Muốn có một nền nông nghiệp sạch, an toàn và phát triển bền vững, ngoài yếu tố gián tiếp là khoa học, kỹ thuật thì vấn đề có tích chất quyết định là người nông dân và doanh nghiệp phải bắt tay nhau tạo thành một vòng tròn khép kín. Trong đó, Nhà nước chỉ đóng vai trò bà đỡ…
Nông dân phải là trung tâm
Sau hàng loạt vấn nạn thực phẩm bẩn bị cơ quan chức năng phát hiện và xử lý, hiện nay người nông dân sản xuất đã bắt đầu ý thức hơn về việc thực hiện và đảm bảo ATTP. Đặc biệt, xu thế thực hiện và đảm bảo sản phẩm ATTP cũng đã thay đổi trong nhận thức và hành động của người dân.
An toàn thực phẩm là cuộc chơi chung của người nông dân và doanh nghiệp
Cụ thể, để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, vật nuôi, hiện nay nhiều hộ nông dân đã chủ động tham gia vào các Hợp tác xã (HTX), chuỗi liên kết cung cầu…thậm chí, nhiều hộ dân còn chủ động chăn nuôi, trồng trọt theo tiêu chuẩn VietGap hay GlobolGap nhằm kiểm soát được chất lượng sản phẩm, sản phẩm có thể truy xuất được nguồn gốc.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, người dân chủ động thay đổi sản xuất từ mô hình truyền thống sang mô hình sản xuất an toàn, đảm bảo nguồn gốc, chất lượng…đó là sự thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức của người dân.
Và để phát triển một cách bền vững, thì không có con đường nào khác đó là người nông dân phải chủ động liên kết với nhau. Do đó, HTX chính là đơn vị kết nối hàng trăm, hàng nghìn hộ nông dân, nhằm đảm bảo được nguồn cung, nguồn thực phẩm ổn định, đa dạng và an toàn để cung cấp cho các doanh nghiệp phân phối đến người tiêu dùng.
Đề cập đến sự thay đổi tích cực trong nhận thức của người nông dân, ông Trần Mạnh Chiến, Giám đốc chất lượng sản phẩm của chuỗi cửa hàng thực phẩm Bác Tôm bộc bạch, trước đây khi thực hiện nghiên cứu và thực hiện đưa nông sản vùng cao về thành phố nhằm mục tiêu xoá đói giảm nghèo, ông Chiến bắt đầu tổ chức hội thảo mời bà con nông dân đến phổ biến và hướng dẫn chuyển đổi mô hình sản xuất sang hiện đại.
Thế nhưng, khó khăn đầu tiên mà ông Chiến vấp phải đó là việc thuyết phục bà con nông dân chuyển đổi mô hình sản xuất và khó khăn thứ hai là thuyết phục người tiêu dùng tin mình.
“Đối với sản xuất nông nghiệp, doanh nghiệp thương mại cần gắn kết bà con với doanh nghiệp, sát cánh cùng bà con, thuyết phục họ từ khi sản xuất đến thu hoạch, đặc biệt làm sao để thu mua ổn định đầu ra cho sản phẩm nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định. Vì thế, việc người dân chuyển đổi mô hình sản xuất từ truyền thống sang an toàn là điều rất đáng khích lệ và cực kỳ quan trọng trong việc xây dựng và phát triển thị trường, thương hiệu thực phẩm an toàn”, ông Chiến nhấn mạnh.
Cùng quan điểm với ông Chiến, ông Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Liên hiệp tiêu thụ Nông sản an toàn Việt Nam cũng khẳng định, việc thay đổi tư duy của bà con nông dân trong HTX chuyển đổi từ sản xuất truyền thống, sang sản xuất an toàn là cực kỳ vất vả. Bởi lẽ, hiện HTX có hơn 300 thành viên trên cả nước và các sản phẩm cung ứng đủ các thành phần từ rau, củ, quả cho đến thịt, cá…vì thế, để bà con thay đổi một cách chủ động, bên cạnh việc thuyết phục bằng việc làm cụ thể, lợi ích cụ thể, thì phải hướng dẫn bà con làm sao thực hiện sản xuất đảm bảo ATTP.
