Liên minh hợp tác xã Kiên Giang

Điểm tin

Xem với cỡ chữAA

Tạo nguồn lực cho hợp tác xã nông nghiệp (Tiếp theo và hết)

(09:02 | 31/08/2018)

Ðể vực dậy và tạo luồng sinh khí mới cho các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, cần tận dụng mọi nguồn lực tạo vốn; nâng cao năng lực các HTX tiếp cận vốn vay; đẩy mạnh xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của địa phương và của vùng miền. Cần tranh thủ các nguồn lực tài chính từ hệ thống Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX ở Trung ương và các địa phương, cũng như tranh thủ vốn giá rẻ từ hệ thống ngân hàng thương mại…

     Bài 2: Liên kết chuỗi để phát triển

     Nâng cao khả năng quản trị sản xuất, kinh doanh

     Nhìn một cách tổng thể, tình trạng khó khăn trong nguồn vốn đổ về khu vực HTX nông nghiệp xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Trước hết là nguồn tài chính của các quỹ phát triển HTX khá hạn hẹp.

    Tính đến hết tháng 6-2018, cả nước có 39 liên hiệp HTX và 12.596 HTX đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Thế nhưng, chỉ có 1% trong số HTX này tiếp cận được nguồn vốn tín dụng từ các quỹ phát triển HTX. Theo đánh giá của Liên minh HTX Việt Nam, các HTX luôn trong thế bị động về vốn bởi nguồn quỹ dành cho phát triển HTX quá nghèo nàn. Tính đến cuối năm 2017, vốn điều lệ thực có (được ngân sách nhà nước cấp và tự tích lũy) của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Trung ương là 136 tỷ đồng. Trong quá trình xét duyệt hồ sơ cho vay, Quỹ Trung ương đạt doanh số hơn 235 tỷ đồng, dư nợ 96 tỷ đồng. Ðối với 43 quỹ hỗ trợ phát triển HTX địa phương, tổng vốn điều lệ là 1.500 tỷ đồng, sau xét duyệt cho vay đạt tổng doanh số hơn 10.400 tỷ đồng, dư nợ 1.314 tỷ đồng.

     

Thành viên HTX rau - quả sạch Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) thu hoạch cà chua.

(Ảnh: QUANG MINH)

     Mặt khác, theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo, vấn đề không tiếp cận được vốn là từ hai phía. Quy mô HTX hiện vẫn còn nhỏ, tài chính của một số HTX chưa minh bạch và khả năng quản trị sản xuất, kinh doanh còn hạn chế. Thí dụ, theo quy định các quỹ hỗ trợ HTX, để tiếp cận được nguồn vốn vay, các HTX phải có phương án kinh doanh cụ thể, báo cáo tài chính trong hai năm hoạt động trước đó và kế hoạch thu hồi vốn hiệu quả. Thế nhưng, hầu như rất ít HTX có khả năng lập một phương án sản xuất, kinh doanh đúng theo yêu cầu của hồ sơ đăng ký để có thể "vượt rào" vay vốn.

     Giám đốc Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Ðồng Tháp Huỳnh Kim Khuê cho biết, Quỹ chỉ xét duyệt cho các HTX vay vốn tín dụng theo hai hình thức. Ðó là HTX phải trình được phương án sản xuất, kinh doanh và thời gian hoàn vốn sớm nhất để có thể sinh lợi nhuận sau đó. Hoặc sẽ cho vay bằng hình thức thanh toán trực tiếp cho bên thứ ba (bên cung ứng, lắp đặt thiết bị sản xuất cho HTX) theo từng đợt thanh toán hợp đồng lắp đặt thiết bị. Tuy nhiên, hầu như Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Ðồng Tháp chỉ cho vay theo trường hợp thứ hai. Với trường hợp thứ nhất, rất ít HTX có thể trình được phương án sản xuất và kinh doanh hiệu quả.

     Theo quy định, Quỹ đầu tư phát triển phải có phương án cho vay và thu hồi vốn vay hiệu quả trong nguồn quỹ trên dưới 10 tỷ đồng. Do đó, HTX cũng phải có một phương án sản xuất, kinh doanh bảo đảm, thay cho các loại tài sản thế chấp như vay vốn từ ngân hàng.

     Qua khảo sát của chúng tôi, vì những lý do nêu trên, số lượng HTX nông nghiệp được tiếp cận vốn vay thuận lợi không nhiều. Hầu hết đều do ban quản trị HTX tự thế chấp tài sản cá nhân để huy động nguồn vốn cho HTX. Có trường hợp HTX có tài sản riêng là bất động sản, nhưng mức vốn huy động được lại thấp hơn so với giá trị tài sản, cũng đã gây không ít khó khăn cho các HTX này.

    Tranh thủ mọi nguồn lực

    Theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo, hiện nay, tổng số vốn điều lệ của các HTX vào khoảng 34 nghìn tỷ đồng và tổng tài sản đến cuối tháng 3 xấp xỉ 80 nghìn tỷ đồng. Ðiều này có nghĩa là một đồng vốn điều lệ của HTX thu hút được gần ba đồng vốn từ thị trường. Số vốn này có thể là vốn từ bà con thân hữu, các tổ chức tín dụng, quỹ phát triển của Liên minh HTX hoặc vốn từ việc liên kết với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, các HTX huy động nguồn lực từ mình là chính.

