Liên minh hợp tác xã Kiên Giang

Kinh tế - Hợp tác

Xem với cỡ chữAA

Huyện Tân Hiệp: Khởi nguồn của phong trào HTX nông nghiệp

(09:45 | 18/07/2018)

       Tuy về số lượng hợp tác xã (HTX) thì huyện Tân Hiệp vẫn đứng hàng thứ hai, sau huyện Giồng Riềng nhưng đã có bề dày lịch sử về việc hình thành và hoạt động có hiệu quả HTX ở lĩnh vực nông nghiệp. Ngoài ra, còn được các cấp chính quyền và nhân dân xem là cái noi của phong trào HTX trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

       Huyện Tân Hiệp có tổng cộng 142.048 dân, với 31.060 hộ, diện tích đất tự nhiên là 41.933 ha (trong đó 36.655 ha đất ruộng sản xuất lúa cao sản 2 vụ/năm, 1732,86 ha đất vườn). Năm 1985 HTX nông nghiệp Kinh 4A, xã Tân Hiệp A đầu tiên của huyện được thành lập và hoạt động theo mô hình HTX kiểu cũ, nhưng từ khi ban hành Luật HTX đã chuyển sang hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới, đặt biệt là Luật HTX 2012. Đến nay toàn huyện có 63 HTX nông nghiệp, chiếm hơn 80% hộ sản xuất nông nghiệp, tổng số giá trị tài sản cố định trên 40 tỷ đồng, vốn lưu động là 2,5 tỷ đồng. Nội dung hoạt động của các HTX nông nghiệp đã tích cực đổi mới, hướng vào quản lý các khâu như: lịch thời vụ, dịch vụ bơm tưới, tín dụng nội bộ, cung ứng vật tư nông nghiệp, tổ chức ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất…Ngoài ra còn phối hợp với chính quyền, đoàn thể địa phương vận động thành viên tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, phòng chống tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự địa phương, phát triển các công trình phúc lợi và phát triển cộng đồng. Ngoài HTX nông nghiệp, huyện còn phát triển các loại hình HTX như Tiểu thủ công nghiệp, Quỹ tín dụng nhân dân...

 

Huyện đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo về cơ cấu giống lúa đối với HTX

 

       Phong trào xây dựng kinh tế hợp tác, HTX nông nghiệp của huyện được như ngày nay phải trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, từ việc hình thành đến giữ vững và từ duy trì đến phát huy hiệu quả, thành phong trào hành động cách mạng. Trước khi có Nghị quyết 10/NQ-BCT, ngày 05 tháng 4 năm 1988, của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý trong nông nghiệp, xác định hộ là đơn vị kinh tế tự chủ, lúc này toàn huyện chỉ có 06 HTX nông nghiệp. Kể từ khi có Luật HTX năm 1996 ban hành, 2003, 2012 sửa đổi, đến nay toàn huyện đã phát triển lên đến 63 HTX. Nội dung, tính chất và phương thức hoạt động của HTX nông nghiệp hiện có, cơ bản phù hợp với Luật HTX 2012, các Nghị định của Chính phủ đã đề ra.

 

       Cụ thể hơn nữa, huyện có 28 HTX nông nghiệp qui mô toàn ấp và 35 HTX qui mô khu vực. Tổ chức bộ máy của HTX được tinh giảm gọn nhẹ, phù hợp với quy mô của từng HTX. Chức năng nhiệm vụ của Ban Giám đốc, Ban Kiểm soát rõ ràng, đảm bảo đủ và đúng theo quy định của Luật HTX.

 

       Các khâu do HTX quản lý được xác định cơ bản như xây dựng kế hoạch chỉ đạo và tổ chức sản xuất, lịch thời vụ, cơ cấu mùa vụ, hầu hết các HTX thực hiện tốt. Về dịch vụ bơm tưới có hai hình thức, thứ nhất là do Hội đồng quản trị HTX trực tiếp quản lý, thứ hai là do Ban quản lý đội sản xuất trực tiếp quản lý, 100% HTX nông nghiệp liên kết với Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Quỹ tín dụng nhân dân…giới thiệu cho thành viên vay vốn sản xuất, mở rộng dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp…

 

       Về quản lý việc ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ có 100% các HTX nông nghiệp thành lập câu lạc bộ khuyến nông và lực lượng kỹ thật viên nông nghiệp hoạt động. Các chương trình chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất trên lúa được mở ra như: chương trình IPM, FPR, 10 biện pháp giảm chi phí sản xuất, chương trình 03 giảm – 03 tăng, bón phân cân đối, sử dụng giống lúa mới…Trong đó, diện tích lúa áp dụng IPM trên 70%, diện tích áp dụng các biện pháp giảm chi phí sản xuất, 03 giảm – 03 tăng đạt 75%).

 

       Qua 5 năm, toàn huyện đã huy động được 944,6 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 695 tỷ đồng để xây dựng NTM. Qua đó, đã mở rộng, nâng cấp và bê tông hóa được 170 km đường giao thông nông thôn; nhân dân còn hiến 35.000m2 đất làm đường giao thông nông thôn và 12.652m2 đất xây dựng trường học. Xây dựng nâng cấp 12.218m mương thủy lợi nội đồng, kiên cố hóa 120 cống, đập bơm; nhà ở đạt chuẩn chiếm 80,2%; 99% hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa; trên 99% hộ dân sử dụng nước sạch hợp vệ sinh…

 

Lộ giao thông nông thôn được bê tông hóa sạch đẹp

 

       Huyện chỉ đạo đẩy mạnh cơ cấu nông nghiệp, tăng cường tập huấn chuyển giao, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất, hướng dẫn nông dân tổ chức lại sản xuất; vận động nhân dân tham gia cánh đồng lớn trên 20.000 ha phát triển thành vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao gắn với ký kết hợp đồng các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, lãi trong sản xuất bình quân hàng năm đạt từ 35-40% trở lên. Cùng với sự phát triển kinh tế hộ nói riêng và huyện nói chung, để thực hiện chính sách “an cư lac nghiệp” những năm qua đã xây dựng trên 600 căn nhà tình nghĩa và trên 500 căn nhà tình thương.

