Sau khi Luật Hợp tác xã năm 2012 ra đời, các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Kiên Giang như được thay cho mình “chiếc áo mới”. Nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi hơn để HTX phát triển một cách bền vững. Đặc biệt, các HTX nông nghiệp trong những năm gần đây đã đạt nhiều thành tựu quan trọng khi áp dụng tiến bộ KHKT vào chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, giống cây trồng, vật nuôi nhằm tăng giá trị sản xuất. Tuy nhiên, nhiều HTX sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn. Thay “chiếc áo mới” cho HTX là một giải pháp quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.
Chính vì thế, việc thay “chiếc áo mới” có nghĩa là xây dựng HTX kiểu mới như hiện nay sẽ giúp HTX tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vì hộ sản xuất đơn lẻ không có nhãn hiệu hàng hóa, không đủ tư cách pháp nhân, khối lượng hàng hóa không đủ lớn để liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Có HTX kiểu mới sẽ tổ chức sản xuất với khối lượng hàng hóa lớn, có tư cách pháp nhân để liên kết với các doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, ổn định được đầu ra, giá nông sản được nâng lên, góp phần tăng thu nhập cho người dân.
HTX kiểu mới sẽ tổ chức sản xuất với khối lượng hàng hóa lớn
Yêu cầu chính của các HTX hiện nay phải hiểu sản xuất hàng hóa là làm ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường, xuất phát từ nền kinh tế thị trường, quy luật cạnh tranh thì sản phẩm phải sạch, giá cả hợp lý, chất lượng tốt, quy trình sản xuất phải đảm bảo và tất nhiên HTX kiểu mới sẽ đáp ứng được điều này. Việc củng cố HTX theo Luật 2012 sẽ giải quyết được những vấn đề trên một cách tốt nhất.
Có thể nói, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển khá, song còn mang tính chất manh mún, dàn trải thiếu sự tập trung thành vùng chuyên canh lớn gắn với thâm canh cao; giá các loại nông sản còn thấp, hiệu quả kinh tế chưa cao; sản xuất hàng hóa chưa thực sự gắn liền với công nghệ chế biến và thị trường đầu ra; chất lượng nông sản chưa được coi trọng, tính cạnh tranh chưa cao. Việc xây dựng thương hiệu còn gặp nhiều khó khăn, phần lớn người dân tự lo đầu ra cho sản phẩm nên giá thành không cao. Người dân vẫn chủ yếu bán rong hoặc bán tại các chợ chứ chưa vào được các siêu thị với số lượng lớn.
Sản phẩm của HTX đa dạng nhưng chưa xây dựng được thương hiệu nên khó có thị trường đầu ra ổn định
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh cũng đã phát triển mạnh với việc nuôi cá lồng bè, điển hình như: Nam Du, An Sơn, Lại Sơn, Hòn Tre (huyện Kiên Hải), Tiên Hải (thị xã Hà Tiên), Hòn Nghệ, Sơn Hải (huyện Kiên Lương) nhưng quy trình sản xuất không thống nhất, không liên kết được với nhau nên chưa thực sự phát triển bền vững. Trong sản xuất lương thực, nhiều địa phương đang đẩy mạnh phát triển sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hàng hóa như: Hòn Đất, Kiên Lương, Tân Hiệp… tuy nhiên khi tiêu thụ sản phẩm vẫn do người dân tự tìm cách bán cho thương lái thu mua gom nên giá bấp bênh, đầu ra không ổn định sẽ khó khăn nếu mở rộng sản xuất với quy mô lớn.