     Trong bối cảnh như vậy, ngoài sự hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách vai trò của hệ thống các tổ chức tín dụng cần được phát huy. Ở đây, ngoài quỹ hỗ trợ phát triển HTX có thể chỉ tên một số tổ chức tín dụng khác như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng Hợp tác xã, các quỹ tín dụng nhân dân và gần đây là một số ngân hàng thương mại cổ phần cũng quan tâm và có ý định đầu tư lâu dài vào cho khu vực HTX nông nghiệp.

     Trước hết, nguồn vốn chủ lưu thuộc về "đầu tàu" là Ngân hàng Hợp tác xã trong việc cung ứng và hỗ trợ vốn cho các HTX nông nghiệp. Tính đến ngày 31-12-2017, hệ thống tổ chức tín dụng là HTX gồm Ngân hàng Hợp tác xã có 32 chi nhánh (với tổng nguồn vốn gần 30 nghìn tỷ đồng, dư nợ cho vay hơn 20 nghìn tỷ đồng) và gần 1.200 quỹ tín dụng nhân dân với khoảng hai triệu thành viên, hoạt động ở 57 trong số 63 tỉnh, thành phố với tổng nguồn vốn hơn 100 nghìn tỷ đồng, dư nợ cho vay gần 80 nghìn tỷ đồng, phục vụ gần hai triệu thành viên, trong đó hầu hết các thành viên này thuộc diện khó tiếp cận với các tổ chức tín dụng khác, nhiều đối tượng vay vốn thuộc diện người nghèo tại nhiều xã thuộc vùng sâu, vùng xa. Ðáng chú ý, nhiều HTX nông nghiệp đã được hỗ trợ tốt từ nguồn tín dụng này. Thí dụ, tại tỉnh Tiền Giang hiện có 16 quỹ tín dụng nhân dân với 17.349 thành viên, tổng nguồn vốn hoạt động 882,6 tỷ đồng, vốn huy động đạt 771 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu vay cho 7.912 thành viên, dư nợ hơn 610 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là cho vay ngắn hạn đối với thành viên là HTX, hộ nông dân sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản. Doanh thu bảy tháng năm 2018 đạt hơn 89 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ.

     Ngoài các tổ chức tín dụng "quốc doanh", gần đây một số ngân hàng thương mại cũng bắt đầu đầu tư vào mảng HTX nông nghiệp. Tháng 5-2018, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) hợp tác với chương trình hỗ trợ tài chính cho các HTX, theo đó các nhà tài trợ đồng hành với SCB để thành lập một quỹ để hỗ trợ cho các thành viên. Quỹ này sẽ là vốn đối ứng và hỗ trợ một phần lãi suất, giúp nông dân tiếp cận nguồn vốn có chi phí thấp, bình quân mức cho vay là khoảng 5 đến 7%/năm. Quy mô vốn của SCB có đến 400 nghìn tỷ đồng. Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB Võ Tấn Hoàng Văn cho biết, sẽ tổ chức mô hình chuỗi giá trị nông sản cho các HTX, từ vật tư đầu vào, tổ chức sản xuất cho đến khâu chế biến và tiêu thụ, bao tiêu đầu ra. Tiêu chí cho các xã viên về vay vốn là họ phải tham gia chuỗi giá trị mới được hỗ trợ về kỹ thuật, công nghệ, phân bón, con giống và đầu ra…

     Nguồn vốn hỗ trợ cho các HTX cũng có thể khai thác thêm từ các tổ chức khác. Theo Cục trưởng Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú, trong thời gian qua, chương trình xúc tiến thương mại quốc gia hỗ trợ nguồn kinh phí quan trọng cho các hiệp hội ngành hàng, hỗ trợ các doanh nghiệp, ngành hàng quảng bá sản phẩm, thương hiệu đến người tiêu dùng và bạn hàng trong nước và quốc tế tại các sự kiện xúc tiến thương mại chuyên ngành tổ chức tại Việt Nam và nước ngoài. Từ năm 2011 đến nay, Liên minh HTX Việt Nam đã làm đơn vị chủ trì bảy đề án trong khuôn khổ Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia với kinh phí được phê duyệt gần 14 tỷ đồng, hỗ trợ gần 100 HTX, doanh nghiệp trên cả nước tham gia các hội chợ, triển lãm thương mại quốc tế trong nước và một số thị trường mục tiêu tại nước ngoài như I-ta-li-a, Ðức…

     Ðáng chú ý, hiện một số địa phương đã triển khai kế hoạch thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển HTX trên địa bàn. Liên minh HTX tỉnh Tiền Giang hướng dẫn HTX, tổ hợp tác xây dựng phương án kinh doanh để vay vốn từ nguồn vốn của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, Quỹ quốc gia giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam; tiếp cận các nguồn vốn từ ngân hàng, quỹ, các tổ chức phi chính phủ; kiến nghị cấp trên đơn giản hóa thủ tục vay vốn và có chính sách ưu đãi cụ thể hỗ trợ HTX cần vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Năm 2019, dự kiến hỗ trợ cho 12 HTX vay từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX vay tổng số vốn hơn sáu tỷ đồng.

     Với tất cả những giải pháp, công cụ tài chính cũng như nguồn lực từ Trung ương đến địa phương, từ các ngành, các cấp như vậy, hy vọng dòng tín dụng dành cho khối HTX nông nghiệp sẽ vượt qua tình trạng khô hạn, đáp ứng được nhu cầu phát triển của các HTX nông nghiệp trong giai đoạn hiện tại và yêu cầu phát triển 15.000 HTX nông nghiệp và HTX nông nghiệp công nghệ cao từ nay đến năm 2020 và giai đoạn tiếp theo.

Yến Ngọc (theo Báo Nhân dân)