đô thị, thương mại và dịch vụ hướng biển. Trong đó, thành phố Phú Quốc là trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới; Rạch Giá là thành phố thương mại, dịch vụ xanh; thành phố Hà Tiên là đô thị di sản…

3. Tổ chức trọng thể sự kiện “50 năm chiến thắng trở về” tại thành phố Phú Quốc.

Lễ kỷ niệm 50 năm “Chiến thắng trở về” của các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam/Phú Quốc được tổ chức long trọng tại thành phố Phú Quốc vào sáng 26/3. Lễ được tổ chức nhằm tưởng niệm, tri ân anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh, qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và Nhân dân trong công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng và thiết thực chào mừng kỷ niệm 48 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2023); tăng cường giáo dục truyền thống hào hùng và anh dũng của các thế hệ ông cha, truyền lửa cách mạng, vun đắp tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng kiên cường cho các thế hệ người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ.

4. Kiên Giang có 24 xã được công nhận xã An toàn khu; liên huyện U Minh Thượng - An Minh - Vĩnh Thuận là vùng An toàn khu.

Sáng ngày 06/11, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công nhận xã an toàn khu, vùng an toàn khu thuộc tỉnh Kiên Giang. Qua hai lần được công nhận, Kiên Giang có tổng cộng 24 xã, thị trấn là xã an toàn khu và vùng an toàn khu. Huyện U Minh Thượng có 6/6 xã; huyện An Minh có 11/11 xã, thị trấn; huyện Vĩnh Thuận có 7/8 xã, thị trấn được công nhận xã an toàn khu. Vùng liên huyện U Minh Thượng thuộc tỉnh Kiên Giang là vùng an toàn khu của Trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Việc công nhận xã an toàn khu là cơ sở để Đảng và Nhà nước thực hiện các chính sách nhằm tri ân và nâng cao mức sống cả về vật chất và tinh thần, sức khỏe, giáo dục, văn hóa của người dân ở các xã an toàn khu bằng hoặc cao hơn mức trung bình chung của cả nước và từng địa phương.

5. Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực tại thành phố Rạch Giá được công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Tối ngày 10/10, tại thành phố Rạch Giá, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Kiên Giang long trọng tổ chức lễ khai mạc Lễ hội truyền thống Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực và đón nhận Bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lễ hội đình thần Nguyễn Trung Trực - Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang”.

Di tích lịch sử văn hóa quốc gia mộ và đình Nguyễn Trung Trực tại thành phố Rạch Giá (Kiên Giang) và Lễ hội truyền thống Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực đã có lịch sử hình thành hơn 100 năm. Việc trở thành di sản văn hóa vật thể và phi vật thể thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

6. Đảo ngọc Phú Quốc được nhiều tổ chức uy tín thế giới bình chọn “Điểm đến biển đảo thiên nhiên hàng đầu thế giới năm 2023”.

Thời gian qua, Đảo ngọc Phú Quốc liên tiếp được nhiều kênh truyền thông danh tiếng hàng đầu thế giới ngợi ca, bình chọn, vinh danh. Năm 2023, Tạp chí du lịch hàng đầu thế giới Travel+Leisure của Mỹ xếp Phú Quốc thứ 3 trong danh sách 23 điểm đến đáng đi du lịch nhất trong năm 2023, và ngợi ca Đảo ngọc Phú Quốc là “Ngôi sao mới của du lịch Việt Nam. Tạp chí Condé Nast Traveler của Mỹ vừa công bố danh sách giải thưởng “Reader’s Choice Awards 2023” và đảo Phú Quốc được xếp ở vị trí thứ 8 trong danh sách “10 hòn đảo du lịch hàng đầu châu Á năm 2023”. Tạp chí du lịch The Travel của Canada xếp hạng Phú Quốc đứng ở vị trí thứ 3 trong “17 hòn đảo có chi phí du lịch rẻ nhất thế giới”. Gần đây nhất, ngày 01/12, vượt qua nhiều ứng viên “nặng ký” là Ai Cập, Hy Lạp, Nhật Bản, UAE, Brazil và Armenia, Việt Nam lần thứ 4 đón nhận giải thưởng danh giá Điểm đến Di sản hàng đầu Thế giới, Việt Nam còn có 05 điểm đến cấp địa phương cũng được trao tặng hạng mục giải thưởng. Trong đó, Đảo ngọc Phú Quốc đạt danh hiệu “Điểm đến Biển đảo Thiên nhiên hàng đầu Thế giới 2023”…

7. Phối hợp tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa tại Kiên Giang.

Năm 2023, tỉnh Kiên Giang đã phối hợp tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa cấp quốc gia, khu vực như: Hội thi tuyên truyền 80 năm Đề cương Văn hóa Việt Nam ra đời. Thông qua Hội thi nhằm tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, về ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời đại, những giá trị to lớn, sự trường tồn và tầm ảnh hưởng của Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943.

