Các sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2022
Trong những năm qua, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã có nhiều hoạt động tư vấn hỗ trợ các hợp tác xã (HTX) triển khai đăng ký sản xuất sản phẩm chủ lực tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách, tư vấn cho các HTX xác định sản phẩm chủ lực, xây dựng phương án chủ động tổ chức sản xuất gắn với thiết kế mẫu bao bì, tem nhãn, thủ tục hồ sơ đăng ký chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm, bảo hộ sở hữu trí tuệ và truy xuất nguồn gốc sản phẩm... Cùng với đó, quan tâm đào tạo, nâng cao trình độ, năng lực quản lý, điều hành của cán bộ HTX. Với mục tiêu thông qua Chương trình OCOP giúp cho các HTX gắn kết với nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương để tạo ra những sản phẩm có giá trị và mang đặc trưng của địa phương.
Đến nay toàn tỉnh có 176 sản phẩm OCOP được xếp hạng từ 3 sao trở lên; Trong đó, có 06 sản phẩm đạt 5 sao cấp Quốc gia, 37 sản phẩm đạt 4 sao và 133 sản phẩm đạt 3 sao. Phân theo nhóm ngành có 139 sản phẩm thuộc ngành thực phẩm; 14 sản phẩm thuộc ngành đồ uống; 19 sản phẩm ngành thủ công mỹ nghệ, trang trí và 4 sản phẩm thuộc nhóm ngành dược liệu. Qua 03 năm triển khai, có 81 chủ thể tham gia Chương trình OCOP; trong đó có 22 công ty, doanh nghiệp với 70 sản phẩm đạt OCOP, 14 hợp tác xã với 29 sản phẩm đạt OCOP và 45 cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh với 77 sản phẩm đạt OCOP.
Điển hình là HTX dịch vụ nông nghiệp Hiểu Phát của huyện Vĩnh Thuận đã chủ động tham gia Chương trình OCOP, qua 2 năm tham gia dự thi, HTX có 5 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao gồm tôm khô, khô cá lóc, khô cá kèo, mắm cá lóc, mắm tôm. Chia sẻ với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Kim Thoa, Giám đốc HTX cho biết: Trong quá trình tham gia, HTX đã nhận được sự hỗ trợ của các ngành chức năng trong hoàn thiện hơn về bao bì, nhãn mác sản phẩm. Bên cạnh đó, HTX còn chủ động đầu tư trang thiết bị, máy móc nhằm làm giảm giá thành và đảm bảo các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định. Từ khi được công nhận sản phẩm OCOP đến nay, HTX đã được các ngành, cơ quan các cấp đã tạo điều kiện cho HTX tham gia nhiều cuộc xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và kết nối tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp trong và ngoài nước như tại Siêu thị Tứ Sơn tỉnh An Giang và Thái Lan,.. Từ đó, thêm nhiều khách hàng biết đến thương hiệu của HTX, lượng hàng hóa tiêu thụ được cũng tăng mạnh hơn so với thời gian trước.
Một trong những sản phẩm đạt OCOP của HTX Hiểu Phát, huyện Vĩnh Thuận
HTX dịch vụ tôm-cua-lúa Thuận Phát có 2 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. HTX đã vận dụng nguồn nguyên liệu có sẵn tại đại phương là cá phi để làm chả và tôm nuôi quảng canh để làm tôm khô, với mùi vị đặc trưng và sản phẩm chất lượng. Năm 2021, sản phẩm chả cá phi được UBND tỉnh Kiên Giang công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh. Năm 2022, sản phẩm tôm khô và chả cá rô phi của HTX được UBND tỉnh xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao. Sau 02 năm không ngừng phát triển, hoàn thiện sản phẩm, tích cực giới thiệu sản phẩm, từ những đơn đặt hàng nhỏ lẻ ban đầu trong địa phương, nay sản phẩm chả cá rô phi và tôm khô của HTX có mặt tại thị trường TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Cần Thơ. Sản phẩm được gắn sao OCOP chính là động lực để HTX tiếp tục nâng cao chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm trong những năm tiếp theo nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
02 sản phẩm của HTX dịch vụ tôm-cua-lúa Thuận Phát
Số lượng HTX tham gia Chương trình OCOP tăng theo từng năm, các sản phẩm đa dạng về chủng loại, được chú trọng nâng cao chất lượng, hình thành nhóm sản phẩm đặc trưng vùng, miền. Trong năm 2020 và 2021, mặc dù bị ảnh hưởng khá lớn do tác động của dịch COVID-19 nhưng với vai trò tiên phong, chủ thể của các HTX đã hỗ trợ thành viên tiêu thụ tốt sản phẩm và những sản phẩm OCOP của các HTX trên địa bàn tỉnh đều giữ vững các kênh tiêu thụ và tăng trưởng khá.
