Lại Sơn còn có tên gọi Hòn Sơn hay Hòn Sơn Rái, là một xã đảo thuộc huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang. Trong những năm gần đây, tiềm năng du lịch sinh thái biển được khơi dậy và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nơi đây. Bên cạnh đó, cũng là điều kiện thuận lợi để phát triển hợp tác xã (HTX) gắn với các dịch vụ du lịch nhất là du lịch làng bè.
Lợi thế để phát triển du lịch của xã đảo Lại Sơn là những địa điểm ẩn chứa bao điều kỳ thú như: đỉnh núi Ma Thiên Lãnh (đỉnh núi được cho là cao nhất Hòn Sơn), đỉnh Ông Rồng... Ngoài ra còn có những nơi tín ngưỡng dân gian như: Đình thần Nguyễn Trung Trực, Đình Nam Hải, Miếu Bà chúa Hòn, Dinh ông Nam Hải, Chùa Hải Sơn Tự, Thánh thất Liên Giao Hải Sơn, Phật lộ thiên với nhiều lễ hội mang nét văn hóa tâm linh, độc đáo, đặc trưng của vùng biển đảo. Cùng với đó là cảnh quan thiên nhiên hoang sơ với núi rừng trùng điệp một màu xanh cây lá giữa bốn bề biển cả bao la dạt dào sóng nước. Những bãi biển đẹp như: bãi Nhà, bãi Xếp, bãi Bàng, bãi Bộ, bãi Bấc, bãi Giếng, bãi Thiên Tuế.
Ma Thiên Lãnh, đỉnh núi được cho là cao nhất Hòn Sơn, một trong những điểm tham quan thú vị
Bên cạnh đó, nghề nuôi cá lồng bè trên biển đã có từ rất lâu, đột nhiên trở thành thú vị cho du khách tham quan, những người từ vùng đồng bằng chưa từng biết đến biển đảo được đặt chân lên bè và tự tay câu những con cá từ thiên nhiên sau đó chế biến thưởng thức. Tất cả đã tạo cho Hòn Sơn tiềm năng du lịch sinh thái biển phong phú được du khách trong, ngoài nước biết đến là một điểm du lịch hấp dẫn trên bản đồ du lịch Kiên Giang và khu vực miền Tây Nam Bộ.
Còn có những bãi biển tuyệt đẹp, thu hút du khách ngay lần đầu đặt chân đến
Năm 2018, UBND tỉnh Kiên Giang công bố quyết định công nhận Lại Sơn là khu du lịch địa phương càng tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch, nhất là mời gọi đầu tư, thu hút khách du lịch quốc tế.
Xây dựng được HTX nhưng chưa phát triển
Với những lợi thế nêu trên, chắc chắn sẽ là điều kiện thuận lợi để xây dựng và phát triển HTX kết hợp với đẩy mạnh các hoạt động quảng bá sản phẩm du lịch của địa phương. Việc hình thành và phát triển HTX gắn với dịch vụ du lịch là một trong những chiến lược nhằm phát huy thế mạnh làng bè của địa phương trong phát triển du lịch của xã đảo Hòn Sơn.
Được biết, xã Lại Sơn đã thành lập HTX hoạt động theo hình thức này được vài năm nay. HTX Tiến Đạt có 10 thành viên, vốn điều lệ 200 triệu đồng và được nhà nước cho vay ưu đãi thêm 400 tiệu đồng để làm bè chung nuôi cá phục vụ du lịch. Trao đổi với một số hộ thành viên HTX, họ đều rất mong muốn xây dựng được HTX du lịch làng bè vững mạnh, mang dáng dấp quê hương biển đảo để giới thiệu đến bạn bè trong và ngoài tỉnh.
Tuy nhiên, qua thời gian hoạt động HTX cũng chưa mang lại hiệu quả nhất định. Hiện khu du lịch làng bè của HTX Tiến Đạt mới chỉ hoạt động riêng lẽ và dừng lại ở việc phục vụ ăn uống, câu cá, chưa thực hiện được một số dịch vụ liên kết khác để phục vụ du khách.
Chính quyền cơ sở cần làm gì
Để HTX phát huy hiệu quả lợi thế và phát triển hơn, trước hết chính quyền cơ sở cần xem việc phát triển HTX là nhiệm vụ trong tâm và thường xuyên gắn với phát triển kinh tế xã hội. Có thể lấy HTX là trung tâm để tập hợp triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và xây dựng phát triển các đoàn thể chính trị xã hội. Bởi vì các đoàn thể chính trị xã hội phát triển và tập hợp hội viên theo điều kiện nhất định như: hội viên phụ nữ tập hợp theo giới; hội viên cựu chiến binh tập hợp theo điều kiện từng là bộ đội xuất ngũ; đoàn thanh niên tập hợp đoàn viên theo lứa tuổi…còn đối với HTX ai cũng có quyền tham gia với những điều kiện hết sức đơn giản là tự nguyện và sử dung sản phẩm dịch vụ của HTX.
