Liên minh hợp tác xã Kiên Giang

Điểm tin

Xem với cỡ chữAA

Kiến nghị điều tiết nước mặn phục vụ nuôi tôm ở Gò Quao (st)

(07:34 | 20/02/2023)

Ngày 15-2, đoàn công tác Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác thủy lợi Miền Nam có buổi làm việc với Ủy ban nhân dân huyện Gò Quao để nắm tình hình tác động của hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đến phát triển nông nghiệp và việc đầu tư hạ tầng, hệ thống cống vùng phân ranh trong sản xuất.

Đoàn công tác Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khảo sát thực tế tình hình nguồn nước sản xuất tại cống Cả Bần, xã Thủy Liễu (Gò Quao).

 

Tại buổi làm việc, đồng chí Võ Văn Trà - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Gò Quao cho biết huyện nằm ở phía hạ lưu, chịu tác động rất lớn từ việc vận hành hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé. Gần 2 năm vận hành thử nghiệm cho thấy việc đầu tư hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé góp phần cho huyện chủ động trong quy hoạch sản xuất, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu.

 

Khi vận hành thử nghiệm cống Cái Lớn - Cái Bé, trên nền sản xuất nông nghiệp của huyện, tỉnh triển khai trên địa bàn huyện Gò Quao 5 mô hình sản xuất, trong đó mô hình tôm - lúa quản lý cộng đồng 40ha, lợi nhuận bình quân đạt trên 50 triệu đồng/ha. Đây là mô hình được khuyến khích phát triển, có tính đặc thù của vùng mặn xâm nhập theo mùa. Mô hình khóm - cau - dừa thực hiện 50ha, hiệu quả kinh tế cao, lợi nhuận đạt 147 triệu đồng/ha. Mô hình cây ăn trái (măng cụt, sầu riêng), thực hiện 20ha, lợi nhuận bình quân hơn 143 triệu đồng/ha. Mô hình khóm - tôm thực hiện 30ha, lợi nhuận 68 triệu đồng/ha. Mô hình tưới tiết kiệm thực hiện 30ha, ứng dụng công nghệ giúp giảm lượng nước tưới và giảm chi phí tưới gần 7 triệu đồng/ha. Nhìn chung, trước và sau khi vận hành thử nghiệm hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, huyện Gò Quao duy trì các dạng mô hình sản xuất ổn định, bền vững theo hệ sinh thái ngọt - lợ theo mục tiêu tái cơ cấu kinh tế của huyện.

 

Tuy nhiên theo lãnh đạo huyện Gò Quao, do ảnh hưởng từ nguồn nước thượng nguồn đổ về kết hợp với triều cường đã gây ngập úng cục bộ tại một số tiểu vùng sản xuất khóm và cây ăn trái trên địa bàn huyện. Hiện nông dân nuôi tôm của huyện đang gặp khó khi nước mặn về trễ, độ mặn thấp, ảnh hưởng đến tiến độ thả tôm của huyện. Gò Quao được đầu tư hệ thống đê bao ven sông Cái Lớn, Cái Bé, Cái Tư và hệ thống cống điều tiết sản xuất phân ranh vùng trong sản xuất. Tuy nhiên việc đầu tư hệ thống đê bao, cống điều tiết sản xuất, phân vùng ngọt - lợ chưa đồng bộ và chưa theo kịp với biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng gay gắt, khó lường, do đó việc chủ động trong sản xuất, phát triển bền vững các mô hình kinh tế theo quy hoạch và tái cơ cấu nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.

 

Về vấn đề thiếu nước mặn phục vụ nuôi tôm, đồng chí Lê Hữu Toàn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác thủy lợi Miền Nam phối hợp, điều tiết nước mặn từ hướng cống Ninh Quới (Bạc Liêu) qua để hỗ trợ nguồn nước mặn cho vùng lúa - tôm của huyện Gò Quao thay vì chờ nước mặn từ Biển Tây theo sông Cái Lớn vào.

 

Ông Nguyễn Việt Anh - Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác thủy lợi Miền Nam ghi nhận ý kiến, kiến nghị của địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ông Nguyễn Việt Anh cho biết việc lấy nước mặn vào nuôi tôm rất cần thiết nhưng khi vận hành hệ thống cống còn phải tính toán hài hòa việc đối phó với hạn, mặn cho cả mùa khô năm 2023. Theo dự báo khoảng đầu tháng 3-2023 sẽ là thời kỳ đỉnh điểm của mùa khô hạn, mặn xâm nhập ở vùng ven biển vùng đồng bằng sông Cửu Long./.

Thùy Trang (theo kiengiang.gov.vn)