Tính đến thời điểm hiện nay, tổng số HTX toàn tỉnh có 533 HTX đang hoạt động, với tổng vốn điều lệ 412.296.737.000 đồng; với tổng diện tích 66.807,55 ha canh tác; có 55.264 thành viên; tạo việc làm cho 10.159 lao động. Để thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển mà nòng cốt là HTX, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành nhiều nghị quyết, chính sách hỗ trợ sự phát triển của HTX. Trong đó, tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho các HTX; hỗ trợ thành lập mới, chia tách sáp nhập; hỗ trợ tín dụng; hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Dự kiến, trong giai đoạn 2021-2025, sẽ trực tiếp chọn 60 HTX để đào tạo nguồn nhân lực, tỉnh sẽ xây dựng từng chính sách cho từng đối tượng cán bộ tham gia công tác đào tạo. UBND tỉnh đã có chính sách rất cụ thể trong việc hỗ trợ tín dụng cho HTX mua máy móc, trang thiết bị sản xuất, mở rộng dịch vụ…Căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng HTX sẽ tính toán dịch vụ hỗ trợ phù hợp nhất (không quá 2 tỷ đồng/HTX/dự án, trong đó HTX đối ứng 20%). Kết quả đến nay, đã có 02 HTX được Hội đồng thẩm định xem xét cho vay vốn theo quy định. Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện thúc đẩy HTX nông nghiệp phát triển thông qua mô hình liên doanh, liên kết đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị. Dự kiến, tạo điều kiện để HTX tiếp cận 75 dự án (mỗi năm 15 dự án, mỗi dự án hỗ trợ không quá 01 tỷ đồng), tập trung ở những HTX đang phát triển sản phẩm chủ lực của tỉnh. Qua đó, hi vọng nâng cao chất lượng, quy mô HTX gắn với sự phát triển các sản phẩm OCOP.
Sản phẩm OCOP mang đặc trưng của địa phương
Tham gia chương trình OCOP là cơ hội tốt để các HTX khẳng định chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường. Từ đó, nâng cao hiệu quả sản xuất của các HTX, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất ngành Nông nghiệp theo hướng nâng giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Thời gian qua, với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, đã có 14 HTX với 29 sản phẩm được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Để khuyến khích phát triển các sản phẩm OCOP, Kiên Giang đã triển khai thực hiện Đề án OCOP giai đoạn 2019-2020, tầm nhìn đến năm 2025 với kinh phí dự kiến trên 326 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong 176 sản phẩm OCOP đã được công nhận, chỉ có 06 sản phẩm được công nhận 5 sao, số lượng sản phẩm đạt 4 sao còn hạn chế. Bên cạnh đó, tuy tỉnh có tiềm năng rất lớn về du lịch, nhất là du lịch biển đảo, du lịch sinh thái, nhưng chưa có sản phẩm du lịch và dịch vụ du lịch cộng đồng vào OCOP. Riêng đối với HTX vẫn còn hạn chế số lượng sản phẩm tham gia chương trình, quy mô sản xuất vẫn còn nhỏ lẽ, chưa mạnh dạn đầu tư nâng cấp sản phẩm.
Tiềm năng từ các HTX để thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP còn khá phong phú. Vì vậy, để hỗ trợ các HTX tham gia nhiều hơn vào chương trình OCOP trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia sản xuất an toàn, chất lượng và truy xuất nguồn gốc, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, để sản phẩm đủ điều kiện tham gia chương trình OCOP. Qua đó, góp phần gia tăng số lượng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh được sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo ra sản phẩm đặc trưng phục vụ du lịch phát triển. Cùng với đó, bản thân các HTX cũng cần chủ động phát huy nội lực, liên kết để phát triển sản xuất đồng bộ, đẩy mạnh quảng bá và xây dựng thương hiệu, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm./.