Thứ hai, cần có quy hoạch và định hướng để HTX hoạt động đúng với ngành nghề chủ đạo, lĩnh vực mà địa phương chọn làm mũi nhọn để phát triển kinh tế xã hội.
Thứ ba, cần kiểm tra – giám sát thường xuyên các hoạt động để kịp thời nắm bắt vận động phát huy thuận lợi cũng như tháo gỡ khó khăn của HTX.
Thứ tư, ưu tiên cho các chương trình dự án của địa phương và tạo mọi điều kiện thuận lợi để HTX hoạt động phát triển, cho người dân thấy rõ lợi ích khi tham gia mô hình kinh tế tập thể.
Gắn phát triển HTX với phát triển kinh tế xã hội
Nếu chính quyền địa phương quan tâm tập trung củng cố phát triển và mở rộng quy mô hoạt động của HTX Tiến Đạt, tin tưởng rằng trong một thời gian ngắn sẽ hình thành được làng bè du lịch thực thụ. Hơn nữa là góp phần không nhỏ trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Khai thác hiệu quả, bền vững tiềm năng du lịch, đặc biệt chú trọng đến những lợi thế về vị trí địa lý, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và các lợi thế so sánh khác. HTX sẽ tận dụng lợi thế phát triển du lịch gắn với phát triển các nghề truyền thống, định hướng phát triển kinh tế - xã hội vùng trọng điểm gắn kết với các khu, điểm tham quan một số địa bàn xã khác của huyện Kiên Hải.
Về phía ngành chức năng của huyện, ông Đặng Tùng Long - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kiên Hải cho biết: Sẽ tham mưu với Ban chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể huyện tập trung hỗ trợ phát triển HTX Tiến Đạt cũng như thành lập mới HTX lĩnh vực này khi người dân có nhu cầu để gắn kết với khu du lịch trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thời gian tới, huyện sẽ có hướng hỗ trợ nông dân đầu tư dịch vụ khác phục vụ du lịch. Bên cạnh đó, hướng thành viên HTX sắp xếp các bè cá lại thành từng khu cụm riêng, tạo cảnh quan thông thoáng, giúp tàu bè du lịch có thể neo đậu dễ dàng. Song song đó, sẽ hỗ trợ HTX tổ chức sản xuất theo hướng ổn định từ khâu đầu vào đến đầu ra bằng việc tìm, lựa chọn các doanh nghiệp uy tín tham gia vào chuỗi sản xuất các loại cá nuôi lồng trên địa bàn xã.
Anh Nguyễn Văn Sáu – Phó Giám đốc HTX Tiến Đạt cho biết: Hiện HTX cũng đang rất khó khăn về đầu ra sản phẩm, các hoạt động phục vụ du lịch chưa đa dạng, thành viên chưa có sự liên kết, bè chung của HTX cũng đã bán do làm không hiệu quả. Thời gian tới, mong chính quyền các cấp, nhất là xã giúp chúng tôi sắp xếp lại khu đậu bè của HTX. Đồng thời, giới thiệu ký kết với các công ty cung cấp thức ăn cho thành viên và tìm đầu ra cho con cá. Song song đó, HTX sẽ kết hợp với công ty gắn kết dịch vụ du lịch mở các dịch vụ câu cá... nhằm tạo thu nhập thêm cho thành viên.
Anh Nguyễn Văn Sáu – Phó Giám đốc HTX Tiến Đạt
Theo một số hộ thành viên nuôi cá tại đây cho biết, cái khó của nghề nuôi cá lâu nay vẫn là vấn đề đầu ra. Nếu sắp tới địa phương có hướng hỗ trợ gắn kết tiêu thụ kết hợp mở các dịch vụ du lịch theo hướng hỗ trợ cho người dân thì sẽ tính toán đến việc sản xuất kết hợp làm du lịch theo hướng hợp lý nhất. Bởi hiện nay, vào các ngày lễ, Tết đông người thành viên HTX cũng chưa đáp ứng được nhu cầu vui chơi giải trí do chưa tổ chức được đa dạng các dịch vụ tạo niềm hứng khởi, thú vị cho mỗi du khách.