Có thể nói, dịch bệnh Covid-19 đã gây ra không biết bao nhiêu khó khăn cho các lĩnh vực của đời sống xã hội ở Kiên Giang nói riêng và cả nước nói chung. Trong lúc phải đối mặt với sự biến động về giá cả và khó khăn về đầu ra của các mặt hàng nông sản thì rất cần kinh tế tập thể mà nồng cốt là hợp tác xã (HTX) phát huy thế mạnh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều yếu tố ảnh hưởng và số lượng HTX thể hiện được sức mạnh tập thể giải quyết khó khăn cho thành viên vẫn còn là con số ít.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, đa số HTX đều bị động trong thực hiện dịch vụ
Theo báo cáo của Uỷ ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, 6 tháng đầu năm 2021 toàn tỉnh thành lập mới HTX, trong đó có 06 HTX nông nghiệp và 02 HTX thương mại dịch vụ, đạt 80% kế hoạch. Với số vốn điều lệ là 11.246,85 triệu đồng, diện tích 544,85 ha, 191 thành viên và 64 lao động.
Hiện toàn tỉnh có 501 HTX đang hoạt động với 62.816,342 ha canh tác; tổng vốn điều lệ 372.682 triệu đồng; có 53.560 thành viên và tạo việc làm cho 9.225 lao động. Trong đó có 441 HTX nông nghiệp (353 HTX trồng trọt, 88 HTX thủy sản), 38 HTX phi nông nghiệp (07 HTX thương mại dịch vụ; 20 HTX giao thông vận tải; 03 HTX xây dựng; 08 HTX tiểu thủ công nghiệp) và 22 quỹ tín dụng nhân dân.
Doanh thu bình quân của HTX 6 tháng đầu năm 2021 đạt 1.500 triệu đồng/HTX; lãi bình quân 56 triệu đồng/HTX. Thu nhập bình quân của người lao động làm việc thường xuyên trong HTX đạt 55 triệu đồng/năm. Riêng đối với lĩnh vực giao thông vận tải do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên thu nhập của người lao động lĩnh vực này giảm từ 30-50%.
Việc thành lập HTX đã đáp ứng được nhu cầu hợp tác của thành viên trong phát triển kinh tế hộ. Qua các hình thức tư vấn, tuyên truyền đã góp phần nâng lên ý thức của cộng đồng về KTHT, HTX, có cách nhìn và hiểu rõ hơn về vai trò, vị trí và những lợi ích thiết thực của HTX kiểu mới. Các HTX mới thành lập và đang hoạt động chọn lựa mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp, phương pháp tổ chức hoạt động hiệu quả, quyền lợi của thành viên gắn liền với quyền lợi của HTX; năng lực quản lý của HTX từng bước được nâng lên, phần lớn các HTX hỗ trợ tích cực cho các thành viên phát triển kinh tế hộ, đáp ứng nhu cầu của thành viên; số HTX thực hiện được chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản ngày một tăng cao, điển hình như các HTX ở huyện Châu Thành, Tân Hiệp, Gò Quao, Vĩnh Thuận.
Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm và khó khăn nhất hiện nay là sự hạn chế về trình độ, năng lực quản lý điều hành của đội ngũ cán bộ quản lý HTX. Mặc dù có tâm huyết nhưng đa phần có tuổi đời lớn, chưa qua đào tạo chuyên sâu, chỉ tham gia các lớp tập huấn là chủ yếu. Bên cạnh đó, nhiều HTX hoạt động còn đơn điệu, thiếu chiến lượt trong sản xuất kinh doanh; quy mô nhỏ, thiếu vốn đầu tư, các dịch vụ hỗ trợ chưa đa dạng phong phú, chủ yếu chỉ thực hiện được 1 hoặc 2 dịch vụ hỗ trợ thành viên nên hiệu quả mang lại chưa cao; thiếu tính liên kết giữa các thành viên trong HTX và giữa HTX với doanh nghiệp; cơ sở vật chất còn khó khăn, sản phẩm chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường, sức cạnh tranh yếu; số HTX được tiếp cận các chính sách chưa nhiều, nhất là các nguồn vốn vay ưu đãi; khả năng tiếp cận thị trường kém dẫn đến việc điều hành HTX không thể phát triển.
Số HTX thể hiện được sức mạnh tập thể giải quyết khó khăn cho thành viên vẫn còn là con số ít
Bình thường những hạn chế trên đã gây không ít khó khăn trong quá trình phát triển của HTX, nay dịch Covid -19 diễn biến ngày càng phức tạp lại khó khăn hơn gấp bội. Đa số HTX đều bị động trong thực hiện dịch vụ, chưa phát huy được vai trò là người đại diện của thành viên trong giải quyết đầu ra nông sản.
Với những khó khăn, hạn chế đó kiến nghị Trung ương sớm bố trí ngân sách hỗ trợ HTX theo Quyết định 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021-2025. Tiếp tục hỗ trợ HTX nông nghiệp theo Chương trình hỗ trợ phát triển HTX gắn với chuỗi giá trị. Xem xét giảm bớt, đơn giản hoá thủ tục đối với HTX khi vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX thuộc Liên minh HTX Việt Nam; giảm bớt lãi suất cho vay đối với HTX trong thời gian ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Quan tâm, hỗ trợ tạo điều kiện đào tạo cán bộ, đầu tư máy móc, thiết bị công nghệ để HTX dần dần tiếp cận, thực hiện chuyển đổi số. Đề xuất ưu tiên tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho thành viên HTX tham gia chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hoá thiết yếu.