 

Nhiều xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới

 

       Đạt được những kết quả trên, phải kể đến sự nổ lực vượt bật của toàn thể hệ thống chính trị, chính quyền địa phương đã quán triệt nhận thức đúng đắn, chủ trương cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo của Tỉnh ủy – UBND tỉnh, sự phối hợp tốt của các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, theo từng thời gian giai đoạn cách mạng, đối chiếu vận dụng phù hợp với điều kiện, tiềm năng và lợi thế của địa phương, đề ra các biện pháp lãnh đạo hiệu quả, đi đôi với việc tuyên truyền, phát động làm đổi mới nhận thức tư duy trong nội bộ và ra tận quần chúng. Lãnh đạo hoạt động kinh tế hợp tác, xuất phát tự lợi ích và đáp ứng nhu cầu cơ bản của thành viên đặt ra về các khâu trong hợp tác đem lại hiệu quả kinh tế, thể hiện được tính ưu việt trong khu vực nhân dân tham gia hoạt động HTX nông nghiệp. Tăng cường quản lý Nhà nước của các cấp ủy – UBND, phối hợp với các ngành chuyên môn chỉ đạo hoạt dộng kinh tế hợp tác như: giám sát, kiểm tra công tác tài chính, hướng dẫn nguyên tắc tổ chức hoạt động, quản lý các khâu công việc, cùng với thành viên thường xuyên kiện toàn bộ máy nhân sự quản trị HTX, gắng với phát huy nội lực thực hiện quy chế dân chủ trong nhân dân. Thực hiện xã hội hóa về việc phát triển kinh tế hợp tác, vận động xã hội điều tham gia, đi đôi với việc ngăn ngừa, xử lý quán triệt những sai phạm có liên quan đến hoạt động của kinh tế hợp tác, HTX.

 

Được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm và làm việc

 

       Trước những diễn biến của nền kinh tế trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và dựa vào nội dụng Nghị quyết về phát triển “Tam nông” của Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành, hơn bao giờ hết hoạt động kinh tế hợp tác, HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện Tân Hiệp phải nâng lên tầm cao mới, là giải pháp và là nền tảng tất yếu để tổ chức sàn xuất nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, chú trọng chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cộng nghệ, gắn với tiêu thụ sản phẩm theo hướng bền vững và công nghiệp hóa.

 

       Việc phát triển kinh tế hợp tác, HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện Tân Hiệp tiếp tục sẽ phát huy theo hướng nội lực và đồng thời tranh thủ sự chỉ đạo thường xuyên của Tỉnh ủy – UBND tỉnh, sự phối hợp giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các Viện nghiên cứu nông nghiệp, Trường Đại học trong khu vực, nhất là tranh thủ duy trì mối quan hệ thường xuyên với Liên minh hợp tác xã tỉnh và Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang. Phấn đấu trên 60% HTX hoạt động khá trở lên, không có HTX yếu kém. Đẩy mạnh hoạt động Trung tâm tư vấn kỹ thuật, dịch vụ nông nghiệp, huyện làm cơ quan đầu mối giúp các HTX nông nghiệp phát triển mạnh cả 3 lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

 

       Từ những thực trạng kết quả đạt được trong quá trình hoạt động và định hướng xây dựng phát triển các mô hình kinh tế tập thể, huyện Tân Hiệp cần thực hiện một số giải pháp sau:

 

      - Thứ nhất, thực hiện các đề án phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy lợi, xây dựng mạng lưới chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi, phát triển các mô hình kinh tế hợp tác, trang trại, cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, kiên cố hóa, điện khí hóa các trạm bơm tưới.

 

        - Thứ hai, đẩy mạnh hoạt động trung tâm tư vấn kỹ thuật, dịch vụ nông nghiệp, kiện toàn nâng chất hoạt động của Phòng nông nghiệp & Phát triển nông thôn, trạm khuyến nông, trạm thú y, trạm bảo vệ thực vật và tổ kinh tế kỹ thuật nông nghiệp ở các xã, thị trấn, đặc biệt chú ý đến hoạt động của các câu lạc bộ nông nghiệp.

 

        - Thứ ba, thực hiện tốt các chương trình Công nghệ thông tin, qua đó phát huy hiệu quả và nhân rộng điển hình áp dụng công nghệ chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật với khoa học công nghệ và sinh học trong các HTX.

 

      - Thứ tư, thực hiện tốt tiến độ đề tài khoa học sản xuất thí điểm giống lúa cấp nguyên chủng, xây dựng mạng lưới sản xuất lúa giống cấp xác nhận tại các HTX nông nghiệp.

 

       - Thứ năm, đẩy mạnh các hoạt động kinh tế hợp tác, HTX nông nghiệp, thí điểm đề án thành lập Liên hiệp HTX nông nghiệp. Qua đó tiếp tục phát triển tổ dịch vụ, kỹ thuật nông nghiệp tại các HTX.

 

        - Thứ sáu, thực hiện chương trình cơ giới hóa, điện khí hóa nông nghiệp, kiên cố hóa cống máng bơm tưới. Chú trọng đẩy mạnh phát triển tốt các dịch vụ nông nghiệp, sản xuất nhất là ở các cụm, tuyến dân cư vượt lũ.

Thành Trăm