“Mưa dầm thấm lâu, đó là phương án khả thi nhất. Với cách làm này, hiện nay bà con tham gia làm thành viên của HTX tăng lên rất nhanh, kéo theo đó là tư duy và xu thế thực hiện ATTP cũng đã thay đổi trong suy nghĩ của bà con, đây là sự thay đổi lớn và cần thiết”, ông Tuấn cho hay.
“Cuộc chơi” chung của người dân và doanh nghiệp
Đối với các doanh nghiệp, việc giữ vững thương hiệu ATTP là việc làm vô cùng quan trọng và phải được triển khai ngay từ đầu ra. Tuy nhiên, vì lợi nhuận mà nhiều doanh nghiệp làm ăn gian dối, khiến không ít người tiêu dùng dù chấp nhận bỏ tiền ra nhưng vẫn không mua được sản phẩm tốt. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp làm thật thì lại chưa tìm được người tiêu dùng, dẫn đến việc hai bên (doanh nghiệp – người tiêu dùng) chưa “tìm” được nhau.
Bà Lê Thị Mai Linh, Phó Chủ tịch điều hành Maketting Tập đoàn Central Group chia sẻ, lý do người tiêu dùng tìm đến với các siêu thị là vì vấn đề thực phẩm. Nắm bắt được tâm lý đó, Big C đã lấy thực phẩm tươi sống là một trong những đặc trưng thế mạnh của mình. Tuy nhiên, nhóm hàng thực phẩm tươi sống đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn đó là ATTP và thị hiếu người tiêu dùng.
Cũng theo bà Linh, xu hướng sinh hoạt của các gia đình Việt Nam hiện nay là ít chế biến thực phẩm ở nhà, vì thế, thực phẩm qua sơ chế, hoặc thực phẩm chín tại siêu thị cũng đã đáp ứng được thị hiếu, lối sống của người Việt hiện nay. Vì thế, việc đảm bảo ATTP, thậm chí đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng về ATTP là hết sức cần thiết.
“Hiện nay, một trong những chương trình của BigC nhằm đảm bảo ATTP cho người tiêu dùng đó là “thu mua tận vườn”, thu mua với sản lượng lớn…khi thực hiện chiến lược này, chúng tôi không chỉ giúp bà con nhận biết được các kiến thức cơ bản về ATTP, thuốc trừ sâu, tư duy với ATTP…mà còn hỗ trợ bà con xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm, nông trại, giảm bớt các quy trình trung gian để làm sao bà con lớn lên được cùng với doanh nghiệp”, bà Linh nhấn mạnh.
Để đảm bảo ATTP, việc bà con nông dân thay đổi tư duy, nhận thức trong sản xuất nhằm hướng đến nền nông nghiệp an toàn là việc làm vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, người nông dân đã thay đổi nhận thức, thì các doanh nghiệp cũng cần có sự thay đổi trong cách ứng xử với người tiêu dùng, để “sân chơi ATTP” sẽ là cuộc chơi chung của cả doanh nghiệp và người dân.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, trong các chuỗi liên kết, không thể tránh khỏi việc thực phẩm đến tay người tiêu dùng “có vấn đề”, vì thế việc doanh nghiệp ứng xử như thế nào là điều vô cùng quan trọng.
“Những doanh nghiệp có tầm nhìn sẽ có cách ứng xử tốt với các khiếu nại. Tỉnh táo, biết cách ứng xử với người tiêu dùng và giải quyết các vấn đề sau bán hàng thế nào, chính là sách lược mà những tập đoàn hàng đầu cần phải để tâm đến”, ông Hùng nhấn mạnh.