Nhiều hộ nuôi cá lồng bè trên biển phải tự tìm đầu ra, giá cả bấp bênh không ổn định
Tỉnh Kiên Giang là tỉnh chuyên về sản xuất nông nghiệp, nếu không vào HTX, sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa người nông dân sẽ bị bỏ rơi, không có vị thế, không cạnh tranh được với nền kinh tế thị trường. Như vậy ảnh hưởng lớn đến đại bộ phận người dân ở nông thôn cả về kinh tế và an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. HTX Nông nghiệp Thạnh Hòa, xã Mong Thọ A; HTX Nông nghiệp Tân Hưng, xã Giục Tượng - huyện Châu Thành là một điển hình của HTX kiểu mới. Sau khi chuyển đổi theo Luật HTX 2012, HTX đã mạnh dạn đổi mới tổ chức lại sản xuất, liên kết với các công ty trong và ngoài tỉnh để tổ chức sản xuất lúa giống nguyên chủng và lúa chất lượng cao với quy mô lớn, vừa tạo việc làm, có thu nhập ổn định cho các thành viên nên HTX đã giúp các hộ thành viên có thu nhập tăng nhiều lần so với ban đầu.
Nhiều HTX hoạt động có hiệu quả sau khi chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012
Phát triển HTX kiểu mới là đòn bẩy và sẽ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, vì vậy cần sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị. Các cấp, các ngành, đoàn thể cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền để các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức về HTX kiểu mới. Thực hiện tốt các chính sách về nguồn nhân lực: Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng quản lý cho đội ngũ cán bộ quản lý HTX, thu hút các cán bộ trẻ, có trình độ về làm việc tại các HTX… Đồng thời, thực hiện tốt chính sách khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn nhằm hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản cho nông dân thông qua HTX.
Cần tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng quản lý cho đội ngũ cán bộ quản lý HTX
Muốn đột phá trong sản xuất và xây dựng HTX kiểu mới hiệu quả cần đẩy mạnh việc thực hiện dồn đổi ruộng đất tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung đáp ứng nhu cầu của thị trường, nâng cao thu nhập và gắn kết được các thành viên để HTX kiểu mới ngày càng phát triển. Đặc biệt cần huy động tối đa nguồn lực của HTX, chú trọng nội lực của các thành viên, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung.
Hiện nay, có hơn 370 HTX trên địa bàn tỉnh hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy số HTX hoạt động có hiệu quả còn rất ít. Đa số các HTX, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp ở trên địa bàn tỉnh quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Điều đó đã hạn chế rất nhiều đến khả năng cung ứng sản phẩm đều đặn cho thị trường. Ví dụ như một số HTX trồng rau màu diện tích đất sản xuất quá nhỏ, chủ yếu là trồng trong vườn nhà. Một số doanh nghiệp, đặt vấn đề bao tiêu sản phẩm với điều kiện phải cung ứng hàng đều đặn theo quy định của họ nhưng HTX không thể đáp ứng nổi. Một nguyên nhân khác khiến các HTX, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp hiện nay vẫn chưa thể phát triển mạnh là cơ sở hạ tầng ở các vùng sản xuất vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất thâm canh, quy mô lớn. Hệ thống giao thông nội đồng, giao thông nông thôn ở nhiều nơi đã xuống cấp, diện tích đất sản xuất manh mún khiến khó có thể đưa cơ giới vào sản xuất.
Điều đáng quan tâm hiện nay là ở một số địa phương, ngay Ban quản lý HTX cũng còn nhiều lúng túng, thậm chí trình độ đã không còn phù hợp, không có sự năng động, đổi mới theo kịp quy luật vận động của cơ chế kinh tế thị trường nên không có khả năng liên kết với doanh nghiệp để có thị trường ổn định. Sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa hiện nay, một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu là phải quan tâm đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Người sản xuất rất cần được hướng dẫn kỹ thuật, tư vấn hợp lý bởi đây là vấn đề quyết định đến việc sản phẩm của họ có tồn tại được hay không khi người tiêu dùng ngày càng có nhiều sự lựa chọn. Thế nhưng, hầu như người sản xuất hiện nay đều phải tìm sự tư vấn từ người bán hàng, hoặc xử lý theo kinh nghiệm. Đã đến lúc HTX cần phát huy cao độ khi khoác cho mình “chiếc áo mới” để phù hợp với quy luật vận động của thị trường, có như vậy HTX mới phát triển một cách bền vững và ổn định lâu dài.