Liên minh hợp tác xã Kiên Giang

Nông nghiệp

Xem với cỡ chữAA

Đưa cán bộ trẻ về công tác tại HTX: Vừa mừng, vừa lo

(15:04 | 19/11/2018)

Theo thống kê, đến nay cả tỉnh có 298 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp. Tuy nhiên, chỉ có khoảng dưới 40% tổng số HTX hoạt động hiệu quả. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do chất lượng nguồn nhân lực tại các HTX rất hạn chế. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các HTX hoạt động kém hiệu quả, dẫn đến phải giải thể. Một trong những nguyên nhân là chất lượng nguồn nhân lực tại các HTX hiện nay rất thấp so với yêu cầu phát triển. Đáng chú ý khi đa số cán bộ HTX nông nghiệp chưa học hết THPT. Điều này dẫn đến việc quản lý và tổ chức sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Đây cũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới việc nhiều HTX nông nghiệp buộc phải giải thể, sáp nhập trong nhiều năm qua.

 

Bên cạnh chất lượng nguồn nhân lực, nhiều HTX hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ đầu vào, tính liên kết của các thành viên lỏng lẻo, thiếu định hướng, kế hoạch sản xuất cụ thể...Tuy nhiên, cũng đã có nhiều HTX nông nghiệp quan tâm, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực. Dù vậy, việc nâng cao chất lượng nhân sự tại các HTX nông nghiệp hiện nay nhìn chung vẫn là bài toán nan giải. Được động viên và tạo mọi điều kiện để làm việc, tuy nhiên, các HTX vẫn chưa thu hút được cán bộ trẻ. Điều này về lâu dài, sẽ khiến đội ngũ cán bộ nguồn bị thiếu hụt, khi các cán bộ HTX cao tuổi về nghỉ.

 

Đội ngũ cán bộ HTX hiện tại đều lớn tuổi, không có chuyên môn kỹ thuật

 

Trước tình trạng thiếu hụt nhân lực có chất xám, Bộ NN&PTNT đã xây dựng kế hoạch thực hiện thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc ở các HTX nông nghiệp. Bộ Tài chính cũng đã có Thông tư số 340 nhằm cụ thể hóa việc triển khai tại các địa phương theo Chương trình hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2015 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2261. 

 

Theo đó, từ nay tới năm 2020, sẽ hỗ trợ từ 3 - 5 HTX nông nghiệp tại mỗi tỉnh, TP; mỗi HTX có 3 lao động trình độ cao đẳng trở lên. Trước mắt trong năm 2018, thí điểm hỗ trợ một cán bộ chuyên môn hoặc kế toán cho mỗi HTX.

 

Các HTX thuộc diện ưu tiên hỗ trợ phải là HTX đã chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, có hoạt động liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản, có phương án sản xuất, kinh doanh cụ thể. Đồng thời, có phương án sử dụng lao động phù hợp, hiệu quả đối với cán bộ dự kiến tuyển dụng về làm việc cho HTX.

 

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, trình độ quản lý và chuyên môn nghiệp vụ của các cán bộ là một trong những yếu tố quan trọng nhất đối với mục tiêu phát triển các HTX thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Việc đưa những cán bộ trẻ, có trình độ về công tác tại các HTX sẽ góp phần thúc đẩy chuyển giao khoa học công nghệ, tri thức nông nghiệp, tạo động lực để các HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả hơn.

 

"Việc hỗ trợ cán bộ chuyên môn về làm việc ở các HTX nông nghiệp là cần thiết, nhưng phải xuất phát từ nhu cầu sản xuất, kinh doanh thực sự của các đơn vị và sẽ được kiểm soát chặt chẽ trên cơ sở đánh giá hiệu quả hàng năm, chứ không thực hiện tràn lan, gây lãng phí ngân sách Nhà nước" - Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

 

Đối với tỉnh Kiên Giang theo dự kiến sẽ đề nghị thí điểm 14 HTX nông nghiệp trên địa bàn 05 huyện: Tân Hiệp, An Biên, Châu Thành, Giồng Riềng và Gò Quao. Các HTX này đều năm trong chương trình đầu tư hỗ trợ theo Quyết định 445/QĐ-TTg ngày 21/3/2016 của Thủ Tướng Chính phủ về “Thí điểm, hoàn thiện và nhân rộng mô hình HTX kiểu mới tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 – 2020”.

 

Các HTX nông nghiệp thí điểm phải đang hoạt động theo Luật HTX năm 2012 và các quy định hiện hành của pháp Luật; có phương án sản xuất kinh doanh cụ thể, có hoạt động liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm vả nhu cầu sử dụng cán bộ trẻ có trình độ cao đẳng, đại học, có chuyên môn phù hợp để nâng cao hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX.

