Đại biểu dự lễ khởi động tại cánh đồng của HTX dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa, ảnh: Nguyễn Văn Huỳnh
UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án, các hoạt động chính bao gồm: Lựa chọn, xây dựng vùng tham gia Đề án; Rà soát, áp dụng, hoàn thiện các gói kỹ thuật đảm bảo tiêu chí phát triển bền vững; Tổ chức lại sản xuất và đào tạo tập huấn nâng cao năng lực; Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng tại vùng chuyên canh; Huy động nguồn lực, hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ các quỹ tài chính các-bon, các quỹ hỗ trợ trên thế giới; Áp dụng hiệu quả các cơ chế, chính sách hiện hành; Phối hợp với các bộ, ngành, viện, trường triển khai các chương trình, nhiệm vụ ưu tiên được phê duyệt của Đề án.
Quy mô diện tích đăng ký tham gia là 200.000 ha, được chia thành 2 giai đoạn. Triển khai trên địa bàn 12 huyện, thành phố, gồm: An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận, Giang Thành, Kiên Lương, Hòn Đất, Tân Hiệp, Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao và TP Rạch Giá.
Đề án đưa ra mục tiêu giảm 30% chi phí đầu vào, góp phần giảm chi phí sản xuất lúa cho các hộ nông dân khoảng 9.500 tỷ đồng; tỉ suất lợi nhuận của người trồng lúa tăng 50%; góp phần giảm 10% lượng khí nhà kính phát thải.
Trong quá trình triển khai Đề án, sẽ có một số chính sách mới, phù hợp với xu hướng toàn cầu được thực hiện thí điểm như chi trả tín chỉ carbon dựa vào kết quả cho 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh, sản xuất tuần hoàn, khai thác đa giá trị trong sản xuất lúa với các chính sách cơ chế về đầu tư hoặc tín dụng với mục tiêu thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế biến lúa gạo.
Một số hạng mục đầu tư chính của Dự án trên địa bàn tỉnh gồm: Nâng cấp hệ thống tưới tiêu, cải thiện hệ thống giao thông, hỗ trợ cơ sở hạ tầng chuỗi giá trị lúa gạo, hỗ trợ nông nghiệp kỹ thuật số, cơ giới hóa đồng bộ…
Ông Nguyễn Văn Huỳnh – Giám đốc HTX cho biết thêm: “Việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trên đồng ruộng từ lâu đã được HTX triển khai rất hiệu quả và được sự đồng tình ủng hộ của người dân. Gần đây nhất là mô hình sản xuất lúa SRP, cánh đồng lớn giảm chi phí, cánh đồng lớn lúa hữu cơ,… với kinh nghiệm hiện có cùng với sự quyết tâm của thành viên, HTX quyết tâm thực hiện hiệu quả đề án này”.
Các đơn vị, hợp tác xã, doanh nghiệp ký kết thỏa ước nguyên tắc hợp tác trong thực hiện Đề án
Để thực hiện Đề án, thành viên HTX sẽ thực hiện theo cam kết ban đầu với các đơn vị, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ là sau khi thu hoạch lúa Hè-Thu 2024 nông dân sẽ không đốt rơm rạ thay vào đó sẽ được vận chuyển ra khỏi ruộng và xử lý tricdexma, sau đó vệ sinh đồng ruộng; cày, xới và trục trạc sang phẳng mặt bằng đồng ruộng; khoảng cách giữa các vụ sản xuất ít nhất 03 tuần trở lên. Các hộ tham gia Đề án sẽ nhận được sự hỗ trợ như giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong quá sản xuất. Đồng thời, ứng dụng cơ giới hóa máy sạ cụm, sạ hàng, Drone phun phân, thuốc, giống,.. Diện tích sản xuất đã cam kết sẽ thực hiện liên kết bao tiêu đầu ra.
Việc khởi động đề án được xem là cột mốc bắt đầu cho quyết tâm hành động của người nông dân, doanh nghiệp, Hợp tác xã trong việc cùng nhau xây dựng chuỗi ngành hàng lúa gạo theo hướng bền vững. Nếu làm tốt các giải pháp đề án, không chỉ giúp gia tăng giá trị hạt gạo Kiên Giang mà tạo ra môi trường sản xuất lúa gạo bền vững cho việc sản xuất lúa gạo ở thế hệ sau./.