Hội thi nằm trong chuỗi hoạt động văn hoá nghệ thuật hưởng ứng Lễ đón nhận Bằng di sản văn hoá phi vật thể quốc gia “Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực - Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang”, Liên hoan Ảnh Nghệ thuật khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long đã huy động được hầu hết những nghệ sĩ nhiếp ảnh của khu vực tham gia. Các tác phẩm đã bám sát thực tiễn, mang hơi thở của cuộc sống, phản ánh được những thế mạnh, đặc thù của từng địa phương trong khu vực, góp phần giới thiệu, quảng bá rộng rãi hình ảnh đất nước, con người, nâng cao đời sống tinh thần của người dân “vùng đất Chín Rồng” nói chung và Kiên Giang nói riêng.

Ngày 21/11, tại thành phố Phú Quốc, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Kiên Giang và Hội Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức triển lãm ảnh “Tự hào một dải biên cương” năm 2023. Triển lãm ảnh “Tự hào một dải biên cương” là dịp để tuyên truyền về công tác phân giới, cắm mốc và quản lý biên giới, nâng cao hiểu biết đối với chủ quyền biên giới lãnh thổ quốc gia, biên cương của Tổ quốc, góp phần quan trọng vào việc tạo đồng thuận, củng cố niềm tin, sự ủng hộ quý báu của các tầng lớp Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

8. Nhiều công trình lớn đã được đầu tư xây dựng để tưởng niệm, tri ân anh hùng liệt sĩ, người có công.

Năm 2023, tỉnh Kiên Giang đã triển khai đầu tư, xây dựng và tổ chức khánh thành nhiều công trình lớn, ghi dấu, có ý nghĩa, nhằm để các thế hệ hôm nay và mai sau tưởng niệm, tri ân anh hùng liệt sĩ, người có công, như Khu chứng tích chiến tranh Rừng tràm Bang Biện Phú và Đền tưởng niệm anh hùng liệt sĩ, người có công ở huyện Vĩnh Thuận; Nhà lưu niệm Lực lượng vũ trang tỉnh Kiên Giang tại huyện U Minh Thượng.

9. Kỷ niệm 40 năm thành lập huyện Kiên Hải, 30 năm thành lập xã đảo tiền tiêu Thổ Châu (thành phố Phú Quốc).

Sáng 12/4, huyện Kiên Hải long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm thành lập huyện (12/4/1983 - 12/4/2023). Huyện đảo Kiên Hải được thành lập theo Quyết định số 04-HĐBT, ngày 14/01/1983 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) trên cơ sở chia tách từ một số xã của huyện Hà Tiên và một số xã của huyện An Biên. Qua nhiều lần điều chỉnh, chia tách, đến nay huyện Kiên Hải có 4 xã là Hòn Tre, Lại Sơn, An Sơn và Nam Du, gần 18.000 người. Qua 40 năm hình thành, phát triển, kinh tế của huyện Kiên Hải phát triển ổn định, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm trên 14%; thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 62,5 triệu đồng, tăng 20,5 lần so khi mới thành lập.

Ngày 15/4, thành phố Phú Quốc long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập xã Thổ Châu (24/4/1993 - 24/4/2023). Thổ Châu là xã đảo tiền tiêu, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng- an ninh trên vùng biển Tây Nam và của vùng đồng bằng sông Cửu Long. 30 năm qua, đảng bộ, quân và dân xã đảo Thổ Châu đã đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế của xã đạt kết quả tích cực, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm tăng từ 10-12%. Tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo giảm còn 0,56%; thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 33 triệu đồng/người/năm.

10. Kiên Giang triển khai đồng bộ các chương trình, kế hoạch chuyển đổi số quốc gia

Nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Năm 2023, tỉnh Kiên Giang đã triển khai đồng bộ các chương trình, kế hoạch chuyển đổi số quốc gia, như: Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia - Ngày Chuyển đổi số tỉnh Kiên Giang năm 2023 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang (10/10) - Năm dữ liệu số quốc gia với chủ đề “Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị”.

Nhiều hoạt động cụ thể cũng được triển khai thực hiện như đẩy mạnh công tác truyền thông, hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia; Tỉnh đã tổ chức sơ kết các hoạt động chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025 ; Tổ chức Hội thảo An toàn thông tin và Diễn tập thực chiến bảo đảm an toàn thông tin năm 2023 nhằm đánh giá tình hình an toàn, an ninh thông tin ở các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, qua đó tiếp tục đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương . Ngoài ra còn tổ chức ra quân phổ biến, hỗ trợ ngưòi dân cài đặt, sử dụng sản phẩm dịch vụ số nhằm tổ chức triển khai các hoạt động tại địa bàn ở các xã, phường, thị trấn./.

Phan Minh Công

Tệp đính kèm
Tệp đính kèm ; Tài liệu tuyên truyền những sự kiện dấu ấn tỉnh Kiên Giang năm 2023.pdf