Liên minh hợp tác xã Kiên Giang

Điểm tin

Xem với cỡ chữAA

Kiên Giang chủ động, tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy và chữa cháy rừng*

(13:51 | 11/04/2024)

Ngày 11/4/2024 Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành công văn 709/UBND-KT về việc chủ động, tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy và chữa cháy rừng.

Hiện nay, tình trạng nắng nóng đang diễn biến phức tạp, bất thường tại các tỉnh khu vực Nam Bộ, trong đó có tỉnh Kiên Giang, nhiều khu rừng đang ở cấp cảnh báo cháy rừng cấp IV, cấp V (cấp nguy hiểm, cấp cực kỳ nguy hiểm). Từ đầu mùa khô đến nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 14 vụ cháy rừng, diện tích cháy 19,58 ha, hiện trạng cháy chủ yếu là trảng cỏ, dây leo, cây bụi, một số khu vực rừng bị chặt phá,... (thành phố Phú Quốc 12 vụ, huyện An Minh 01 vụ, huyện Giang Thành 01 vụ).

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do tác động của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, năm 2024 nắng nóng gay gắt sẽ diễn ra ở nhiều địa phương, nền nhiệt cao hơn năm 2023. Nắng nóng kèm theo thiếu hụt lượng mưa, đặc biệt ở các tuyến kênh trong rừng tràm đã cạn nước, vật liệu cháy tích tụ nhiều năm khô hanh, nguy cơ xảy ra cháy rừng ở nhiều nơi là rất cao, gây thiệt hại về rừng, môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, tài sản, tính mạng và đời sống của người dân.

Thực hiện Công điện số 31/CĐ-TTg ngày 04/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động, tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh có liên quan, các đơn vị chủ rừng và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố có rừng khẩn trương, tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách sau:

1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có rừng và các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về phòng cháy, chữa cháy rừng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Có phương án cụ thể, chi tiết, bố trí lực lượng thường trực tại các chốt, trạm để kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao; Rà soát, lập danh sách các khu rừng có nguy cơ cháy cao, đặc biệt chú trọng các khu rừng tràm, một số khu rừng có trảng cỏ, cây bụi rải rác. Tổ chức trực ban, phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ tại những khu vực có mức cảnh báo nguy cơ cháy rừng từ cấp III trở lên; tăng cường công tác tuần tra, canh gác, phát hiện sớm lửa rừng và đảm bảo lực lượng ứng trực, sẵn sàng huy động lực lượng tại chỗ xử lý ngay khi cháy rừng xảy ra. Bố trí phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt Phương châm “4 tại chỗ”. Chủ động bố trí kinh phí dự phòng của địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Có phương án sẵn sàng, chủ động di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm khi cần thiết, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân,...

Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn kiểm soát việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân, nhất là hoạt động đốt nương làm rẫy; dừng ngay việc dùng lửa để xử lý thực bì và những hành vi dùng lửa khác có nguy cơ gây cháy rừng trong suốt thời kỳ cao điểm, nguy cơ cháy rừng cao.

Theo dõi thông tin về dự báo, cảnh báo nguy cơ nắng nóng, nguy cơ cháy rừng và phát hiện sớm cháy rừng (Website của Cục Kiểm lâm: kiemlam.org.vn, Website của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia: nchmf.gov.vn); Thông tin, báo cáo ngay khi có cháy rừng về Ban Chỉ đạo Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tỉnh (thông qua Chi cục Kiểm lâm theo các số điện thoại: 02973.865480, 0919985727, 0913149540) đảm bảo cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời để phối hợp chỉ đạo và huy động lực lượng chữa cháy rừng trong trường hợp cần thiết.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm tăng cường, tổ chức phòng cháy và chữa cháy rừng trên phạm vi toàn tỉnh, trong đó khẩn trương chỉ đạo triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách sau:

Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nhất là các vùng trọng điểm có nguy cơ cao xảy ra cháy rừng, cung cấp thông tin cho các địa phương để chủ động thực hiện các phương án về phòng cháy, chữa cháy rừng; duy trì, dự báo, cảnh báo, nguy cơ cháy rừng để thông tin kịp thời trên các phương tiện truyền thông.

