Liên minh hợp tác xã Kiên Giang

Thị trường

Xem với cỡ chữAA

Giữa dịch COVID-19, giá xuất khẩu nông sản vẫn tăng mạnh

(15:20 | 07/06/2021)

5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng nông, thủy sản tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, nhiều mặt hàng như hạt tiêu, cà phê, chè, cao su, gạo có giá xuất khẩu tăng rất mạnh. 

Bộ Công Thương vừa có báo cáo về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại trong 5 tháng đầu năm 2021.

XK-nong-san-3435-1622862714.jpg

5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt 10,99 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2020.

 

Theo báo cáo, trong tháng 5/2021, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng hàng nông, thủy sản và nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản có sự gia tăng nhưng nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo - nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung lại giảm nhẹ so với tháng trước. 

Mặc dù vậy, tính chung 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến và nhóm hàng nông, thủy sản vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhóm nhiên liệu khoáng sản vẫn trong xu hướng giảm. 

Phân tích kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản, Bộ Công Thương cho biết xuất khẩu tháng 5/2021 ước đạt 2,49 tỷ USD, tăng 2,8% so với tháng 04/2021 và tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 9,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này ước đạt 10,99 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2020. 

Nhìn chung các mặt hàng thuộc nhóm nông, thủy sản đều ghi nhận sự tăng trưởng trong 5 tháng đầu năm nay. Trong đó, cao su là mặt hàng tăng trưởng mạnh nhất với mức tăng lên tới 58,7% về lượng và tăng 93,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, đạt 548 nghìn tấn, trị giá 923 triệu USD.

Kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn cũng tăng trưởng 27,5%, tương tự, hai mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong nhóm này là thủy sản và hàng rau quả cũng tăng lần lượt là 12% và 18% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong khi đó, xuất khẩu hạt tiêu giảm 15,6% về lượng nhưng kim ngạch tăng 25,2% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 124 nghìn tấn, trị giá 387 triệu USD. Nguyên nhân chủ yếu là do giá hạt tiêu tăng mạnh trong 5 tháng đầu năm nay, với mức giá xuất khẩu bình quân đạt 3.127 USD/tấn, tăng 48,2% so với cùng kỳ năm 2020. 

Cùng với hạt tiêu, giá xuất khẩu các mặt hàng nông sản khác trong 5 tháng đầu năm nay cũng tăng so với cùng kỳ năm 2020 như cà phê tăng 7,3%, chè tăng 3,2%, cao su tăng 22,3%, sắn và sản phẩm sắn tăng 10,4%...

Đối với mặt hàng gạo, dù khối lượng xuất khẩu mặt hàng này trong 5 tháng đầu năm nay giảm 11,3% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng bù lại giá xuất khẩu gạo lại tăng tới 11,9% (đạt bình quân 543 USD/tấn). Nhờ đó kim ngạch xuất khẩu gạo thu về trong 5 tháng đầu năm 2021 không giảm nhiều so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ giảm 0,7%. 

Theo đó, Bộ Công Thương dự báo hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới khi mà các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn. Đặc biệt, các hiệp định: CPTPP, EVFTA, UKFTA… sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thông qua đó thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.

Giá hàng hóa xuất khẩu cũng đang có xu hướng tăng, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam sẽ là động lực quan trọng để gia tăng giá trị xuất khẩu. 

Bên cạnh đó, ở các nước Mỹ và châu Âu đang dỡ bỏ dần hoặc hoàn toàn lệnh phong tỏa khi đã tiêm đủ số lượng vắc xin, cầu hàng hóa trên thị trường thế giới đang hồi phục trở lại, đây là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp tiêu dùng có thế mạnh.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng lo ngại hoạt động xuất nhập khẩu có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ 4 ở nhiều địa phương, nhất là một số tỉnh, thành trọng điểm ở khu vực miền Bắc như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội… là những địa phương có quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu đứng đầu của cả nước. Còn trên thế giới, châu Á tiếp tục là tâm điểm với số ca nhiễm COVID-19 mới gia tăng nhanh chóng, khiến hàng loạt quốc gia như Ấn Độ, Nhật Bản, Đài Loan, Indonesia hay Thái Lan phải áp đặt phong tỏa và thắt chặt các biện pháp kiểm soát nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Do đó, bản thân doanh nghiệp phải nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như khả năng thích ứng để vượt qua khó khăn, chủ động chuyển hướng để nắm bắt hiệu quả những cơ hội từ bối cảnh mới. 

https://vnbusiness.vn/thi-truong/giua-dich-covid-19-gia-xuat-khau-nong-san-van-tang-manh-1078934.html

Thùy Trang (theo thoibaokinhdoanh.vn)