Liên minh hợp tác xã Kiên Giang

Kinh tế - Hợp tác

Xem với cỡ chữAA

Kiên Lương: Đẩy mạnh liên kết tiêu thụ sản phẩm trong hợp tác xã

(10:14 | 20/08/2018)

Trong thời gian qua Ban chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể (KTTT) huyện Kiên Lương đã xây dựng kế hoạch thực hiện, tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế hợp tác. Nhiều mô hình hoạt động có hiệu quả, giảm chi phí, mang lại lợi nhuận cao cho thành viên. Tại Hội nghị sơ kết tình hình phát KTTT 6 tháng đầu năm 2018, đồng chí Lê Thanh Hưởng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, Phó trưởng Ban chỉ đạo phát triển KTTT huyện đánh giá "Vấn đề liên kết với doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho thành viên vẫn còn rất hạn chế và đây cũng là mục tiêu mà Ban chỉ đạo huyện phải phấn đấu thực hiện tốt hơn trong thời gian tới".

 

Theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm 2018 huyện đã duy trì ổn định hoạt động của các mô hình KTTT. Qua đó đã thành lập mới 3 hợp tác xã (HTX), nâng tổng số HTX trên địa bàn huyện lên 17 HTX; thành lập mới 4 tổ hợp tác (THT), nâng tổng số THT lên 33 THT. Số thành viên là 1.963, với diện tích 6.638 ha, tỷ lệ nông hộ tham gia vào KTTT đạt 17,8%. Thực hiện cánh đồng lớn diện tích 820 ha với số tiền 2,46 tỷ đồng tại 03 THT và 02 HTX ở 3 xã Kiên Bình, Hòa Điền và Bình Trị.

 

Ngoài các HTX hoạt động lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản còn có HTX Giao thông vận tải Kiên Tân và Quỹ tín dụng nhân dân Bình An hoạt động rất hiệu quả cả về mặt tổ chức quản lý, điều hành, sản xuất kinh doanh. Lợi nhuận 6 tháng đầu năm của Quỹ tín dụng nhân dân Bình An là 1.216 triệu đồng, giúp cải thiện đời sống cho thành viên và góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

 

Đại biểu thảo luận tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2018

 

Có thể thấy tình hình xây dựng và phát triển kinh tế hợp tác trong huyện từng bước nâng lên về chất lượng; có hiệu quả ở một số khâu sản xuất nông nghiệp; đưa giống mới vào sản xuất; thực hiện trạm bơm điện trong sản xuất lúa; áp dụng tốt việc chuyển giao khoa học kỹ thuật; thực hiện tốt một số khâu trong sản xuất, bảo vệ, khai thác bãi giống nhuyễn thể hai mảnh vỏ… làm giảm một phần chi phí sản xuất, bước đầu đã mang lại lợi nhuận cho thành viên.

 

Đạt được những kết quả trên là do có những chủ trương, chính sách đúng đắn của Nhà nước; được sự quan tâm chỉ đạo của các ngành, các cấp về xây dựng phát triển kinh tế hợp tác; UBND các xã, thị đã cụ thể hóa bằng kế hoạch, thực hiện theo tình hình thực tế của từng cơ sở; công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn được tổ chức đến nhân dân; sự ủng hộ đồng tình của một bộ phận nông dân tự nguyện tham gia hợp tác ở một số khâu trong sản xuất.

 

Tuy nhiên, tình hình KTTT huyện vẫn còn một số hạn chế nhất định như việc phát triển các mô hình mới còn chậm, số lượng nông hộ tham gia kinh tế hợp tác còn thấp; bộ máy quản lý điều hành của HTX hoạt động còn yếu chưa đi vào nề nếp. Đa số các mô hình KTTT hoạt động quy mô nhỏ, thiếu vốn đầu tư sản xuất kinh doanh; công tác tuyên truyền chưa được sâu rộng, chưa duy trì thường xuyên và chưa mở rộng đến các đối tượng như: nông dân, hội viên, từ đó một số người dân chưa hiểu được bản chất của mô hình kinh tế hợp tác kiểu mới. Đặc biệt, các HTX đồng quản lý hiện tại không còn diện tích mặt nước để quản lý khai thác nên hoạt động cầm chừng.

 

Nguyên nhân là do một số nơi chính quyền cơ sở chưa thật sự quan tâm đến phát triển kinh tế hợp tác; các ban, ngành, mặt trận, đoàn thể chưa đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân tự nguyện tham gia THT, HTX. Bên cạnh đó tư tưởng người dân còn suy nghĩ theo mô hình HTX kiểu cũ, chưa hiểu được nội dung của mô hình HTX kiểu mới; do ảnh hưởng các HTX đồng quản lý (một vài HTX chưa thực hiện đúng quy định dẫn đến bị thanh tra kiểm tra)… Từ đó nông dân còn ngại tham gia vào kinh tế hợp tác.

 

Trong thời gian tới huyện sẽ tập trung xây dựng các HTX, THT gắn với đẩy mạnh liên kết doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho thành viên. Cũng cố kiện toàn Ban chỉ đạo phát triển KTTT cấp xã, thường xuyên hỗ trợ, nâng chất lượng hoạt động của các HTX, THT nhất là các HTX, THT mới thành lập.

 

Nâng cao vai trò của Mặt trận, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động, nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân và tự nguyện tham gia KTTT nâng tỷ lệ số nông hộ tham gia vào KTTT đảm bảo theo kế hoạch.

 

Tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ cho các mô hình kinh tế hợp tác thuộc chương trình, dự án theo Nghị định 35 của Chính phủ. Đưa các mô hình của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chi cục Chăn nuôi -Thú y vào các tổ chức kinh tế hợp tác. Hỗ trợ trực tiếp vốn, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, giống cây con mới có chất lượng cao để tạo nên đột phá, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, tăng lợi thế so sánh giữa KTTT và tự sản xuất nhỏ lẻ. Tiếp tục thực hiện mô hình cánh đồng lớn và trạm bơm điện cho các HTX và THT.

 

Phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh mở các lớp tập huấn nghiệp vụ về điều hành hoạt động HTX cho Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc các HTX trên địa bàn huyện. Đánh giá, phân loại các HTX, THT hàng năm đảm bảo khách quan và đúng thực chất, qua đó khen thưởng các mô hình hoạt động hiệu quả để điển hình và nhân rộng.

 

 

Thành Trăm