Lực lượng Kiểm lâm tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR); đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao, hiện đại trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phát hiện sớm mất rừng, cháy rừng đảm bảo hiệu quả; phối hợp với các cơ quan truyền thông trên địa bàn tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân trong thực hiện các quy định về quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR; luôn chủ động thực hiện Phương châm “4 tại chỗ” trong công tác phòng cháy và chữa cháy rừng, nhất là các khu vực trọng điểm về cháy rừng.

Chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án nâng cao năng lực cho lực lượng Kiểm lâm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng giai đoạn 2021 - 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 177/QĐ-TTg ngày 10 tháng 02 năm 2022, kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc, trình UBND tỉnh báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, xem xét, giải quyết theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

3. Các đơn vị chủ rừng: Vườn Quốc gia Phú Quốc; Vườn Quốc gia U Minh Thượng; Ban Quản lý rừng Kiên Giang; Ban Quản lý Dự án lâm trường 422- Sư đoàn 4; Phòng Hậu cần- Công an tỉnh; Trung đoàn 152- Quân khu 9; Công ty TNHH HTV Nông lâm nghiệp Kiên Giang; Công ty Cổ phần Chế biến gỗ MDF VRG Kiên Giang rà soát kỹ phương án PCCCR, xác định cụ thể từng khu vực, diện tích rừng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao, thực hiện ngay các biện pháp cấp bách PCCCR như bơm nước bổ sung vào rừng, làm giảm vật liệu cháy, tuần tra kiểm soát chặt chẽ người vào rừng, quản lý việc sử dụng lửa trong rừng, ven rừng, xây dựng kế hoạch chi tiết và tổ chức thực tập tình huống chữa cháy rừng. Triển khai thực hiện quyết liệt phương án PCCCR năm 2024, tăng cường bố trí thêm trạm, chốt, lán trại, lực lượng, phương tiện, thiết bị phù hợp cho từng vùng trọng điểm, đảm bảo lực lượng trực 24/24 giờ, kịp thời phát hiện, triển khai lực lượng dập tắt đám cháy mới phát sinh, không để xảy ra cháy rừng lớn, nghiêm trọng, đặc biệt là các ngày nghỉ, ban đêm,...

Rà soát, xây dựng kế hoạch bổ sung Phương án PCCCR tại các khu vực trọng điểm, tuần tra, bảo vệ rừng và PCCCR,... trình UBND tỉnh phê duyệt, làm cơ sở thực hiện theo quy định. Kịp thời thông tin nhanh tình hình PCCCR trong ngày về Ban chỉ đạo các cấp; phối hợp chặt chẽ các lực lượng trực PCCCR và và xử lý vi phạm kịp thời.

Phát huy vai trò của người đứng đầu về triển khai các biện pháp cấp bách PCCCR, trong triển khai thực hiện thiếu quyết liệt, không chặt chẽ, để xảy ra phá rừng, lấn, chiếm đất rừng, sử dụng đất rừng sai mục đích, cũng như để xảy ra cháy rừng lớn, nghiêm trọng,. thì người đứng đầu đơn vị chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định của pháp luật.

4. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, chủ động các phương án hỗ trợ chữa cháy rừng trên địa bàn các huyện, thành phố có rừng, sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy rừng khi có yêu cầu.

5. Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp nhu cầu hỗ trợ cấp bách kinh phí phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2024 theo Quyết định số 177/QĐ-TTg ngày 10 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

6. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Kiên Giang, Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Kiên Giang và các cơ quan truyền thông tiếp tục làm tốt công tác thông tin, truyền thông về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; kịp thời đưa thông tin về cảnh báo và dự báo cháy rừng.

7. Các sở, ban, ngành khác chủ động chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ địa phương triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy rừng theo chức năng quản lý nhà nước được phân công.

8. Đài Khí tượng- Thủy văn Kiên Giang đảm bảo chất lượng công tác dự báo, kịp thời cung cấp thông tin về thời tiết và các hiện tượng thời tiết cực đoan đến các cơ quan liên quan và người dân, phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng./.

Thùy Trang