 

Cán bộ trẻ phải có tâm huyết, nguyện vọng về công tác tại các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đảm bảo có sự tham gia lãnh đạo chỉ đạo và kiểm tra, giám sát của cấp ủy, chính quyền địa phương.

 

Vừa mừng

Đưa những cán bộ khoa học kỹ thuật về HTX nhằm đẩy mạnh việc chuyển giao khoa học công nghệ, tri thức nông nghiệp cho thành viên, giúp HTX hoạt động sản xuất có hiệu quả. Bởi chính khoa học công nghệ là một trong những yếu tố cơ bản giúp HTX hoạt động hiệu quả. 

 

Việc thí điểm đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc cho HTX là một chủ trương đúng đắn. Bởi lẽ, thành viên HTX hiện nay chủ yếu là những cán bộ về hưu, nông dân lớn tuổi, không có chuyên môn và nắm bắt kịp thời các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Nếu có cán bộ trẻ hỗ trợ về kỹ thuật, thì hoạt động của các HTX sẽ thuận lợi hơn.

 

Xuất phát từ nhu cầu của các HTX nên các cán bộ khi về sẽ có cơ hội thể hiện, phát huy năng lực, từ đó có tâm huyết với HTX. Đây cũng là mô hình khởi nghiệp với các sinh viên khi tiếp cận vào HTX. Các bạn có cơ hội phát huy năng lực, gắn bó lâu dài, góp phần xây dựng hợp tác xã hoạt động hiệu quả. 

 

Theo yêu cầu, trước khi về HTX, các cán bộ trẻ sẽ được tập huấn, tìm hiểu rõ về HTX, những yêu cầu đặt ra của họ. Đây là giai đoạn thí điểm nên mỗi HTX sẽ tuyển chọn 1 cán bộ, mỗi tỉnh khoảng 5 HTX. Cuối năm 2018 sẽ có sơ kết đánh giá để năm 2019 có thể triển khai trên diện rộng cách làm này. 

 

Lại vừa lo

Thông tư số 340/2016/TT-BTC ngày 29-12-2016 của Bộ Tài chính về cơ chế tài chính hỗ trợ bồi dưỡng nguồn nhân lực HTX theo Chương trình hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2015-2020 đã quy định: Hỗ trợ mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại HTX. Mức hỗ trợ tối đa cho một HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp là 3 lao động. Những lao động này về làm việc tại HTX được Nhà nước hỗ trợ tiền lương hằng tháng bằng mức lương tối thiểu vùng được quy định với thời gian không quá 36 tháng. Đối với HTX phi nông nghiệp hỗ trợ bằng với mức lương tối thiểu vùng cùng thời gian 36 tháng nhưng chỉ tối đa được 1 cán bộ.   

 

Như vậy, sau khi hết thời hạn 36 tháng và không còn hỗ trợ của Nhà nước, liệu HTX có đủ khả năng trả lương bằng với mức hỗ trợ để giữ cán bộ ở lại không; đồng thời, cán bộ trẻ có muốn gắn bó lâu dài trong khi tiềm lực của HTX vẫn còn nhiều hạn chế. Do vậy, ngoài việc quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, các HTX phải vươn lên sản xuất, kinh doanh có hiệu quả mới thu hút được nguồn nhân lực có chất lượng.

 

Thực trạng có thấy nhiểu HTX từng nhận cán bộ trẻ về làm việc, tuy nhiên, khi có việc mới là họ bỏ việc tại HTX ngay. Sự thành bại của HTX đều ở công tác cán bộ, vì vậy việc đổi mới cán bộ, thu hút các cán bộ trẻ, có năng lực về các HTX là một trong những việc làm cấp bách. Tuy nhiên, hiện nay, tốc độ thu hút cán bộ trẻ của HTX vẫn còn quá chậm. Nguyên nhân chính là do mức lương tại các HTX quá thấp, không đủ để trang trải cuộc sống. Vì vậy, ngoài sự hỗ trợ của tỉnh thì các địa phương cần có cơ chế, chính sách riêng để khuyến khích cho các cán bộ HTX có năng lực, trả lương cho cán bộ HTX dựa theo doanh thu để kịp thời động viên cũng như thu hút cán bộ về HTX.

 

Mức lương quá thấp, khiến nhiều cán bộ trẻ làm việc trong HTX bỏ việc

 

Hiện nay, hướng tới mục tiêu đến năm 2020 có 15 nghìn HTX hoạt động có hiệu quả. Vì vậy, với việc triển khai thí điểm đưa cán bộ trẻ, cán bộ khoa học kỹ thuật về công tác tại các HTX kỳ vọng sẽ giúp cho các HTX trong việc chuyển giao khoa học công nghệ, kỹ thuật, tri thức nông nghiệp cho các thành viên HTX. Qua đó, nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX, góp phần thúc đẩy việc xây dựng, phát triển các HTX nông nghiệp.

 

Thành Trăm