Hiện tại, toàn tỉnh có 64 Hợp tác xã (HTX) đang hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản (NTTS), tập trung nhiều ở một số huyện như: Kiên Hải, Kiên Lương, Hà Tiên, An Minh, An Biên, Vĩnh Thuận...
Thực trạng
Đối với các HTX NTTS tại các vùng nuôi tập trung đều rất thuận lợi hơn trong việc chia sẻ kinh nghiệm về xử lý nguồn nước, cách phòng trị bệnh, cách chăm sóc đàn cá, tôm, sò… hiệu quả và hỗ trợ nhau trông coi, bảo vệ an ninh trật tự khu vực nuôi. Khi tham gia vào HTX thành viên được tiếp cận nhiều hơn với các kỹ thuật NTTS thông qua các lớp tập huấn nên việc nuôi và chăm sóc các loại cá có nhiều thuận lợi. Hiệu quả hoạt động của HTX NTTS ở các địa phương từng bước được nâng lên. Các HTX tiếp cận dễ dàng hơn với các chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện. Được biết, thông qua dịch vụ của HTX, các hộ thành viên có thể mua thức ăn rẻ hơn so với mua giá thông thường.
Khi tham gia vào HTX thành viên được tiếp cận nhiều hơn với các kỹ thuật NTTS
Không chỉ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nuôi thả con giống, từ việc lựa chọn, mật độ thả, vệ sinh ao, lồng nuôi... đến việc chủ động phòng bệnh cho cá, các thành viên trong HTX còn thường xuyên được tham quan thực tế và tham gia các buổi tập huấn kỹ thuật khuyến nông. Nhờ vậy, tư duy sản xuất của các thành viên đã có chuyển biến tích cực. Đến nay, cùng với việc tận dụng nguồn thức ăn tại chỗ, thành viên các HTX đã mạnh dạn đầu tư sử dụng thức ăn công nghiệp để thâm canh, tăng hiệu quả.
Nhờ sự hợp tác, cùng nhau làm kinh tế, đến nay, đa số các hộ trong các HTX có doanh thu bình quân hàng trăm triệu đồng/năm trở lên. Các thành viên hoàn toàn tin tưởng vào HTX, nhiều HTX phát huy được vai trò của mình trong hỗ trợ sự phát triển kinh tế đem lại nhiều lợi ích cho thành viên. Cùng với đó, với tư cách là đại diện tập thể thành viên, các HTX thủy sản còn đứng ra đóng vai trò “cầu nối” giúp thành viên có điều kiện tiếp cận với các chính sách hỗ trợ. Đồng thời, các HTX cũng vừa chủ động nguồn cung con giống, vừa bảo đảm cung cấp thức ăn cho các thành viên. Đến nay nhìn chung các mô hình HTX NTTS đã trực tiếp thúc đẩy hoạt động chăn nuôi thủy sản ở các địa phương phát triển theo hướng hiệu quả bền vững; là nhân tố cơ bản giúp nâng cao giá trị kinh tế và tăng thu nhập của người sản xuất.
Tuy đã từng bước khẳng định rõ hiệu quả trong thực tiễn song đến nay, các mô hình HTX NTTS trên địa bàn tỉnh vẫn đang gặp những khó khăn nhất định như việc tiếp cận nguồn vốn, mở rộng đầu tư (do không có tài sản thế chấp); việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; việc tìm thị trường đầu ra ổn định cho các mặt hàng thuỷ sản; sự quan tâm của các cấp ủy chính quyền… Chính những vấn đề này đã và đang hạn chế hiệu quả hoạt động NTTS.
Thách thức
Thức chính lớn nhất của HTX vẫn là những khó khăn về nhân lực, vốn, đầu ra sản phẩm... mà vấn đề này đã tồn tại bao nhiêu năm nay. Trong bối cảnh mới, HTX cũng đứng trước những đòi hỏi phải vận hành tốt thì mới tồn tại được. HTX cũng vấp phải những thách thức về vốn, thị trường, chất lượng sản phẩm... như bao doanh nghiệp khác. Chính vì vậy, những yêu cầu về cải tổ ngày một sát sao hơn.
Lo ngại lớn và cơ bản nhất có lẽ là về nhân lực. Hầu hết nhân sự của các HTX hiện nay đều là nông dân và chưa nhiều người tiếp cận được với các công cụ, kiến thức quản lý, vận hành hoặc bán hàng, hoặc nghiên cứu thị trường. Theo đó, đội ngũ cán bộ ban điều hành, lãnh đạo HTX có trình độ rất thấp; thủ quỹ, kế toán của hợp tác xã chưa có trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Thực tế, chất lượng nguồn nhân lực nói trên khó lòng để các HTX đáp ứng những yêu cầu thị trường hiện nay.
Nhiều HTX đội ngũ cán bộ ban điều hành, lãnh đạo HTX có trình độ rất thấp
Tiếp đến, khả năng tiếp cận vốn của các HTX gần như rất ít, trong khi nhu cầu thực tế lại rất cao. Đã có nhiều ý kiến, chỉ đạo nhằm tháo gỡ vấn đề này, song thực tế rất khó bởi ngân hàng hay quỹ tín dụng là những định chế hoạt động theo quy định rõ ràng. Trong quá trình cho vay vốn nếu các HTX không đáp ứng đủ các điều kiện khắt khe đi kèm thì không thể tiếp cận được.
Một vấn đề lớn khác là những thông tin và kiến thức mới cần cập nhật cho các HTX về thị trường, thương hiệu nông sản... vẫn còn hạn chế so với yêu cầu của thị trường hiện nay.
Hay tác động của con giống kém chất lượng, thời tiết không thuận lợi, giá nguyên liệu không ổn định đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất. Từ đó, số lượng thành viên nuôi cho hiệu quả kém dần và cũng dần rời khỏi HTX để tìm hướng đi cho riêng mình.
Thực tế cho thấy, không dễ gì dẹp bỏ các thách thức và nhanh chóng cải thiện những tồn tại để hệ thống HTX vận hành hiệu quả và chuyên nghiệp là điều không dễ dàng, song cũng không thể chậm trễ hơn nữa khi thị trường nay đã mở rộng cửa và đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn khắt khe hơn.
Giải pháp tối ưu
Trong thời gian tới, để các mô hình HTX NTTS tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao đời sống của người dân, chính quyền các cấp cần tăng cường quan tâm, tạo điều kiện giúp các HTX từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc với tinh thần “chung tay, chung sức cùng phát triển”. Có như vậy, các HTX thủy sản ở các địa phương mới thực sự là “hạt nhân” để tập hợp các hộ nông dân cùng nhau liên kết, nâng cao hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho người sản xuất.
Phải nâng cao chất lượng. thương hiệu, uy tín trên thị trường, nghĩa là phải có chứng nhận, phải có truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm trong HTX. Hướng đến xây dựng nhiều loại chứng nhận để đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu mà các doanh nghiệp đã và đang thực hiện.
Đảm bảo sản phẩm có chứng nhận truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm để xuất khẩu
Làm sao phải đảm bảo chuỗi khép kín trong mô hình sản xuất, tức là phải liên kết với các đối tác để đáp ứng tốt nhu cầu của mô hình sản xuất; đồng thời, việc tổ chức quản lý, kiểm soát chặt chẽ cung ứng đủ năng lực đầu vào như về con giống, thuốc, thức ăn; đầu ra thì đảm bảo sản phẩm có chứng nhận truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm để đảm bảo xuất khẩu.